Người phụ nữ Mông tiên phong làm du lịch cộng đồng tại quê hương

 89 lượt xem
 

BTĐKT - Sớm nhận thấy tiềm năng dồi dào của mảnh đất vùng cao Hang Kia, chị Sùng Y Múa đã tiên phong xây dựng và phát triển mô hình làm du lịch cộng đồng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Chị Sùng Y Múa hướng dẫn khách du lịch làm giấy giang

Sùng Y Múa sinh ra và lớn lên tại xã Hang Kia, là một trong hai xã vùng cao chủ yếu người dân tộc Mông sinh sống, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có độ cao 1000 - 1500m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, có thung lũng bồng bềnh mây trắng và những khu rừng nguyên sinh rậm rạp với nhiều loại cây thuốc quý hiếm, thảm thực vật đa dạng. Ngoài ra, có nhiều cây trà cổ thụ 400 - 500 năm tuổi mọc hiên ngang giữa núi rừng đại ngàn. Người dân hiền hòa, thân thiện, mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Tuy nhiên, do địa hình núi cao, giao thông không thuận lợi, bà con giữ truyền thống canh tác cũ nên trước đây việc phát triển kinh tế rất khó khăn, người dân có thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với vị trí ở giáp ranh với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, một số người muốn thoát nghèo, đổi đời nhanh đã bị lôi kéo tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, nên Hang Kia có lúc được nhắc đến là điểm nóng của nạn buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.

Những năm gần đây, với sự vào cuộc của Đảng, chính quyền các cấp, Hang Kia đã đổi khác, an ninh trật tự được đảm bảo, người dân làm theo chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, khi có dự án 135 của Chính phủ, cuộc sống của bà con từng bước thay đổi, cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm được chuẩn hóa, nhiều người thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bắt nhịp với sự phát triển chung của các địa phương khác.

Y Múa chia sẻ: “Tôi yêu quê hương mình và thấy rằng Hang Kia vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc sắc về trang phục truyền thống, làng nghề thêu, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đôi giấy giang thủ công, lò rèn, rượu ngô…, là một địa điểm tiềm năng về phát triển du lịch trong tương lai. Từ suy nghĩ như vậy, năm 2011, tôi bắt đầu cho khách lưu trú thử tại gia đình, sau một thời gian, tôi quyết định mở rộng mô hình để phát triển và xây dựng nhà để đón khách”.

Năm 2013, khi cơ sở đi vào hoạt động, gặp không ít khó khăn, nhất là lượng khách du lịch đến với Hang Kia không nhiều, chủ yếu là khách tour. Từ đây, Y Múa bắt đầu nghiên cứu, học hỏi những anh chị, bạn bè đi trước để có kinh nghiệm, kiến thức về mô hình homestay. Từ đó, chị áp dụng vào thực tiễn mô hình, kết quả năm 2019 homestay đã đón hơn 2.300 lượt khách, trong đó có 65% lượt khách nước ngoài.

Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Mông, lấy văn hóa làm động lực để thu hút khách du lịch, Sùng Y Múa đã xây dựng khu trưng bày không gian văn hóa Mông trên diện tích hơn 2.000m2 tại xã Hang Kia. Để làm được điều này, chị đã phải cất công tìm tòi, sưu tập những đồ cũ, đồ cổ của đồng bào Mông do ông cha để lại ở các xóm, bản trên địa bàn hai xã Hang Kia, Pà Cò và vùng lân cận. Đến nay, Sùng Y Múa đã sưu tầm được trên 300 hiện vật, chủ yếu là của người Mông. Đặc biệt, có những hiện vật đã trên 200 năm tuổi được trưng bày tại không gian văn hóa phản ánh gốc gác, lịch sử người Mông.

Để phát triển không gian văn hóa và đưa vào hoạt động có hiệu quả, mỗi tuần Sùng Y Múa tổ chức hai buổi mời các nghệ nhân dạy nghề thủ công, dạy múa, dạy hát… cho các em nhỏ trong bản. Từ đó, tạo động lực khích lệ các em trong học tập, cũng như học văn hóa Mông. Ngoài ra, trong không gian có tủ sách dành cho các em nhỏ trong bản, hiện có ba nhóm trẻ độ tuổi từ 8 - 15, mỗi nhóm có 25 em thường xuyên đến đọc sách. Bên cạnh đó, tại không gian này thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sự thích thú cho du khách.

Đến nay, lượng khách du lịch đến với Hang Kia đều đặn và tăng lên rõ rệt theo từng năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, tạo nguồn thu từ các dịch vụ địa phương. Trước nhu cầu khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Hang Kia ngày càng đông, Y Múa đã đầu tư thêm nhiều bungalow xung quanh để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của khách du lịch. Hiện nay, hệ thống homestay Y Múa thu hút khoảng 250 khách/tháng. Homestay Y Múa kết nối với nhiều homestay trên địa bàn và các homestay của các tỉnh lân cận. Mỗi năm, có tới cả nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu nghỉ dưỡng tại homestay Y Múa. Homestay Y Múa đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội hay từ các nước: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Australia... 

Lượng khách khá đông và đều đặn khiến thu nhập của Y Múa khá ổn định. Tuy nhiên, theo chị cốt lõi phát triển du lịch không hẳn là để làm kinh tế mà chị muốn tạo công ăn việc làm cho bà con ở Hang Kia, tạo cơ hội cho chị em phụ nữ địa phương giao lưu học hỏi mở rộng kiến thức đời sống xã hội, học tập tiếng Kinh… Hiện nay, homestay của chị đang tạo việc làm cho 4 - 7 lao động thường xuyên, có thời gian cao điểm tăng lên 7 - 10 lao động, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi mang lại thành quả cho bản thân và gia đình, chị Sùng Y Múa luôn trăn trở, tâm huyết trong việc giúp đỡ, hướng dẫn các hộ trong xóm cùng làm du lịch, cùng nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói, nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vợ chồng Y Múa đã giúp đỡ cả chục hộ người Mông ở Hang Kia cùng mở homestay. Bà con người Mông cũng dần thay đổi tư duy sản xuất. Họ đã biết tận dụng, khai thác lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.

Qua những năm làm homestay, chị Sùng Y Múa đã được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Năm 2019, homestay của chị được UBND xã tặng Giấy khen hộ kinh doanh có nhiều thành tích trong phát triển du lịch trên địa bàn Hàng Kia. Năm 2020, homestay Y Múa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen có thành tích tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020.

Hà Giang

 
Ý kiến của bạn