Làng hiếu học xã Bình Thủy

 8934 lượt xem
Xã Bình Thủy (Châu Phú, tỉnh An Giang) không chỉ nổi tiếng với những ngôi đình cổ kính, với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, mà nơi đây còn là cái nôi của phong trào hiếu học. Người ta gọi Bình Thủy là “Làng thạc sĩ”, bởi xã cù lao này là quê hương của 1 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và gần 300 cử nhân. 

Các thạc sĩ, tiến sĩ được vinh danh.

Ông Dương Hồng Hưng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Thủy cho biết, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của UBND xã, các ban ngành đoàn thể trong huyện nên phong trào hiếu học của xã ngày càng nhân rộng. Toàn xã có 2.700 em trong độ tuổi đến trường, không có trường hợp bỏ học. Hiện tại, xã có 12 thạc sĩ, 1 tiến sĩ, 180 cử nhân vừa tốt nghiệp và hơn 100 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trong nước. Bên cạnh đó, phong trào xã hội hóa giáo dục cũng ngày càng được đẩy mạnh: Hội Khuyến học đã phát triển được 2.260 hội viên, 17 chi hội trong xã, 5 dòng họ và 1.500 gia đình hiếu học. Các gia đình trong xã luôn phát huy truyền thống hiếu học của cha anh để lại. Vào năm 1783, khi chúa Nguyễn mở rộng đất nước về phía Nam, đã cho thành lập vùng đất cù lao có tên gọi là Bình Lâm Thôn, sau mới đổi tên là xã Bình Thủy, một số trí thức, nho sĩ đã đến định cư vùng đất này. Từ bao đời nay, họ luôn khuyến khích con cháu học hành để trở thành người có ích cho xã hội. Bởi nếu không học hành đàng hoàng thì con em họ biết làm gì sống trên mảnh đất cù lao nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 1.500 héc-ta mà dân số đến 18.000 người, trong khi hàng năm xã còn đối mặt với nguy cơ bị sạt lở đất. Từ sản xuất lúa chỉ một vụ, nông dân đã chuyển lên hai vụ và xen canh cây hoa màu để tăng sản lượng lương thực, tăng thu nhập và đầu tư cho giáo dục.

Điểm đặc biệt ở xã Bình Thủy là đa số những thạc sĩ, cử nhân đều xuất thân từ gia đình đông con, ít đất sản xuất, đi làm thuê… Để cho con đến trường, họ phải làm lụng vất vả không kể ngày lẫn đêm, thậm chí đi làm ăn tận Campuchia để gửi tiền cho con ăn học. Điển hình là gia đình bác Vương Hồng Diêu, suốt cuộc đời gắn bó với nghề làm nông nhưng bác đã cố gắng lo cho 7 người con ăn học thành đạt. Những người con của bác hiện đang công tác ở ngân hàng, công ty thủy sản, công ty xuất khẩu gạo, thầy giáo… Bác kể: “Tôi chỉ học được đến lớp một và nghỉ học do gia đình không có đủ điều kiện nên tôi quyết tâm cho con ăn học. Chỉ có đứa con đang theo học y sĩ phải nghỉ học về làm tiếp gia đình. Nói chung, các con tôi đều thành đạt và có cuộc sống ổn định”. Chị Trần Thị Thanh Nhi, thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, đang công tác tại Trường cao đẳng Nghề An Giang tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được sinh ra trên mảnh đất Bình Thủy vốn giàu truyền thống hiếu học và luôn được địa phương chăm lo khuyến khích tài năng của con em. Gia đình làm ruộng khó khăn mà vẫn lo đầy đủ cho ba chị em tôi đến trường. Tôi càng hạnh phúc hơn khi được dự buổi lễ vinh danh thạc sĩ, cử nhân do địa phương tổ chức. Bởi đây là một việc làm hết sức ý nghĩa và mang tính giáo dục cao, làm động lực cho phong trào hiếu học phát triển”.
 
Ý kiến của bạn