Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ba nghệ sĩ, liệt sĩ vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là: Liệt sĩ Lê Chí Trực (nhạc sĩ Hoàng Việt), liệt sĩ Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) và liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ca (nhà văn Nguyễn Thi).
Tên tuổi của ba nghệ sĩ kể trên không hề xa lạ với các thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay. Những tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi được giảng dạy trong nhà trường từ bậc PTTH. Còn với nhạc sĩ Hoàng Việt thì bài "Tình ca” bất hủ trở nên quen thuộc với đông đảo các tầng lớp nhân dân ta. Nhạc sĩ Hoàng Việt và nhà văn Nguyễn Thi đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, còn nhà thơ Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ.
Cùng với "Tình ca”, Hoàng Việt đã viết những ca khúc bất hủ: "Lên ngàn”, "Lá xanh”, "Nhạc rừng” ngay trong những năm kháng chiến ở bưng biền Nam Bộ. Những bài hát của Hoàng Việt có sức lay động lớn lao, động viên đồng bào chiến sĩ góp phần vào cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Thi.
Năm 1928 Nhà văn Nguyễn Thi ra đời và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968) khi theo một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng đánh chiếm Sài Gòn. Trong gần 7 năm công tác ở tiền tuyến lớn, nhà văn Nguyễn Thi đã có mặt hầu hết ở các chiến trường Nam Bộ và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị vượt hẳn những tác phẩm đã sáng tác thời kỳ ở miền Bắc. Chúng ta có thể kể những tác phẩm tiêu biểu: Chuyện xóm tôi (1964), Mùa xuân (1964), Những đứa con trong gia đình (1966)... đặc biệt truyện ngắn "Mẹ vắng nhà”. Truyện ngắn này đã được chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên nổi tiếng.
Từ trái sang: nhà thơ Lê Anh Xuân, Mộng Loan, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhắc đến nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, chúng ta nhớ ngay đến bài thơ "Dáng đứng Việt Nam”. Ngoài bài thơ bất hủ "Dáng đứng Việt Nam”, Lê Anh Xuân còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác, nhất là trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Mới đây, ngày 30-11-2011, sau hơn 40 năm nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh, cuốn nhật ký của ông đã được xuất bản và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách này với sự tham gia của gia đình liệt sĩ Lê Anh Xuân: GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần và vợ chồng NSƯT Ca Lê Hồng, đại diện Bảo tàng Bến Tre - đơn vị trưng bày di cảo của nhà thơ Lê Anh Xuân trước khi nhật ký này được xuất bản; cùng các nhà văn, nhà thơ đã từng có thời gian sống, gắn bó và gặp gỡ với tác giả bài thơ "Dáng đứng Việt Nam”...