Làm sao để có Anh hùng lao động?

 9215 lượt xem
Đợt kiểm tra về công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) tại Bạc Liêu mới đây của đoàn công tác Hội đồng TĐKT Trung ương do Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Nguyễn Thị Doan đã làm bật ra nhiều vấn đề “biết rồi nhưng chưa nói được” về công tác này… 

Với tinh thần “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, các phong trào thi đua được địa phương, đơn vị phát động đã khơi dậy tinh thần và ý chí cống hiến cho quê hương bằng những việc làm, hành động, những sáng kiến, ý tưởng mới của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, những nông dân, công nhân cần cù, chăm chỉ. Với mỗi phong trào thi đua mang đặc trưng của từng ngành, từng địa phương được tổ chức đột xuất hay thường xuyên, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đã được hoàn thành, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cũng từ các phong trào thi đua đến khen thưởng mới thấy có nhiều vấn đề mà các đơn vị đã “ấm ức” nhưng không thể thực hiện khác vì bắt buộc phải tuân thủ đúng quy định. Chỉ quanh chuyện “có hay không chuyện lãnh đạo thường được khen nhiều hơn là người trực tiếp lao động, sản xuất hay đội ngũ chuyên viên, giúp việc”, đã có nhiều lý giải khác nhau cho câu trả lời “có”! Không kể chuyện nể nang lãnh đạo trong bình xét thì các tiêu chí xét thi đua dường như cũng chỉ dành cho cán bộ lãnh đạo với nhiều trách nhiệm to lớn, chứ một người lao động bình thường thì quá khó để được xét công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở chứ nói chi đến chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, hay bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và cấp cao hơn nữa.
 
Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt ra một vấn đề mà chắc chắn đã làm những người có trách nhiệm trong công tác TĐKT phải suy nghĩ. Đó là “đất nước đã 25 năm đổi mới, Bạc Liêu cũng đã chia tách được 15 năm nhưng tại sao cả tỉnh lại không có tập thể, cá nhân nào được công nhận danh hiệu Anh hùng lao động (AHLĐ) thời kỳ đổi mới?”. Trên thực tế, Bạc Liêu không thiếu những nhân vật “thành tích cao” trên nhiều lĩnh vực như: Vua tôm Sáu Ngoãn (TP. Bạc Liêu); nông dân Tám Lạc (huyện Hòa Bình) - nhà khoa học nông dân chuyên nghiên cứu giống lúa mới; VĐV Dương Thị Việt Anh vừa đoạt HCV tại SEA Game 26; và không ít những tập thể, cá nhân có bề dày thành tích trong lao động, sản xuất... Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới dừng lại ở mức cá nhân điển hình chứ chưa thể đạt tới danh hiệu cao quý AHLĐ thời kỳ đổi mới. Có thể những tập thể, cá nhân đó chưa đủ “độ chín”, thành tích chưa đủ dày để được công nhận, nhưng cũng có thể địa phương, đơn vị chưa thật sự chăm bồi, tạo điều kiện tối đa để họ phát huy tốt hơn nữa.
 
Bác Hồ từng dạy “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái”. Nếu từng địa phương, đơn vị gieo trồng được những hạt giống quý, chăm bồi thật tốt thì danh hiệu khen thưởng AHLĐ không phải là quá cao xa!
 
 
Ý kiến của bạn