Xây dựng nông thôn mới trên vùng đất khó (P1)

 9057 lượt xem
Sau gần hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nhiều vùng nông thôn trong cả nước đã có những đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có thành tích tốt, vẫn còn những địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. 

Bài 1: Diện mạo mới ở nông thôn


HTX Thống Nhất (An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Những cách làm linh hoạt, sáng tạo
 
Theo chỉ đạo, các địa phương tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, xây dựng NTM theo đặc thù và vận dụng sáng tạo để thực hiện một cách hiệu quả, thực chất. Sau gần hai năm, đến nay ngoài 11 xã điểm của Trung ương (T.Ư), trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình xây dựng NTM sáng tạo,  tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều địa phương chọn tiêu chí có thế mạnh làm trước, có nơi chọn 'xã điểm', có nơi lại chọn 'huyện điểm'... nhưng mục tiêu thì đều thống nhất, từ đó, nhân rộng ra các địa phương.
 
Tỉnh Bạc Liêu xây dựng huyện Phước Long là huyện điểm trong xây dựng NTM. Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Long, Nguyễn Hữu Tới, ngay từ năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ  thị số 05 về 'Xây dựng phát triển toàn diện huyện Phước Long, giai đoạn 2006 - 2010'. Sau đó, Huyện ủy xây dựng Ðề án số 01, xác định 30 tiêu chí về xây dựng huyện phát triển toàn diện, theo tinh thần Chỉ thị số 49 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau năm năm thực hiện mô hình này, Phước Long đã đạt kết quả đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét, đời sống nhân dân có bước phát triển. Từ kết quả đó, năm 2010, Ban Chỉ đạo T.Ư về xây dựng NTM chọn huyện Phước Long là một trong năm đơn vị trong cả nước và là huyện duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thực hiện điểm chỉ đạo xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2011. 
 
Tỉnh miền núi Hòa Bình  chọn 11 xã tại 11 huyện, thành phố để triển khai thí điểm mô hình NTM để từ đó rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai rộng ở các huyện khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau một thời gian triển khai xây dựng NTM tại các xã điểm nói trên, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi đáng kể. Ðời sống, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đời sống nhân dân được nâng lên. Ðặc biệt, nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và nhân dân bước đầu có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cái được của Hòa Bình là sau khi có chủ trương xây dựng NTM không chỉ diện mạo nông thôn ở các xã điểm thay đổi, mà phong trào xây dựng NTM đã có sức lan tỏa  tới hầu hết các xã trên địa bàn. Từ khi được tỉnh Hòa Bình chọn là xã điểm xây dựng NTM của huyện Lạc Thủy,  xã Thanh Nông đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trong chín tháng năm 2011 tổng thu nhập trên địa bàn đạt hơn 51 tỷ đồng; thu ngân sách đạt hơn 2,3 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33%; số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa là 76%; tình hình an ninh nông thôn được giữ vững, ổn định; 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
 
Tại huyện nghèo miền núi Ea Súp của tỉnh Ðác Lắc, lãnh đạo địa phương chú trọng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM.  Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ðình Toản cho biết, nhờ có sức dân mà các cụm dân cư được mở rộng đến đâu, thì cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông được xây dựng đến đó. Cùng với hàng chục tỷ đồng Nhà nước đầu tư làm các tuyến đường nối trung tâm huyện với các xã vùng sâu, vùng xa như Ea Lê, Ea Rôk, Ya T'mốt... người dân đã  đóng góp công sức để  làm những con đường thôn, buôn ngày một đàng hoàng hơn. Là huyện nghèo nên sự đóng góp hằng năm của người dân, chỉ vài chục triệu đồng cho mỗi lần huy động, nhưng nhờ biết huy động sức dân  mà nhiều công trình phục vụ dân sinh được  hoàn thành, làm cho  bộ mặt nông thôn nơi biên  giới này không ngừng thay  đổi.
 
Khác với các địa phương nói trên, tỉnh Quảng Bình đã lấy hợp tác xã (HTX) làm hạt nhân để phát triển kinh tế, từ đó tạo đà thúc đẩy nông thôn phát triển. Ðến nay, tỉnh Quảng Bình có 299 HTX với tổng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng, thu hút 141.850 xã viên và 4.760 lao động trực tiếp. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 136 HTX, thu hút 79.609 xã viên, tập trung ở hai huyện trọng điểm lúa là Lệ Thủy và Quảng Ninh. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, HTX nông nghiệp chính là 'cánh tay' nối dài của chính quyền cơ sở trong chỉ đạo nông dân sản xuất và ổn định đời sống. Vai trò lớn nhất của HTX nông nghiệp là thực hiện các khâu dịch vụ cho nông dân nhằm ổn định sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Thời gian qua, bên cạnh việc đáp ứng các khâu dịch vụ cơ bản cho xã viên, từ nguồn tích lũy của mình, các HTX nông nghiệp ở Quảng Bình đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng với chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông, nhà văn hóa và trường mầm non. Nhiều HTX đầu tư hệ thống điện chiếu sáng công cộng, thu gom rác thải... làm cho bộ mặt nông thôn càng thêm khang trang. Huyện Lệ Thủy - nơi phong trào 'hợp tác hóa' phát triển mạnh nhất tỉnh Quảng Bình hiện có 63 HTX đang hoạt động tại 16/28 xã, trong đó nhiều xã có từ sáu đến tám HTX. Tổng số xã viên là 20.371 người, chủ yếu là đại diện hộ gia đình. HTX nông nghiệp ở Lệ Thủy đã thực hiện 14 khâu dịch vụ sản xuất, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ  kinh tế hộ phát triển.
 
