Nữ y sĩ giàu y đức

 8881 lượt xem
Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Thuận) được trang bị nhiều trang thiết bị tương đối hiện đại để hỗ trợ điều trị và giúp cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày, dần phục hồi các chức năng đã mất, nhưng quan trọng nhất vẫn nhờ đôi bàn tay khéo léo, khoa học của các y, bác sĩ và kỹ thuật viên tại đây. Do đó, cái tâm và đức của người thầy thuốc luôn là khâu then chốt để giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh. 

Và có lẽ vì vậy mà y sĩ - kỹ thuật viên Lê Thị Mỹ Hạnh luôn được các đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến, trân trọng. Hầu như ai đã từng là bệnh nhân ở Khoa Vật lý trị liệu thì đều được chị Hạnh chăm sóc chu đáo, nhiệt tình, bởi chị là một kỹ thuật viên giỏi nhất khoa.

Chị Mỹ Hạnh đang chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Tốt nghiệp y sĩ tại Phan Thiết, chị Lê Thị Mỹ Hạnh đã được Bệnh viện Chợ Rẫy  và  các cơ sở y học cổ truyền ở TPHCM truyền  cho nghề  kỹ thuật viên y học cổ truyền. Trở lại Phan Thiết công tác, chị đã gắn bó với Bệnh viện Đông y tỉnh gần 20 năm  nay. Trước đây Khoa Vật lý trị liệu chỉ có mỗi mình chị Hạnh là kỹ thuật viên, nên ngày nào chị cũng chẩn đoán và điều trị cho vài chục bệnh nhân ngoại trú lẫn nội trú. Sự quá tải ấy nhiều lúc khiến  cho chị mệt mỏi, có khi đến mất ngủ. Chị Hạnh tâm sự: “Nhiều khi nhắm mắt lại là thấy toàn bệnh nhân của chị”. Gần 2 tháng nay, bệnh viện bổ sung thêm cho khoa  2 biên chế, đó là 2 kỹ thuật viên trung cấp vừa tốt nghiệp tại Đại học Y Dược TPHCM, nhưng vì tay nghề còn non nên các bệnh khó đều do chị đảm trách. Bận rộn là vậy nhưng chị luôn sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn không có điều kiện đến bệnh viện điều trị. Cách đây 10 năm, một chị từ nước ngoài về thăm quê nhà, không may bị tai biến, hàng ngày  chị đến khách sạn điều trị giúp bệnh nhân này qua cơn hiểm nghèo. Đối với những bệnh nhân khó khăn vì công việc hay không có thời gian điều trị trong giờ hành chính, có thể đến nhà chị những lúc ngoài giờ, chị đều giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo như ở bệnh viện vậy.
 
Dụng cụ tập luyện rất quan trọng, để hỗ trợ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Trăn trở với các bệnh nhân bị tai biến không có dụng cụ tập tay, chị Hạnh đã cùng với các đồng nghiệp trong khoa tự tạo ra “dụng cụ tập gia tăng chức năng bàn tay”. Sáng kiến của chị được ngành y tế đánh giá rất cao,  tại hội nghị tổng kết và phát giải  “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần IV (2010 - 2011)” được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị tỉnh vào ngày 25/11/2011 vừa qua, chị Hạnh và 2 đồng nghiệp khác trong khoa được vinh dự nhận giải thưởng hạng 3 với sáng kiến này (không có giải nhất).
 
 
Ý kiến của bạn