BTĐKT - Làng thanh niên "2 không, 2 có" ở Gia Lai là một trong những cách làm hay, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua mô hình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn quỹ tự gây, thanh niên làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) mua chiêng về luyện tập văn hóa, văn nghệ
Mô hình Làng thanh niên “2 không, 2 có” do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai từ tháng 1/2019, với các tiêu chí: 2 không (không có thanh niên thất nghiệp; không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước); 2 có (có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có mô hình thanh niên phát triển kinh tế).
Anh Đỗ Đức Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” nhằm mục tiêu cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Do đó, việc lựa chọn 4 tiêu chí với 7 chỉ tiêu cụ thể của mô hình đều phù hợp với tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới và sổ tay cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến từ cơ sở, tham khảo các cơ quan, ban, ngành, những người có chuyên môn, kinh nghiệm và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trước khi triển khai thực hiện trong toàn tỉnh”.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 110 làng thanh niên “2 không, 2 có”, trong đó có 2 làng cấp tỉnh, 34 làng cấp huyện, 74 làng cấp xã. Thời gian qua, tổ chức hội các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, giáo dục và hỗ trợ thanh niên. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 180 đợt tình nguyện tại các làng được chọn xây dựng làng thanh niên “2 không, 2 có”; thực hiện 174 công trình, phần việc thanh niên; xây dựng và duy trì hiệu quả 116 tuyến đường thanh niên tự quản. Đồng thời, tổ chức hội các cấp đã hỗ trợ 52 mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số…
Từ khi triển khai đến nay, có 49 làng đã đạt 4 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn làng thanh niên “2 không, 2 có”; trong đó có 87 làng đạt tiêu chí “không có thanh niên thất nghiệp”; 107 làng đạt tiêu chí “không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước”; 99 làng đạt tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, 102 làng đạt tiêu chí “có mô hình thanh niên phát triển kinh tế”.
Nhiều làng từ khi ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” tình hình an ninh, trật tự trong làng ổn định hơn, không xảy ra tệ nạn xã hội. Bộ mặt nông thôn của các làng có nhiều khởi sắc. Qua thực hiện mô hình, đa số thanh niên không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã tự lực vươn lên, biết sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của các cấp bộ đoàn - hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thanh niên đã chủ động đóng góp ngày công để gây quỹ hoạt động, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, hỗ trợ thanh niên yếu thế... góp phần giúp tổ chức duy trì các hoạt động và phong trào, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được hình thành, nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.
Làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP Pleiku) là một trong hai làng đầu tiên được chọn thí điểm xây dựng mô hình Làng thanh niên “2 không, 2 có”. Hằng tháng, chi đoàn đều tổ chức sinh hoạt với chủ đề về tệ nạn xã hội và an toàn giao thông nhằm nhắc nhở thanh niên thực hiện tốt các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Làng đã thành lập đội múa với 10 thành viên, thường xuyên giao lưu với các đơn vị bạn. Trong phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên tích cực học hỏi các mô hình hiệu quả.
Triển khai thực hiện mô hình, Chi đoàn làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) đã mượn 1,4 ha đất từ quỹ đất trống của làng để trồng cây mì gây quỹ. Được sự vận động của tổ chức Đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên làng Keo tích cực góp công, góp sức để sản xuất trên mảnh đất này. Hằng năm, rẫy mì cho thu nhập đều đặn khoảng 25 triệu đồng. Từ số tiền thu được, Chi đoàn làng Keo dùng tổ chức sinh hoạt với các phong trào văn hóa, thể thao cho thanh niên. Năm 2021, Chi đoàn làng Keo mua bộ cồng chiêng hơn 40 triệu đồng để luyện tập, biểu diễn trong những dịp làng có việc cần; đồng thời mua 900 m2 đất trống trong làng đầu tư làm sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, lắp điện năng lượng mặt trời, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi...
Tại làng Bẹk (xã Ia Bă, huyện Ia Grai), Bí thư chi đoàn đứng ra nhận việc từ các hộ dân có nhu cầu thuê nhân công, rồi kêu gọi thanh niên cùng làm để gây quỹ hoạt động. Tiền quỹ mỗi năm khoảng 7 triệu đồng được chi đoàn, chi hội sử dụng vào việc tổ chức tiệc chia tay và mua quà tặng thanh niên của làng trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự; mua nước uống cho thanh niên khi tham gia giúp người dân di dời chuồng trại chăn nuôi; mua bóng và lưới duy trì phong trào thể dục thể thao; hỗ trợ quà cho đoàn viên, thanh niên khó khăn vào các dịp lễ, tết...
Có thể thấy, mô hình Làng thanh niên "2 không, 2 có" đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Qua triển khai, bộ mặt các buôn làng có nhiều khởi sắc. Đời sống tinh thần và vật chất của thanh niên ngày càng được cải thiện; việc chấp hành pháp luật và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn.
Thu Thủy