Không cam chịu đói nghèo, một phụ nữ nông thôn đã mạnh dạn học cách làm nấm, từ đó, thành lập hợp tác xã có tổng doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, chị còn tận tình chuyển giao kỹ thuật giúp giấc mơ làm giàu của nhiều nông dân trở thành hiện thực.
Đến xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, hỏi thăm nhà chị Đào Thị Thiện chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến một trang trại trồng nấm rộng gần 4000 mét vuông.
Chị Thiện cho biết, trước khi đến với nghề trồng nấm, gia đình chị chủ yếu sống dựa vào vài sào ruộng nên gặp không ít khó khăn. Một lần tình cờ xem trên truyền hình giới thiệu về nghề trồng nấm mang lại giá trị kinh tế cao, chị một mình khăn gói lên Trung tâm công nghệ sinh học thực vật Hà Nội để được tư vấn và tìm hiểu kiến thức trồng nấm. Sau đó, chị lấy giống nấm ở trung tâm về trồng thử nghiệm trên diện tích vài trăm mét vuông. Đó là thời điểm năm 2005.
Chị Đào Thị Thiện.
Để có thêm kiến thức về cây nấm, chị lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm của một số mô hình làm nấm thành công ở trong và ngoài tỉnh.
Lứa nấm đầu tiên chị thu lãi 80 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm.
Năm 2010, chị mạnh dạn tiến thêm một bước nữa, liên kết với 9 gia đình khác thành lập Hợp tác xã trồng và tiêu thụ nấm Sáng Thiện – Quảng Hội. Chị vay vồn ngân hàng, nhận thầu gần 4000 mét vuông đất để xây dựng trang trại trồng nấm vào loại lớn nhất Thành phố Hà Nội.
“Tôi xác định muốn phát triển kinh tế từ cây nấm thì phải xây dựng trang trại có quy mô lớn, đẩy mạnh áp dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chu trình khép kín”, chị Thiện chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, trong những lần tham gia tập huấn trồng nấm ở Trung tâm công nghệ sinh học thực vật Hà Nội, chị được giới thiệu về loại nấm Linh Chi dùng làm dược liệu. Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, thị trường có nhu cầu lớn nhưng rất khó trồng, ít người làm. Bởi vậy, chị táo bạo đưa nấm Linh Chi vào trồng trong trang trại với quy mô lớn.
Hiện nay, chị đã trồng thành công gần 1000 bầu nấm Linh Chi với giá thành từ 500 – 700 nghìn đồng/cân.
Riêng năm 2010, hợp tác xã của chị đã xuất ra thị trường hơn 55 tấn nấm sạch các loại với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 65 lao động nông thôn.
Bạn của nhà nông
Khi đã làm thành công sản phẩm nấm sạch, chị Thiện còn tận tình chuyển giao kỹ thuật giúp nhiều nông dân làm giàu. Chị sẵn sàng đi đến từng gia đình trong xã và huyện để hướng dẫn cách trồng nấm sạch cho bà con nông dân. Tính đến nay, chị đã phổ biến cách làm nấm cho hơn 2000 lượt người.
“Bản thân tôi cũng từng là một người nông dân sống trong cảnh nghèo khó nên tôi hiểu được sự vất vả của bà con. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm làm sao giúp đỡ nhiều nông dân làm giàu từ cây nấm”, chị Thiện nói.
Từ mô hình trồng nấm của chị, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang làm kinh tế từ cây nấm. Chỉ tính riêng trong xã, chị đã giúp đỡ 175 gia đình xây dựng mô hình trồng nấm và nhận bao tiêu sản phẩm cho 60 gia đình khác. Nhờ vậy, không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2009, mô hình trồng nấm của chị được Thành phố Hà Nội chọn làm mô hình điểm. Hàng năm, chị đón tiếp hơn 30 đoàn khách đến thăm quan, học hỏi.
Tháng 10/2011 vừa qua, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2011 (nhằm vinh danh, khuyến khích tinh thần thi đua, khả năng sáng tạo trên mọi lĩnh vực của phụ nữ Việt Nam). Chị cũng được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
“Nếu có bà con nông dân nào muốn làm giàu từ cây nấm, tôi luôn sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ xây dựng mô hình trồng nấm sạch”, chị Thiện nói.