BTĐKT - Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cũng như nỗ lực thực hiện các cơ chế hợp tác hải quan trong ASEAN hiện nay, nhằm tạo thuận lợi thương mại, hàng hóa tự do lưu thông và thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng trong khối.
Xác định hợp tác hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn.
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 32 được tổ chức từ ngày 6 - 8/6/2023 tại Pattaya, Thái Lan
Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về thực hiện Biểu thuế Hài hòa hóa của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…
Để thực hiện nghĩa vụ của mình, trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán các nội dung liên quan đến hải quan tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và các nước đối tác.
Trên cơ sở Hiệp định đối tác toàn diện khu vực giữa các nước ASEAN và các nước đối tác (RCEP) đã có hiệu lực nên việc đàm phán nâng cấp các FTA đã ký là cần thiết phù hợp với các chuẩn mực mới về hợp tác thương mại nói chung và hợp tác hải quan nói riêng. Hải quan Việt Nam tiếp tục thúc đẩy triển khai theo lộ trình công tác đàm phán, nâng cấp các FTA giữa các nước ASEAN và đối tác.
Đối với Chương về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Chương CPTF) tại các hiệp định, Hải quan Việt Nam đang triển khai thực hiện các phiên đàm phán theo tiến độ đàm phán của Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ Công thương là đầu mối. Cụ thể:
Trong quá trình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), tháng 8/2023, các quan chức cấp cao tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Australia - New Zealand đã ký Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (gọi tắt là Nghị định thư thứ 2).
Theo đó, việc ký kết Nghị định thư thứ 2 là kết quả của 3 năm đàm phán nâng cấp AANZFTA (kết thúc vào tháng 11/2022). Điều đó tái khẳng định quyết tâm của các bên trong việc thúc đẩy các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, đáp ứng các thách thức mới nổi, có tính đến các thông lệ thương mại hiện đại và vẫn có ý nghĩa thương mại đối với các doanh nghiệp trong khu vực.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada (ACAFTA), tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Canada năm 2021 đã đưa việc khởi động đàm phán Hiệp định giữa ASEAN và Canada thành một trong những sáng kiến ưu tiên trong hợp tác kinh tế ASEAN - Canada. Theo đó, Hải quan Việt Nam đồng chủ toạ với Canada đã khởi động trao đổi, đàm phán từ tháng 8/2022. Đến nay, sau 7 phiên đàm phán, các bên đã thống nhất được 10 điều trên tổng số 25 điều.
Đối với việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), trên cơ sở Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc ký tháng 11/2002, các Hiệp định về: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư và Cơ chế giải quyết tranh chấp đã được ký kết nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA 1.0).
Đến tháng 11/2015, hai bên tiếp tục ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định ACFTA (ACFTA 2.0). Theo đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11/2022, hai bên đã tuyên bố chính thức khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA 3.0).
Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán Chương CPTF và nội dung về “Kết nối chuỗi cung ứng” (SCC) thuộc Chương Thương mại hàng hóa. Từ khi khởi động vào tháng 1/2023 đến nay, nhóm đã họp được 7 phiên nội bộ của ASEAN và 6 phiên toàn thể giữ ASEAN và Trung Quốc. Các bên đã dự thảo khung các điều khoản của Chương CPTF, trên cơ sở kế thừa ACFTA 2.0 và Hiệp định RCEP. Hiện Chương CPTF đã thống nhất được 10 điều trên tổng số 26 điều khoản.
Về SCC, nội dung này được đề xuất đàm phán nhằm đem đến giá trị gia tăng cho Hiệp định nâng cấp, với mong muốn tăng cường cam kết của các bên để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng hàng hóa trong tình huống biến động, khủng hoảng, đặc biệt khi Trung Quốc đóng vai trò là đối tác thương mại quan trọng của các nước ASEAN.
Liên quan đến nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiệp định ATIGA được ký kết vào tháng 2/2009 giữa các nước thành viên ASEAN trên cơ sở tổng hợp các cam kết trong Hiệp định CEPT/AFTA được xây dựng từ năm 1992. Mục tiêu của ATIGA là dỡ bỏ tất cả các rào cản để hàng hóa có thể luân chuyển tự do trong thương mại nội khối.
Trước tình hình kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 28 diễn ra vào tháng 3/2022, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thống nhất chính thức khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối và phát triển các chuỗi cung ứng khu vực.
Tham gia vào hoạt động này, Hải quan Việt Nam được giao chủ trì tham gia đàm phán Chương CPTF. Từ khi khởi động vào tháng 11/2022 đến nay, nhóm đã họp được 8 phiên, về cơ bản đã thống nhất được 19 điều trên tổng số 21 điều và dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán trong năm 2024. Hiện tại đang tiếp tục đàm phán liên quan đến việc chấp nhận chứng từ và thông tin, dữ liệu thương mại dưới dạng điện tử phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh do các cơ quan quản lý khác cơ quan Hải quan ban hành.
Trên cơ sở Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) được ký vào tháng 8/2009, với các ưu tiên mới trong hợp tác liên quan đến việc hình thành chuỗi cung ứng bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, sự ổn định của các cơ chế về y tế cũng như tài chính trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 vào tháng 9/2022, cuộc họp lần thứ 19 của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Ấn Độ đã thông qua việc khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định AIFTA và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo đó, Việt Nam hiện đã hoàn tất quy trình, thủ tục thành lập đoàn đàm phán và Hải quan Việt Nam được giao chủ trì tham gia đàm phán Nhóm CPTF. Hiện Nhóm họp được phiên rà soát tổng thể đầu tiên vào tháng 3/2024.
Theo Hải quan Việt Nam, về cơ bản, nhiệm vụ đàm phán các nội dung liên quan đến hải quan tại các FTA đang được thực hiện theo đúng nguyên tắc và đảm bảo tiến độ đàm phán.
Xuyên suốt trong quá trình đàm phán các Hiệp định nâng cấp, Hải quan Việt Nam đã xây dựng phương án đàm phán đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến Hiệp định.
Đồng thời, đảm bảo các lĩnh vực đề xuất cho đàm phán FTA giữa ASEAN và các đối tác có phạm vi và mức độ cam kết ở mức trung bình, thấp hơn hoặc bằng so với mức cam kết trong Hiệp định RCEP, Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, đảm bảo các lợi ích của Việt Nam khi tham gia FTA nâng cấp và đảm bảo các cam kết của FTA này không vượt quá, không đòi hỏi sửa đổi các quy định hiện hành trong nước.
Gia Linh