Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thi đua

 56 lượt xem
BTĐKT - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thi đua”. 


Các đồng chí: TS. Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Chủ nhiệm đề tài; Đỗ Thúy Phượng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo, có các đồng chí: Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Lê Đức Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Tư pháp; các đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thi đua”

Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ: Đề tài "Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thi đua" do TS. Phan Văn Hùng làm chủ nhiệm đã nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học, quan điểm, chủ trương và các quy định pháp luật về thi đua; đưa ra khái niệm, nội dung, phân tích đặc điểm, vai trò, các yếu tố ảnh hưởng, tiêu chí, yếu tố bảo đảm thực hiện pháp luật về thi đua. Hội thảo được tổ chức để làm rõ thêm một số vấn đề về lý luận, đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thi đua trong thời gian tới.

Các tham luận tại hội thảo tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng hoàn thiện. Thực hiện luật thi đua là một trong những khâu vô cùng quan trọng để đưa quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống, bao gồm 4 yếu tố cơ bản: Tuân thủ pháp luật, thực hiện pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Các tham luận tại hội thảo cũng cho thấy vai trò to lớn của quy định pháp luật về thi đua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đánh giá qua thực tiễn còn nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật về thi đua: Pháp luật về thi đua còn thiếu các quy định về phân cấp, ủy quyền, còn chung chung, chưa cụ thể, chi tiết; một số quy định còn chưa tuân thủ các yếu tố văn bản hướng dẫn thi hành; quy định không mang tính ràng buộc các chủ thể thực hiện, chưa quy định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi không thực hiện đúng; việc phát động, duy trì các phong trào thi đua, việc tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở các cấp, các ngành và các địa phương chưa làm tốt; kỹ năng chỉ đạo các phong trào thi đua còn chưa chuyên sâu; việc sơ kết, tổng kết, đánh giá chuyên sâu về việc thực hiện các văn bản pháp luật về thi đua chưa được đồng đều và thường xuyên. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 vừa đi vào cuộc sống nhưng đã phát sinh một số bất cập cần được giải quyết để kịp thời đưa luật vào cuộc sống. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về thi đua còn chưa được thực hiện nghiêm minh. Các vấn đề quy định như danh hiệu thi đua, tiêu chuẩn thi đua, thẩm quyền về khen thưởng, thủ tục, hồ sơ xét tặng, quy định trách nhiệm trong thi đua còn chưa được cụ thể…

Các học giả, các nhà khoa học cũng chỉ ra quan điểm, phương hướng và những giải pháp để thực hiện tốt pháp luật về thi đua như: Phải đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, lãnh đạo công tác thi đua; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác thi đua; đổi mới toàn diện các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng khen thưởng gắn với các phong trào thi đua. Cùng với đó, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thi đua theo hướng phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác thi đua; đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác thi đua…

Theo bà Ngô Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, “cần giao trách nhiệm trực tiếp cho cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; phát huy liêm chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực…”.

Bà Ngô Thị Hải Anh cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng, trong đó thi đua phải được sửa đổi từ cách tiếp cận, mục tiêu sửa đổi “toàn dân, toàn diện và phổ biến”, không nên áp đặt cho một đối tượng cụ thể nào trong bất kỳ điều kiện, tiêu chuẩn nào của danh hiệu thi đua.

Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khả thi. Cùng với đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật đảm bảo “thống nhất về nhận thức, nhất quán về quan điểm, xuyên suốt về cách hiểu”.

TS. Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo

Kết luận hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu tại hội thảo và cho biết Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến tại hội thảo, tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng quan và các sản phẩm khác liên quan đến đề tài khoa học đã được Viện Khoa học Tổ chức nhà nước phê duyệt và gửi dự thảo này đến các nhà khoa học, học giả, chuyên gia lấy ý kiến trước khi bảo vệ đề tài.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Phương Thanh

 
Ý kiến của bạn