BTĐKT - Sau gần 5 năm triển khai, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tỉnh Hưng Yên trong thực thi công vụ.
Hưởng ứng phong trào “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quyết liệt thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan đều xây dựng và niêm yết bộ quy tắc ứng xử ở vị trí quan sát thuận lợi nhất. Đội ngũ CBCCVC hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, giao tiếp, ứng xử văn minh. Nhiều cơ quan, đơn vị gắn thực hiện văn hóa công sở với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hàng năm, các sở, ban, ngành, địa phương đều tổ chức ký cam kết thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ; đưa các nội dung về văn hóa công sởvào các tiêu chí, làm cơ sở bình xét thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể.
Đến nay, thi đua thực hiện văn hóa công sở đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần động viên tinh thần hăng say làm việc của CBCCVC, nâng cao ý thức văn hóa công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa công sở, môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo làm cho kinh nghiệm tổ chức phong trào thêm phong phú. Tiêu biểu như mô hình “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của CBCCVC ở Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh và tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND cấp huyện, cấp xã với tinh thần “4 xin”và “4 luôn”.
Theo đánh giá của Ban Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh, hầu hết CBCCVC đều tích cực hưởng ứng, nghiêm chỉnh chấp hành; ý thức rõ về chức trách, nhiệm vụ được giao, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; không kén chọn vị trí công tác, hay chọn việc dễ, bỏ việc khó; không có hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết TTHC của người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả một cửa của UBND huyện Kim Động nghiêm túc thực hiện quy định về văn hóa công sở
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả một cửa của UBND huyện Kim Động, 7 giờ 30 phút sáng hằng ngày, cán bộ, công chức đã có mặt đầy đủ, trang phục lịch sự; hệ thống máy tính và các thiết bị chuyên dùng được khởi động để sẵn sàng đón tiếp công dân đến giao dịch giải quyết công việc. Có thời điểm mặc dù số lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều nhưng các cán bộ, công chức vẫn tận tình hướng dẫn, giải thích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức nhận kết quả nhanh nhất.
Với mục tiêu mang lại sự hài lòng nhất cho nhân dân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC, huyện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để người dân nghiên cứu, áp dụng; đồng thời, Văn phòng HĐND và UBND huyện tham mưu với lãnh đạo UBND ban hành Bộ “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức”; ban hành quy chế làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cuối năm. Trên cơ sở đó, các bộ phận, phòng, ban chuyên môn căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện.
Tại Sở Nội vụ, văn hóa công sở được thể hiện bắt đầu từ mô hình “Công sở xanh”. Với vai trò đảm nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên, từ khuôn viên, các phòng, bộ phận làm việc gọn gàng, ngăn nắp và cây xanh ở các hành lang được chăm sóc thường xuyên. Trong công việc, mỗi cán bộ, công chức đều sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không chọn việc dễ, bỏ việc khó; tận tụy, gương mẫu làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ được giao.
Tại Bộ phận “Một cửa” xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi), vào bất kỳ thời điểm nào trong giờ hành chính, các cán bộ, công chức ở đây luôn giữ thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC và phối hợp, tham mưu thực hiện quy trình giải quyết TTHC chuyên nghiệp, hiệu quả. Với mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, đến nay 100% hồ sơ TTHC được xã Xuân Trúc giải quyết đúng và trước hạn, trong đó tỷ lệ trước hạn đạt trên 99%. Điểm nổi bật là tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến toàn trình đạt 98,22% và tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt trên 89%.
Có thể thấy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã coi trọng xây dựng văn hóa công sở, qua đó xây dựng đội ngũ CBCCVC ngày càng hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Để tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong xây dựng văn hóa công sở, thời gian tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ này. Trong đó, coi trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho CBCCVC về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCCVC có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động thi đua thực hiện văn hóa công sở; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ.
Đào Thị Côi