Xây dựng nông thôn mới: Làm giàu cho quê hương

 8684 lượt xem
Sau gần 15 năm từ khi tái lập tỉnh Cà Mau (1/1/1997), TP Cà Mau không ngừng phát huy vai trò của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Từ thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh, 10 năm sau, TP Cà Mau đạt đô thị loại II. Sau đó, Đề án xây dựng nông thôn mới ra đời tạo tiền đề thuận lợi hơn để Đảng bộ và quân, dân TP Cà Mau phấn đấu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. 

Đảng bộ TP Cà Mau xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp nên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tích cực triển khai và thực hiện thắng lợi kế hoạch về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Cà Mau.

TP Cà Mau có 7/7 xã tiến hành xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình này, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn cấp thành phố, đồng thời chỉ đạo các xã thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới. 
 
Tổ chức xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của nhân dân từng xã. Nhân dân giám sát các hoạt động triển khai xây dựng các dự án đầu tư trên địa bàn xã về xây dựng nông thôn mới.
  
 Thi công tuyến lộ giao thông nông thôn ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm.
 
Năm 2011, các xã hoàn thành cơ bản đề án xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đa số các xã thực hiện đạt các tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi, trường học, nhà ở dân cư, giáo dục, y tế, điện, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự. Các tiêu chí khó đạt hoặc đạt thấp là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất.
 
Trong đó, có 2 xã đạt được nhiều tiêu chí là Tắc Vân (13/19 tiêu chí), Lý Văn Lâm (14/19 tiêu chí). Chủ tịch UBND xã Tắc Vân Bùi Tứ Hải cho biết: "Xã Tắc Vân đạt phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt 15 tiêu chí".
 
Ông Trương Thanh Toàn, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, nhận định, đến cuối năm 2011 xã sẽ đạt thêm 1 tiêu chí; phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi như nạo vét kinh, rạch, làm cống thủy lợi phục vụ cuộc sống và sản xuất của nông dân.
 
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của thành phố đã chọn 3 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới gồm: Lý Văn Lâm, Hòa Thành và An Xuyên. Trong năm 2011, thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới cho xã Lý Văn Lâm. Đây là mô hình điểm để làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã khác.
 
Hiện xã Lý Văn Lâm có gần 2.400 gia đình văn hóa, gần 1.500 gia đình văn hóa tiêu biểu. Hầu hết các thiết chế văn hóa, dịch vụ y tế, trường lớp, trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, xã cơ bản được đầu tư và đáp ứng yêu cầu công việc của chính quyền, nhân dân. 
 
Xã được tỉnh công nhận 8/8 ấp và xã đạt tiêu chuẩn không sinh con thứ ba, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,2%. Vệ sinh môi trường thực hiện tốt, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân từng năm không ngừng nâng lên.
 
Trưởng Ban nhân dân ấp Lung Dừa Lê Hải Tạo hồ hởi cho biết: "Khi xã triển khai đề án xây dựng nông thôn mới có tổ chức họp dân lấy ý kiến và được nhân dân đồng tình rất cao. Nhân dân ấp Lung Dừa còn tích cực san mặt bằng đất để thuận tiện cho đơn vị thi công tráng xi-măng. Người dân còn xây dựng hố rác tự hoại và duy trì tuyến kinh không rác".
 
Tại 2 xã Hòa Thành và An Xuyên, công tác xóa nghèo được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Riêng xã Hòa Thành cơ bản đã xóa nhà lụp xụp trong dân đạt 100%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã những năm gần đây nâng lên rõ rệt. Hòa Thành quyết tâm đến năm 2014 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
 
Đảng bộ TP Cà Mau xác định, xây dựng nông thôn mới là lộ trình dài, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Do đó, phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể./.
 
 
Ý kiến của bạn