Từ đầu năm đến nay, những tuyến đường thôn thuộc xã Minh Thanh (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đang từng bước được đổ bê tông sạch đẹp, thay dần con đường đất trươn trượt, lầy lội và bụi bặm trước kia. Có được sự đổi thay này là do xã đã vận động, khơi dậy được sức dân tham gia, đóng góp làm đường bê tông, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xã Minh Thanh có 14 thôn, 1.326 hộ, trong đó có 70% là đồng bào dân tộc Tày. Ngoài cây lúa, xã chú trọng phát triển cây chè. Để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, xã đã chú trọng thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đồng chí Ma Tiến Vinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết: Kế hoạch năm 2011, xã Minh Thanh thực hiện bê tông hóa 4,8 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã đã làm vượt 100 m so với kế hoạch, trong đó, thôn Cảy làm được 2,1 km, thôn Quang Thanh 1,3 km, thôn Tân Thành 1,2 km, thôn Cầu 0,3 km... Được Nhà nước cấp 925,5 tấn xi măng, bà con nhân dân tự nguyện đóng góp 2.615 ngày công và 2.092 khối cát sỏi. Còn lại huy động từ các nguồn giúp đỡ, các chương trình dự án khác được triển khai trên địa bàn.
Trao đổi về kinh nghiệm “kích cầu” làm đường giao thông nông thôn, đồng chí Ma Tiến Vinh cho biết thêm: Trước hết, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể xuống từng thôn. Các thôn tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương, nhiệm vụ làm đường giao thông và thông báo công khai, dân chủ, minh bạch tới nhân dân về cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng như phần đóng góp của nhân dân. Quá trình thi công được thực hiện theo phương châm “Dân tự làm, tự giám sát chất lượng công trình”. Qua đó, đã huy động được hàng nghìn công lao động của nhân dân đóng góp vận chuyển nguyên vật liệu và trực tiếp thi công các tuyến đường, tiết kiệm được một phần không nhỏ kinh phí nếu phải thuê khoán. Các ban giám sát do nhân dân bầu ra hoạt động tích cực, hiệu quả nên không xảy ra hiện tượng thất thoát nguyên vật liệu, thi công sai quy trình kỹ thuật, chất lượng các tuyến đường bảo đảm.
Đồng chí Vũ Thị Nữ, Bí thư chi bộ thôn Cảy cho biết, thôn Cảy có 105 hộ với 435 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo còn khoảng 20%. Từ cuối năm 2010, khi nhu cầu về giao thông đặt ra ngày càng bức thiết, thôn Cảy đã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân.
Nhờ có sự thống nhất, đồng thuận cao từ chi bộ đến các đoàn thể nên trong tháng 1-2011, thôn bắt đầu đề ra chiến dịch bê tông hóa đường với mức đóng góp từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/hộ. Đối với những gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, thôn xem xét tạo điều kiện đóng góp làm nhiều đợt. Trong thời gian ngắn, hơn 2,1 km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Thôn Cảy phấn đấu đến hết năm 2012 hoàn thành bê tông hóa trên 2 km đường còn lại. Chị Lương Thị Diễn ở thôn Cảy cho biết: “Trước đây, đoạn đường qua nhà tôi là đường đất, mùa mưa đường rất lầy lội, phương tiện đi lại chủ yếu là xe thô sơ như xe đạp, xe bò, xe kéo. Từ khi địa phương triển khai làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi rất vui mừng và tích cực hưởng ứng, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện. Ngoài đóng góp về kinh phí, gia đình tôi đã góp công, vận động bà con trong thôn giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để xây dựng những con đường khang trang sạch đẹp như ngày hôm nay”.
Kết quả từ việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Minh Thanh đã phục vụ chính người dân địa phương trong sản xuất và sinh hoạt, phù hợp với chủ trương phát triển hạ tầng và giao thông nông thôn gắn với các chương trình kinh tế, xã hội. Từ sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân đã tạo nên sự bứt phá trong phong trào bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn của xã. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân khi được khơi dậy đúng lúc và chủ trương phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của người dân.