BTĐKT - Chiều 20/9, Báo Hànộimới tổ chức Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”.
Tham gia chương trình có các nhân chứng lịch sử tiêu biểu: Đại tá Bùi Gia Tuệ, sinh năm 1931, nguyên Trưởng phòng Phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô; bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội...
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Mỗi nhân chứng mang đến cho chương trình một câu chuyện chân thực và xúc động về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và ý chí kiên cường của quân và dân Hà Nội trong kháng chiến. Hồi tưởng của họ - những người từng trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo vệ và tiếp quản thủ đô, đặc biệt là những thời khắc quan trọng trong lịch sử dân tộc, đã mang lại nhiều cảm xúc trong buổi giao lưu.
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ về nhiệm vụ tiếp xúc với người dân Hà Nội để vận động, tuyên truyền, tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ đến nhân dân Thủ đô trước khi đoàn quân tiến về tiếp quản.
“Lúc đó, Hà Nội còn nhiều nỗi lo lắng và hoang mang do thông tin xuyên tạc từ phía địch. Tôi cùng gần 400 thanh niên khác đã không ngại khó khăn, đi gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng người dân, từ công chức, tiểu thương đến những người làm công cho Pháp để giải thích. Có khi chúng tôi đến nhà, nhưng chủ nhà không mở cửa, tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì tìm gặp và giải thích, để họ yên tâm, tin tưởng vào Chính phủ, sẵn sàng ủng hộ và đón chờ sự thay đổi”, ông Khang nhấn mạnh.
Đại tá Bùi Gia Tuệ chia sẻ tại chương trình
Đại tá Bùi Gia Tuệ kể về hai lần được gặp Bác Hồ. “Những lời Bác Hồ nói rất mộc mạc, nhưng suốt đời tôi không thể quên, trở thành kim chỉ nam suốt những năm tháng quân ngũ, tới khi về hưu đến nay”, ông Tuệ khẳng định.
Hồi tưởng lại khí thế hừng hực của thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” năm 1964, bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội cho biết: “Ngày ấy, “Ba sẵn sàng” thực sự là lý tưởng, là lẽ sống, là danh dự của tuổi trẻ Thủ đô. Để được tham gia phong trào, có người khai tăng tuổi, có người mặc thêm quần áo cho đủ cân. Có người giấu bố mẹ đi cắt hộ khẩu, có những gương mặt vừa tốt nghiệp trường trung cấp, cấp 3, nhưng sẵn sàng không đi học chuyên nghiệp, đại học, thậm chí từ chối đi học nước ngoài để nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc”.
Bên cạnh những câu chuyện lịch sử, chương trình còn được giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia có nhiều đóng góp với Hà Nội. Qua những chia sẻ khái quát về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội từ sau giải phóng 10/10/1954 đến nay, các thế hệ sau càng có cái nhìn rõ hơn về hành trình phát triển của Thủ đô, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh đến một trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị quan trọng của đất nước. Từ đó, thêm tự hào về Thủ đô và đất nước; đồng thời thấy được trách nhiệm tiếp nối và phát huy những giá trị mà thế hệ trước đã dày công vun đắp.
Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức đã chia sẻ cảm xúc tự hào, xúc động: “Qua các câu chuyện, em và các bạn nhận thức được rằng, việc giành độc lập, tự do vô cùng khó khăn và đáng quý. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập, góp sức xây dựng Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ ông cha”.
Chương trình không chỉ là một buổi gặp gỡ, mà còn tạo ra một nhịp cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là dịp để mỗi người tự hào về truyền thống của Hà Nội và thêm quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Mai Thảo