Phải làm cho nông dân hiểu lợi ích thiết thực của mỗi người dân trong xây dựng NTM là một trong những kinh nghiệm được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Ðồng quán triệt tại Hội nghị tổng kết xây dựng mô hình NTM ở xã Tân Hội, một trong 11 xã điểm của cả nước về xây dựng NTM. Sau ba năm triển khai xây dựng mô hình NTM ở xã điểm Tân Hội, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Ðồng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, có giá trị thực tiễn lớn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... Ðó là phải đặt công tác tuyên truyền lên vị trí 'tiên phong' để người dân cùng đồng thuận vào cuộc với Nhà nước. Kinh nghiệm thứ hai là, luôn  công khai, minh bạch... trên tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động để người dân khẳng định và thể hiện quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng NTM.
 
Những ngôi làng mới hôm nay
 
Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM được thực hiện tại 11 xã, gồm Thanh Chăn (Ðiện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Hải Ðường (Nam Ðịnh), Thụy Hương (Hà Nội), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Lập (Bình Phước), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tân Hội (Lâm Ðồng), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), Mỹ Long Nam (Trà Vinh) và Ðình Hòa (Kiên Giang). Mục tiêu là hình thành các mô hình trên thực tiễn về NTM để rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng trong cả nước. Ðến nay, đã có nhiều xã đạt hơn 10 tiêu chí, gồm Thụy Hương, Tân Thịnh, Hải Ðường, Gia Phố, Tân Thông Hội, Mỹ Long Nam,  Ðịnh Hòa. Riêng xã Thanh Chăn (tỉnh Ðiện Biên) là xã khó khăn nhất, nhưng đã đạt gần 10 tiêu chí.
 
Triển khai thực hiện điểm, huyện Phước Long đề ra 30 tiêu chí, trong đó có tám tiêu chí về lĩnh vực kinh tế, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Nhờ vậy, GDP của huyện tăng trưởng với tốc độ cao từ 15 đến 16%. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt hơn 20 triệu đồng, tăng hơn hai lần so năm 2005. Ðiểm nổi bật là, sản xuất nông nghiệp và thủy sản của huyện đạt được kết quả trên cả ba mặt: Diện tích, năng suất và sản lượng, năm sau cao hơn năm trước. Ðến nay, tổng sản lượng lương thực đạt 180 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt hơn 21 nghìn tấn, tăng hơn hai lần năm 2005. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi và kè chống sạt lở đạt được kết quả phấn khởi. Với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, Phước Long đã xây dựng được hơn 400 km đường nhựa; bắc mới hơn 600 cây cầu bê-tông cốt thép và nhiều công trình xây dựng dân dụng khác. Toàn huyện đã có 8/8 xã, thị trấn có đường nhựa cho xe bốn bánh lưu thông đến trung tâm xã; 78/78 ấp xây dựng được đường nhựa cho xe hai bánh lưu thông thuận lợi cả hai mùa mưa, nắng; trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện, chợ và thiết chế văn hóa xã được xây dựng khang trang...
 
Xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc hiện có gần 2.500 hộ với hơn 11.450 khẩu; trong đó hơn 6.100 người lao động. Cả xã có tổng diện tích gieo trồng 4.494 ha, nguồn nước tưới, hệ thống tiêu nước đều đáp ứng cho sản xuất. Trong những năm qua, Ea Lê luôn là địa phương dẫn đầu về sản xuất, về phát triển kinh tế của huyện. Ðiều đáng quan tâm là Ea Lê đã cơ bản hoàn thành quy hoạch tổng thể, bảo đảm cho sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài, theo đó đất đai để bố trí xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất và các khu dân cư được quy  hoạch cụ thể. Ea Lê là địa phương duy nhất trong huyện có cụm công nghiệp đang từng bước hình thành và tương lai nơi đây sẽ là một công trường lớn về công nghiệp, tạo đà cho nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển.
 
 
Ý kiến của bạn