Đất Chín Rồng đổi thay

 8859 lượt xem
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, nên hầu hết các tỉnh, thành ở khu vực này đều đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015 có tối thiểu 20% số xã đạt chuẩn NTM. 

Khắp nơi xây dựng NTM

Vị Thanh, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang và cả khu vực ĐBSCL chính thức được công nhận là xã NTM. Diện mạo và đời sống người dân ở xã thuần nông Vị Thanh đã thay đổi rõ rệt.
 
Vị Thanh là xã đầu tiên ở ĐBSCL được công nhận nông thôn mới.
 
Trước đây, điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nhu cầu đi lại bằng đường bộ của người dân trở nên rất bức thiết. Vì vậy, trong các năm qua, Vị Thanh đã tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, kết quả toàn bộ các tuyến đường giao thông từ nông thôn về trung tâm xã đều được phủ bê tông, nhựa.
 
Ông Huỳnh Văn Trắng- Chủ tịch UBND xã Vị Thanh cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM, nên đã đồng tình và tích cực đóng góp sức người, sức của.
 
Điều quan trọng đối với chính quyền là, làm sao để người dân được mắt thấy, tai nghe, tận tay sờ vào, thì họ mới làm theo. Đối với những vấn đề mang tính cộng đồng, chúng tôi đều công khai lấy ý kiến người dân, các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà thông tin các ấp”.
 
Khác với Vị Thanh, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) là 1 trong 11 xã trong cả nước được Ban Bí thư chọn xây dựng thí điểm mô hình NTM. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay Mỹ Long Nam đã đạt được 18 tiêu chí.
 
Ông Nguyễn Văn Syl - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Nam cho biết: “Từ khi khởi động xây dựng NTM, tăng trưởng kinh tế của xã đã đạt 19-20%; thu nhập đầu người bình quân tăng lên 33 triệu đồng/năm. Đặc biệt, toàn xã có 210 đảng viên, nhân dân tình nguyện hiến trên 16.000m2 đất mặt tiền, trị giá 1,8 tỷ đồng để làm NTM”.
 
Ông Trần Văn Xuyên, ở ấp 5, người tình nguyện hiến 50m2 đất và 50 triệu đồng nói: “Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho mình sản xuất ngày càng hiệu quả, cuộc sống được cải thiện, thì mình hiến vài chục mét vuông đất cũng đâu có đáng gì”.
 
Yếu toàn diện
 
Mặc dù việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM tại các tỉnh khu vực ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa có chương trình đào tạo lao động tay nghề cao, thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn một số nơi còn thấp hơn so với bình quân chung của vùng.
 
Tại ĐBSCL, hiện hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, có đường liên ấp cho xe 2 bánh, hệ thống thủy lợi phục vụ trên 90% diện tích đất nông nghiệp của cả vùng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng còn khá cao, khoảng 20%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 23,5%...
 
Việc phát triển và tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, chính sách thu hút nguồn lực của các xã còn chậm. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương còn vướng mắc ở khâu giải ngân, số xã hoàn thành các tiêu chí của NTM còn ít.
 
Ông Nguyễn Anh Thùy - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ đánh giá: “NTM là một chương trình quốc gia, nhưng chưa có mô hình mẫu, nên việc triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, thực hiện xây dựng NTM còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, năng lực tài chính ở địa phương hạn chế”.
 
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Sánh - Viện Nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL: “Đến nay, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn quá thấp, chỉ chiếm 4% ngân sách mỗi tỉnh, thành, đó là hạn chế lớn để thực hiện xây dựng NTM, nhất là ở ĐBSCL vẫn chưa xuất hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn để nhân rộng”.
 
 
Ý kiến của bạn