Điển hình về kinh tế hộ gia đình

 9693 lượt xem
Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Nguyễn Tư ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất cằn cỗi sỏi đá. 

 Bây giờ có dịp về thôn Phú Hưng, hỏi nhà anh Nguyễn Tư và chị Hoàng Thị Thủy thì ai cũng biết và chỉ giúp tận tình. Căn nhà mái bằng khang trang với đầy đủ tiện nghi của gia đình anh Tư nằm ngay sát nhà thờ La Vang là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng ít ai biết, trước khi có được cơ ngơi như vậy gia đình anh đã phải nếm trải muôn nỗi nhọc nhằn từ khi khai phá vùng đất này. 

 
Vừa tranh thủ cho lợn ăn, anh Tư trầm ngâm cho biết: “Vùng đất này trước đây khô cằn sỏi đá, lau lách, cỏ dại mọc um tùm chẳng làm được gì nên đời sống của gia đình tôi rất bế tắc. Khi đàn con lần lượt ra đời cũng là lúc vợ chồng tôi có ý định rời quê đi nơi khác làm ăn! Nhưng nghĩ thế rồi lại thôi. Cách đây khoảng 15 năm, lúc ấy phong trào lập trang trại phát triển kinh tế trên vùng gò đồi đang sôi nổi. Thế là vợ chồng tôi quyết định bám quê tìm kế làm ăn”. 
 
Anh Tư chăm sóc đàn lợn trong trang trại gia đình.
 
Thời điểm ấy, khu vườn rộng bao la của gia đình anh Tư chi chít đá sỏi và cỏ dại nên phải mất nhiều tháng ròng cải tạo khu vườn mới thành hình. Cải tạo vườn xong, anh chị mua giống sắn khoai về trồng. Sau những vụ đầu tiên, vợ chồng anh Tư tích góp được ít tiền, đủ nuôi con. Nhưng lúc này anh chị lại nghĩ không thể chỉ trông chờ vào một loại cây mà giàu được nên quyết định phải làm thêm việc khác. 
 
Vợ chồng anh quyết định đào ao với diện tích khoảng 1.700 m2 để thả cá và xây dựng chuồng trại nuôi lợn đồng thời nhận làm thêm khoảng 6.000 m2 ruộng lúa theo mô hình lợn- cá- lúa kết hợp. “Sau năm đầu tiên làm mô hình này vợ chồng tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Từ những thành công ban đầu đó đến nay từ mô hình này mỗi năm gia đình tôi thu nhập được từ 500- 700 triệu đồng. Chỉ riêng làm ruộng gia đình tôi cũng thu được 5 tấn thóc, cá và lợn thì nhiều hơn”. 
 
Trong năm 2011, anh Tư đầu tư xây dựng thêm khu chuồng trại khang trang cạnh mép hồ cá. Anh Tư cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã thả được khoảng 180 con lợn thịt, ngoài ra trong chuồng luôn có từ 4-5 con lợn nái sinh sản. “Mỗi năm lợn sinh sản của gia đình tôi sinh được khoảng 12 lứa (trung bình 11 lợn con/lứa). Tất cả lợn con chúng tôi đều nuôi hết, thậm chí có lúc phải mua lợn giống bên ngoài vì thiếu”, chị Thủy góp chuyện. 
 
Chưa dừng lại ở mô hình trang trại của mình, năm 2010, nhận thấy nhu cầu đào hồ cá, đào hố trồng rừng và xây dựng các hồ đập lớn nên gia đình anh quyết định đầu tư gần cả tỷ đồng mua chiếc máy xúc để làm ăn. Chiếc máy xúc này vợ chồng anh để con trai lái đi đào đất thuê cho người dân và các công trình xây dựng trong vùng. Qua hơn 1 năm từ chiếc máy xúc này đã mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh. 
 
 
Ý kiến của bạn