Một trong những thành công của Dự án thu gom rác thải và xử lý nước thải do Trung tâm Môi trường nông thôn (T.Ư Hội NDVN), Hội ND tỉnh Thái Nguyên thực hiện tại phường Bách Quang, thị xã Sông Công là huy động được nguồn lực từ chính người dân.
Phường Bách Quang mới được tách từ xã Tân Quang từ đầu năm 2011. Trong số 13 tổ dân phố của phường thì 3 xóm Cầu Gáo, Dọc Dài và La Trám có đường vành đai khu công nghiệp thị xã chạy qua và cũng là những địa bàn bức xúc về vấn đề môi trường.
Đường xóm Cầu Gáo, phường Bách Quang, thị xã Sông Công đã phong quang, sạch đẹp.
Hết bệnh nhức đầu
Khi triển khai dự án thu gom rác thải, xử lý nước thải ở phường Bách Quang thì có lẽ những người vui sướng nhất ở xóm Cầu Gáo là ông trưởng xóm và bà Dương Thị Biên. Mấy năm nay, xóm Cầu Gáo có tới hơn 500 công nhân thuê nhà trọ. Người đông nên lượng nước thải, rác thải cũng tăng lên. Nhà bà Biên ở đầu ngõ, cứ sáng sớm ra đã thấy lù lù một đống rác, chưa kịp dọn là gà và chó mèo đã bới tung toé. Mỗi lần như vậy, bà Biên lại tong tả chạy sang nhà Trưởng xóm Dương Văn Đông phản ánh.
Rác nhiều, phản ánh nhiều, bà Biên nhức đầu, ông trưởng xóm nhức đầu, dân trong xóm cũng nhức đầu. “Dự án triển khai, xóm Cầu Gáo thành lập đội thu gom rác tự quản theo hướng dẫn và tập huấn. Dự án trang bị cho đội 3 cái xe chở rác chuyên dụng nên thu gom cũng đỡ vất vả. Từ ngày có đội thu gom, tôi không còn đau đầu vì rác”- bà Biên cười nói.
Cũng như Cầu Gáo, 2 xóm Dọc Dài, La Trám cũng thành lập đội tự quản thu gom rác thải. Hiện nay, các xóm tự cắt đặt người thay phiên nhau đi thu gom rác thải. Thời gian tới, khi xây dựng được quy chế bảo vệ môi trường trong xóm thì sẽ tính tới chuyện chi trả tiền công cho lao động đi thu gom rác.
Ông Vũ Đình Huệ - Trưởng xóm Dọc Dài thổ lộ: “Tổ, đội thu gom rác thải tự quản là mô hình phù hợp ở nông thôn. Có dự án hỗ trợ tập huấn kiến thức, bà con đã hiểu và thấy trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường chung”.
Dân hiến đất, góp tiền
Bên cạnh hỗ trợ xe chở rác chuyên dụng cho các tổ thu gom rác tự quản, dự án còn hỗ trợ xóm Cầu Gáo làm mương nước thải sinh hoạt. Trước khi thực hiện dự án, đường trong xóm là đường đất, và mương cũng là mương đất. Mưa xuống thì đường lầy lội bùn đất, nắng lên thì bụi, mùi nước thải từ mương bốc lên nồng nặc.
"Có dự án hỗ trợ tập huấn kiến thức, hướng dẫn cách thức thành lập, duy trì tổ, đội thu gom rác tự quản, bà con đã hiểu và thấy trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường chung. "
Ông Vũ Đình Huệ
Dự án vào cuộc, người dân xóm Cầu Gáo họp nhau lại, bàn chuyện góp tiền đổ bê tông con đường. Ngày ra quân làm đường, ai cũng hăng hái tham gia. Không khí phấn chấn và thấy lợi ích hiển hiện trước mắt, khiến nhiều hộ không ngại thiệt thòi hiến đất cho xóm, như gia đình bà Dương Thị Bẩm hiến 30m2, bà Dương Ngọc Quyên hiến 50m2...
“Tính ra, mỗi khẩu của xóm Cầu Gáo đóng góp 200.000 đồng xây dựng đường, chưa kể công lao động. Con mương cũng được bê tông hóa, đậy kín bằng nắp nên không khí trong làng trong lành hơn, ai cũng cảm thấy tiền bạc, công xá bỏ ra thật xứng đáng” - ông Dương Ngọc Liệu - Bí thư Chi bộ xóm Cầu Gáo cho biết.
Hỗ trợ của dự án ở Bách Quang như: khích lệ, động viên người dân tham gia cùng chung sức xây dựng thôn xóm, tổ dân phố sạch đẹp. Ông Nguyễn Khắc Lâm - Chủ tịch UBND thị xã Sông Công đã về tìm hiểu và đánh giá: Mô hình thu gom rác thải, xây dựng đường làng, ngõ xóm ở phường Bách Quang cần được đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa phương khác...