BTĐKT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng có một người cán bộ như thế, người được biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy và luôn trăn trở, tâm huyết với công việc. Đó là chị Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên.
Chị Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên
Ký ức không phai của nữ cán bộ tư pháp
Quãng thời gian 22 năm công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, chị Minh Hiếu đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có hai mảng nhiệm vụ mà chị vô cùng tâm huyết, gắn bó là công tác hộ tịch và công tác xây dựng văn bản. Gần 10 năm chị không còn phụ trách mảng hành chính tư pháp nhưng khi nói chuyện về công tác hộ tịch, chị còn rất nặng lòng; nhiều thế hệ cán bộ tư pháp hộ tịch cơ sở tỉnh Thái Nguyên luôn nhớ đến chị như một đồng nghiệp thân thiện, gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, gỡ khó cho từng tình huống hộ tịch mà anh em cơ sở chưa nghiên cứu, chưa xử lý kịp thời.
Những kỷ niệm về đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng cao, đăng ký hôn nhân thực tế…, với chị mới như ngày hôm qua. Giờ đây, với công tác xây dựng văn bản QPPL, chị cũng tâm huyết như thế, như thể chị sinh ra là để làm các công việc của ngành Tư pháp.
Chia sẻ về ngành Tư pháp, chị bày tỏ: “Đến nay, đã hơn 20 năm là người của ngành Tư pháp, một chặng đường với thật nhiều trải nghiệm quý giá với ngành và tình yêu với nghề mà anh em, đồng chí, đồng nghiệp chúng tôi vẫn gọi là nghề “đọc chữ”. Có lẽ vì thế mà chúng tôi luôn vui đùa với nhau là nhà tư pháp chả có gì ngoài văn bản; người tư pháp suốt đời trăn trở đi tìm “căn cứ pháp lý” cho các quyết định chỉ đạo, điều hành từ quan trọng đến thông thường của các cấp chính quyền địa phương. Niềm vui sau tất cả chính là sự tin tưởng, tín nhiệm của các cấp lãnh đạo và của các sở, ngành, địa phương. Với tôi, niềm vui với nghề thật là hạnh phúc lớn lao”.
Không chỉ được mọi người biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc, chị Minh Hiếu còn được các thế hệ cán bộ đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên nhớ đến là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, đã tạo ra nhiều bứt phá trong hoạt động tình nguyện của thanh niên khi lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật với các chủ đề về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật học đường...
Nhớ về những tháng năm tuổi trẻ, chị Hiếu xúc động: “22 năm trở về trước, tôi nhớ rất rõ sự kiện thành lập Chi đoàn Thanh niên và lần đầu tiên, đoàn viên của Sở Tư pháp không còn phải đi sinh hoạt nhờ, sinh hoạt ghép với các chi đoàn bạn. Với tôi và lứa đoàn viên ngày ấy đó thực sự là một sự kiện trọng đại, xúc động vô cùng! Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã sống những năm tháng tuổi 20 thật rực rỡ khi say mê các hoạt động tình nguyện, mải miết đi khắp các bản làng để tuyên truyền pháp luật”.
Khi tổ chức Trợ giúp pháp lý của Nhà nước được ra đời và thành lập thì cũng vẫn là những thế hệ thanh niên đó đã xung phong “cõng luật” đến muôn nẻo vùng cao, vùng sâu xa khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với một mục tiêu mà ngành Tư pháp luôn đề cao: Làm sao để người dân, nhất là người dân ở những nơi khó khăn, dân trí thấp được biết luật, hiểu luật để thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Những năm tháng thanh niên sôi nổi với trái tim nhiệt huyết của người Bí thư chi đoàn đầu tiên và những hoài bão tuổi thanh xuân là dư vị đẹp đẽ khiến cho tình yêu với ngành Tư pháp, với các công việc của nghề tư pháp như ăn sâu, đau đáu trong lòng người cán bộ “Chả đi đâu nữa, cứ làm tư pháp thôi”.
Yêu ngành, yêu cả những công việc khó khăn
Với cương vị hiện tại là Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, chị Minh Hiếu nói cũng là do“duyên số”, khi năm 2013, với chủ trương chuyển đổi vị trí công tác, khi đã được định hướng sang lĩnh vực khác nhưng chị mạnh dạn đề xuất, thậm chí còn “nài nỉ” để được làm công tác xây dựng văn bản - một vị trí công việc khá kén người làm.
Đang từ lĩnh vực giải quyết sự vụ với các thủ tục hành chính cụ thể chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu sâu về thể chế, chính sách cũng có những rào cản, ngại ngần ban đầu. Càng làm việc càng thấy nhiều điều mới mẻ, khám phá được nhiều tri thức pháp luật khiến chị thấy thích thú, cảm thấy công tác văn bản không hề khô khan, khó chịu như đã từng nghe, tất nhiên chị nhận thức rõ đây thực sự là một công việc khó, đòi hỏi trách nhiệm cao với sức ảnh hưởng rộng và để lại hậu quả khôn lường nếu cẩu thả, thiếu kiến thức, trách nhiệm. Ngược lại, nếu làm tốt, hiệu quả thì vai trò, vị trí của ngành Tư pháp quả đúng sẽ là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật được coi trọng, đề cao; sự tin tưởng luôn gắn với trách nhiệm và yêu cầu khắt khe, thậm chí là những thiệt thòi khi phải âm thầm nghiên cứu, cặm cụi tìm tòi để có thể có những đề xuất chính sách phù hợp, những sáng kiến pháp luật hợp lý nhưng nếu chỉ một sơ xuất nhỏ, một quan điểm sai lệch đã phải chịu phê bình… Chị Minh Hiếu cười bảo: “Làm nghề tư pháp, yêu cả những lời chê, như thế mới trưởng thành được!”.
Hơn 20 năm gắn bó với ngành, chị đã được nhận nhiều hình thức khen thưởng, tuyên dương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh… Với chị, tất cả những động viên, khích lệ đó là chất xúc tác để tình yêu ngành, yêu nghề lớn hơn; những trăn trở, tâm huyết với công việc nhiều hơn và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng thêm trong mỗi chặng đường.
Trọng Thể