Với 96% là người dân tộc thiểu số, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang đã vươn lên trở thành một thôn điểm trong phát triển kinh tế địa phương bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây vải thiều sang cây na dai.
Anh Hoàng Văn Triệu bên vườn na của mình.
Quyết định đổi thay đúng hướng
Anh Vi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phương cho biết, trước đây, cây vải thiều và cây lúa là cây trồng chủ lực của thôn Suối Ván cũng như những địa phương khác ở Bắc Giang. Tuy vậy, vải thiều lại không cho hiệu quả kinh tế cao, nên Suối Ván vẫn là thôn nghèo thuộc diện 135.
Đầu những năm 2003 – 2005, cây na dai được đưa vào trồng thử nghiệm trong một số hộ gia đình, giống cây na dai phát triển tốt, quả to, mắt đều, ăn ngọt.
Tới năm 2007, 3 gia đình đầu tiên ở Suối Ván quyết định chặt bỏ vườn cây vải thiều để trồng na. Anh Hoàng Văn Triệu, dân tộc Tày là người mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm ở nơi khác để trồng gần 6 sào na ( gần 2.000m2) trên đất vườn.
Năm đầu tiên, anh Triệu thu được 60 triệu đồng. Diện tích đất trồng na tiếp tục được tăng lên 1,1 mẫu (4.000m2) sau 1 năm. Mỗi năm vườn na mang lại cho gia đình anh 100 - 120 triệu đồng, gấp 3 - 4 lần so với thu nhập từ trồng lúa và vải thiều.
So với cây vải thiều thì na dai có hiệu quả vượt trội hơn rất nhiều. Vì vậy, nhiều hộ gia đình ở Suối Ván bắt đầu chuyển đổi từ vải thiều sang trồng na dai trên đất vườn và đất trồng lúa xấu, bạc màu cho năng suất thấp.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Suối Ván Hoàng Thị Lượng, cây na trở thành cây trồng chủ lực chính của tất cả các hộ dân nơi đây, bởi cây na hợp thổ nhưỡng ở vùng đất này. Một quyết định đúng hướng của nhân dân địa phương.
Điểm sáng kinh tế trong vùng
Năm 2007, khi cây na được đem vào trồng ở thôn, nhận thấy hiệu quả mới từ cây trồng mới, chính quyền xã Nghĩa Phương đã chủ trương đưa cây na thành cây trồng chủ đạo.
Hàng năm, Hội Nông dân xã đã có những đợt mở lớp dạy chuyển giao khoa học kĩ thuật về cây na cho bà con nơi đây. Bên cạnh đó, xã Nghĩa Phương cũng nỗ lực quảng bá na dai Suối Ván trong nhiều dịp triển lãm nông nghiệp cấp huyện huyện, cấp tỉnh. Rồi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, cây na Suối Ván ngày càng được nhiều người biết tới về chất lượng, mẫu mã.
Vào tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi na dai vào vụ thu hoạch, Suối Ván lại nhộn nhịp những chiếc xe tải của các thương lái đến từ nhiều nơi tới thôn để thu mua na.
Giá na Suối Ván vào vụ chính dao động từ 15-20.000 đồng/ kg; na muộn tháng 11 là trên 25.000 đồng/kg tại vườn.
Năm 2011, những gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ trồng na ở thôn Suối Ván khá nhiều, như gia đình anh Hoàng Văn Thái đạt 110 triệu đồng, anh Bế Văn Khang đạt 140 triệu đồng, anh Hoàng Văn Triệu đạt 120 triệu đồng.
Nhờ cây na dai, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân Suối Ván đã có những thay đổi không ngờ. Hiện Suối Ván có 123 hộ dân thì có tới 40 hộ thuộc diện khá giả, chỉ còn 23 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, số còn lại là trung bình. Chỉ trong năm 2011, thôn Suối Ván đã có khoảng 24 ngôi nhà xây mới.
Bản thân anh Hoàng Văn Lìn, trưởng thôn Suối Ván cũng trồng 8 sào na, thu nhập gia đình anh cũng đạt khoảng 70-80 triệu đồng/ năm. Cùng với diện tích trồng tỏi, hành vụ đông khoảng 8-10 triệu đồng/ vụ, cũng đủ cho gia đình anh chi tiêu và nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn.
“Từ một thôn nghèo, diện 135, Suối Ván trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của huyện Lục Nam chỉ trong vài 3 năm nhờ năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng”, anh Vi Quốc Hoàn chia sẻ.