“Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” - Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh

 108 lượt xem
BTĐKT - Từ sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, những “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ” vững chãi cùng với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích đã và đang được xây dựng và nhân rộng, tạo nên những giá trị mới trong cuộc sống của người dân Hà Tĩnh. 


Phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa

Sau khi tỉnh triển khai xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh triển khai mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Trên cơ sở chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban điều hành xây dựng mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” cấp tỉnh gồm 21 thành viên (có 13 thành viên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện) để tổ chức triển khai thí điểm tại 32 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ.

Ban điều hành đã ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ cấp huyện, xã thành lập các ban điều hành, các thôn, xóm, tổ dân phố hình thành các Ban chủ nhiệm mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Bên cạnh hình thành hệ thống điều hành, quản lý từ cấp tỉnh đến huyện với vai trò chủ trì của MTTQ các cấp, Ban điều hành cấp tỉnh đã đề xuất hỗ trợ từ ngân sách tỉnh xây dựng các mô hình điểm và kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố để hình thành các câu lạc bộ, thư viện sách, lắp đặt các trang thiết bị như: Máy tính, máy chiếu, internet, các thiết chế thể thao, văn hóa… Ước tính mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” đã nhận được hỗ trợ tối thiểu khoảng 300 triệu đồng và hơn 1000 đầu sách.

17183595599347.jpg

Không gian đọc sách tại “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Tân Thắng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban điều hành cấp tỉnh, huyện, các thôn, tổ dân phố đã quy hoạch không gian sử dụng tại Nhà văn hóa cộng đồng gắn với Ngôi nhà trí tuệ. Ban chủ nhiệm thôn, tổ dân phố bàn bạc kỹ với người dân; sáng tạo, linh hoạt trong mua sắm, bố trí bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao trong nhà và ngoài trời, thư viện sách, các thiết chế văn hóa dân gian, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Ban chủ nhiệm thôn, tổ dân phố đã vận động hình thành các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, học tiếng Anh… Mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” có từ 7 - 10 câu lạc bộ.

Đối với thư viện sách, Ban điều hành cấp tỉnh đã kết nối với hệ thống Ngôi nhà trí tuệ, Tủ sách nhân ái Việt Nam, ban hành Thư kêu gọi hỗ trợ, lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của nhân dân và trước mắt hỗ trợ cho mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” khoảng 1000 đầu sách.

Để duy trì các hoạt động của mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”, Ban điều hành các cấp đã kêu gọi và xây dựng đội ngũ “tình nguyện viên”, lập kế hoạch hàng tháng, tuần và điều phối các hoạt động phù hợp với nhu cầu của người dân.

Những lợi ích thiết thực

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Bộ phận Kế hoạch, Nghiệp vụ, Giám sát - Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư, tổ dân phố, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở cơ sở, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã ra mắt 116 “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” hoạt động hiệu quả, với kinh phí xã hội hóa hơn 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 9,02 tỷ đồng, kêu gọi hỗ trợ được hơn 20.000 đầu sách các loại.

Từ khi “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được xây dựng, người dân trong khu dân cư đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động văn hóa thông qua các câu lạc bộ như dân ca, ví giặm, ôn lại lịch sử truyền thống của mảnh đất, con người nơi mình sinh sống; các cháu nhỏ tham gia chơi các trò chơi dân gian, nghe kể lại lịch sử... Các giá trị văn hóa truyền thống do đó được gìn giữ, phát huy, góp phần tích cực vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Mỗi ngôi nhà trở thành một thư viện cộng đồng tại khu dân cư với đa dạng các loại sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của các đối tượng khác nhau như sách khoa học kỹ thuật, văn học, kỹ năng sống, trẻ em. Ngoài ra, Ban điều hành các cấp mời các chuyên gia, diễn giả... nói chuyện, trao đổi về kỹ năng sống, kiến thức trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, hình thành các sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm..., từ đó góp phần nâng cao dân trí cho người dân trong thôn/xóm/tổ dân phố, tiến tới xây dựng cộng đồng học tập suốt đời.

Các hoạt động thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, hàng ngày như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, cờ vua..., giúp nâng cao thể trạng, sức khỏe và gắn chặt tình làng nghĩa xóm cho nhân dân.

Mô hình sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Điều quan trọng hơn, các mô hình đã góp phần nâng cao vai trò công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân; trọng tâm là việc rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và người dân, hướng tới một xã hội học tập, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó, phát huy hiệu quả và tận dụng tối đa công năng sử dụng của nhà văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Những kết quả đã đạt được từ việc xây dựng mô hình đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt là xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới thông minh trên địa bàn toàn tỉnh.

Hữu Thông

 
Ý kiến của bạn