Được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ tháng 7/2010, sau hơn 1 năm thực hiện, xã Song Phượng (Đan Phượng - Hà Nội) đã đạt 15/19 tiêu chí với tổng kinh phí thực hiện 94/299 tỷ đồng.
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Đến thời điểm này, Song Phượng đã lập xong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành việc thi công và đưa vào sử dụng 40/73 công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế - xã hội đã được thành phố phê duyệt. Mới đây, khi về làm việc tại địa phương, ông Nguyễn Công Soái, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình XDNTM TP. Hà Nội, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: "Song Phượng thực sự là điển hình của thành phố trong XDNTM nhờ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền; đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm; công tác xây dựng hệ thống hạ tầng được tổ chức đồng bộ".
Là xã ven đô, "tấc đất tấc vàng" nên nhiều tuyến đường trục chính giữa các thôn ở Song Phượng chỉ rộng 2-3m. Khi triển khai XDNTM, để làng quê khang trang hơn, người dân ở đây đã đồng tâm làm "cuộc cách mạng" cho đường làng. Nhờ sự vận động và gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ nên hơn 200 hộ dân trong xã đã đồng ý bàn giao mặt bằng, do vậy các công trình giao thông được triển khai khá nhanh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị thăm trường mầm non xã Song Phượng.
Nhờ sự đồng thuận, sau hơn 1 năm, bộ mặt nông thôn Song Phượng đã có những chuyển biến đáng kể. Xã làm mới được gần 6km đường liên thôn, liên xã với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai xây dựng 7 tuyến đường chính tại các thôn; 29/51 tuyến đường xóm, ngõ ở các thôn cũng đã hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp ngày công và 50% giá trị vật liệu. Nhiều đoạn đường chính của xã đã được mở rộng lên 6m, một số đoạn qua các thôn Thu Quế, Tháp Thượng rộng tới 9m.
Có sự "vào cuộc" của người dân, không chỉ các dự án giao thông mà nhiều hạng mục, tiêu chí quan trọng khác như: Hệ thống thủy lợi, đường điện, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, văn hoá - xã hội và môi trường... đều được triển khai xây dựng, hoàn thành tốt. Toàn xã đã có 4/6 ao, hồ được cải tạo, kè bờ bao và trồng cây xanh. Bà con nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng trùng tu đình làng Thu Quế, chùa Động Linh (thôn Thuận Thượng), trùng tu xây dựng chùa Đồi Hồi, đền Tam Phủ...; 140 hộ dân tự đầu tư khoảng 54 tỷ đồng để sửa chữa nhà, nâng cấp các công trình vệ sinh, nước sạch, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh lên trên 95%. Cả 4 thôn trong xã đạt danh hiệu làng văn hóa và hơn 88% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa...
Còn đó những âu lo
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ tịch HĐND xã cho biết, kết quả trên chủ yếu thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng nông thôn, còn tiêu chí tăng thu nhập bình quân cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và triển khai mô hình sản xuất mới... vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Song Phượng đã quy hoạch hơn 31ha hoa, rau sạch; chuyển 12ha đất hai vụ lúa sang trồng hoa ở thôn Tháp và thôn Thu Quế; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 23,6ha ở thôn Thuận Thượng và thôn Thống Nhất; trồng ngô ở khu đồng Vòng..., nhưng đến nay các dự án vẫn trong giai đoạn "khởi động". Đặc biệt, dự án trồng rau an toàn hơn 31ha mới bàn giao mặt bằng được 3ha cho doanh nghiệp; quy hoạch làng nghề tiểu thủ công nghiệp 10ha vẫn dậm chân tại chỗ.
So với năm 2010, thu nhập bình quân tuy đã tăng 1,4 triệu đồng, đạt 14,3 triệu đồng/người/năm nhưng so với Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM thì chưa đạt. Toàn xã vẫn còn 67 hộ nghèo trên tổng số 1.176 hộ, chiếm 5,7%.
Vì vậy, để tạo thêm nguồn lực, huyện Đan Phượng đã huy động 8 doanh nghiệp tài trợ cho các địa phương trong công tác quy hoạch và phát triển các dự án sản xuất.