Làm giàu từ mô hình đa canh

 9089 lượt xem
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Lâm Văn Sáu - hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Thới Thanh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, đã mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa thực hiện mô hình đa canh kết hợp “lúa-cá-màu” và vươn lên làm giàu. 

Ông Lâm Văn Sáu thực hiện thành công mô hình “lúa, cá, màu” và vươn lên làm giàu từ mô hình này.

Ông Lâm Văn Sáu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất độc canh cây lúa nhưng việc trồng lúa luôn gặp khó khăn về đầu ra “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vì thế, cuộc sống gia đình tôi khá khó khăn nên lo đủ cái ăn, cái mặc và tiền chi tiêu sinh hoạt cho con cái học hành trở thành bài toán khó”. Nhưng với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo, năm 2004, ông Sáu tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm trồng lúa từ cán bộ khuyến nông và nông dân từ nhiều nơi khác để nâng cao hiệu sản xuất. Bước đầu, ông Sáu tham gia lớp tập huấn công tác khuyến nông do xã và huyện phối hợp tổ chức, tham gia mô hình lúa giống chất lượng cao của Viện Lúa ĐBSCL. Qua quá trình tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, ông Sáu đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn giống lúa trồng phù hợp với thổ nhưỡng, gieo sạ đúng thời vụ... Kết quả, vụ thu hoạch đầu tiên năng suất lúa đạt 0,9- 1tấn/công, tăng từ 300- 400kg/công so với trước.

Với hiệu quả sản xuất đạt được, năm 2005, ông Sáu ký kết hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với Công ty Cổ phần lương thực MêKông, chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao (chủng loại Jasmine 85) trong hai vụ đông xuân và hè thu. Ông nói: “Có hợp đồng bao tiêu, tôi an tâm sản xuất vì đầu ra đảm bảo với giá ổn định hơn so với giá thị trường. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, nếu lúa phơi khô, công ty đến nhận ngay, không phải chờ đợi, giúp tôi tiết kiệm được chi phí bảo quản và thất thoát sau thu hoạch. Song song đó, mỗi vụ công ty còn hỗ trợ vốn, giống sản xuất...”. Kết quả khả quan từ trồng lúa, để gia tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất, ông Sáu chú ý phát triển mô hình đa canh tổng hợp. Mặt nước ao mương được ông tận dụng để thả cá và diện tích bờ mẫu trồng hoa màu. Tùy mùa vụ, ông tận dụng bờ mẫu để trồng các loại hoa màu như: mướp đắng, bí đao, bầu, mướp, dưa leo, cải ngọt... phù hợp với điều kiện thời tiết. Với diện tích ao mương và mặt nước hiện có, ông Sáu thả nuôi cá chép, mè vinh, rô phi, mè trắng, mè hoa... Qua nhiều năm “cần mẫn, chịu khó” tích lũy vốn mua đất canh tác, từ diện tích 2.000m2 ban đầu, đến nay ông Sáu có 2 ha đất trồng lúa, 1.200m2 mặt ao nuôi cá và 2.000m2 đất trồng màu với thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Qua đó, đời sống kinh tế của gia đình ông được cải thiện và vươn lên khá giàu.
 
Nhận thấy mô hình đa canh “lúa- cá- màu” của ông Lâm Văn Sáu đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong vùng làm theo và được ông Sáu nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, ấp Thới Thanh, xã Trường Xuân, cho biết: “Không chỉ tích lũy kinh nghiệm làm giàu cho bản thân, anh Sáu thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong ấp kỹ thuật trồng màu, lựa chọn giống lúa và loại cá nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để cùng nhau sản xuất, làm giàu chính đáng”. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Sáu còn đóng góp tiền, ngày công lao động của mình để hỗ trợ quỹ khuyến học, xây dựng lộ giao nông thôn và tham gia sinh hoạt Chi hội Cựu chiến binh, tương trợ giúp đỡ đồng đội vươn lên thoát nghèo...
 
Ông Huỳnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: Ông Sáu là một trong những cựu chiến binh tiên phong trong phong trào phát triển mô hình đa canh kết hợp “lúa-cá-màu” và vươn lên khá giàu từ mô hình này. Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng được nhân rộng và mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian tới, cần có sự trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật... của ngành nông nghiệp địa phương và các cấp hội nông dân, tiếp tục đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ “4 nhà”...
 
 
Ý kiến của bạn