Hậu Giang huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

 252 lượt xem
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cùng khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”, Hậu Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực xã hội hóa, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020, Hậu Giang đã đạt được những kết quả nổi bật. Tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh đều có sự chuyển biến đáng kể, các xã đều đạt từ 8 tiêu chí trở lên (không còn xã dưới 5 tiêu chí). Hàng năm, số tiêu chí bình quân/xã đều tăng, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.  

 
      Chương trình xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo nông thôn (Ảnh:internet)
Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. 
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục được quan tâm thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến 2020 có 798 hộ dân tham gia thực hiện với số tiền trên 65 tỷ đồng. 
Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện đề án thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được quan tâm, chỉ đạo, nổi bật là đào tạo nghề cho 8.313 lao động, giải quyết việc làm cho 17.600 lao động, đưa 90 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người/năm các xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cuối năm 2018 đạt trên 42 triệu đồng/người (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015 là 28,17 triệu đồng/người).
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thời gian qua đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Người dân nhiệt tình hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công lao động, tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương. 
Tính đến cuối năm 2019, tỉnh có 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân là 15,6 tiêu chí/xã, tăng 1,56 tiêu chí so với năm 2015. Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 là trên 32.508 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2016 - 2019 là trên 15.033 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cấp triển khai bằng nhiều hình thức, phong trào thiết thực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như: “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, mô hình “6 không - 3 sạch”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Toàn tỉnh có 176 mô hình mới, 83 mô hình đoàn kết giúp nhau giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hưởng ứng bằng Phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong xây dựng nông thôn mới tại gia đình”. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai xây dựng và nhân rộng “Tổ, nhóm phụ nữ 5 không, 3 sạch kiểu mẫu” giai đoạn 2017 - 2020, xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2018 - 2021, thực hiện công trình “Đèn sáng tỏ, ngõ sạch đẹp”. 100% huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mô hình có hiệu quả tại địa phương. Nổi bật như mô hình “Tổ liên kết trồng rau an toàn”; tổ, nhóm “5 không, 3 sạch kiểu mẫu”, mô hình “Ủ phân compost”, “Biến rác thải thành tiền”, phần việc “Vớt rác trên sông”, “Xách giỏ nhựa đi chợ”, “Ngày thứ bảy vì cộng đồng”, công trình “Trồng hàng rào cây xanh liên ấp”, “Xây lò đốt rác bằng đất sét”… góp phần đẩy mạnh việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Có gần 80 nghìn phiếu với tỷ lệ đạt từ 98% sự hài lòng của người dân.
Cách làm xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới của Hậu Giang là xác định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, với khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”. Điều này được thể hiện qua việc tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, hướng dẫn cụ thể cách làm gắn với việc thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện. Từ đó, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và quyết định thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
                                                                                                                                                                       Hoài Thanh 


 

 
Ý kiến của bạn