BTĐKT - Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung nguồn lực và giải pháp giảm nghèo. Nhờ đó, huyện đã trở thành 1 trong 3 quận, huyện đầu tiên của TP Hà Nội hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là nhiệm vụ lâu dài và rất quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND huyện đã cụ thể hóa chỉ tiêu giảm nghèo thành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo cụ thể.
Hàng năm, Huyện ủy Hoài Đức ban hành Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo cuộc vận động quỹ Vì người nghèo; UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang,… trên địa bàn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn tổ chức cuộc vận động quỹ Vì người nghèo, xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kế hoạch giảm nghèo theo chỉ đạo. Bên cạnh đó, UBND huyện bố trí kinh phí để Ngân hành Chính sách xã hội huyện ưu tiên cho hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu phát triển sản xuất được vay vốn với lãi suất thấp.
Huyện thường xuyên quan tâm, giải quyết việc làm tại chỗ cho các hộ khó khăn thông qua việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người có khả năng lao động vào làm việc; xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hộ mới thoát nghèo, cận nghèo ổn định đời sống, phát triển kinh tế; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Người tốt – việc tốt”; lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội.
Từ năm 2020 đến hết 30/9/2024, huyện đã thực hiện giải ngân cho 258 hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, thoát cận nghèo và người lao động là thành viên hộ cận nghèo với tổng số tiền 11,925 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn công tác vay vốn giải quyết việc làm tại 20 xã, thị trấn cho hơn 2.000 lao động, trong đó có 400 lao động thuộc hộ gia đình cận nghèo, thoát cận nghèo.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện giải quyết việc làm cho 30.815 lượt lao động. Trong đó 4.304 lượt lao động là thành viên hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, mới thoát cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14%. Từ 2020 đến tháng 9/2024, Sàn giao dịch việc làm của huyện đã tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 5.000 lượt lao động, trong đó khoảng hơn 800 lượt người lao động thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo; khoảng 65% lượt lao động sau khi được tư vấn giới thiệu đã tìm được việc làm ổn định. Ngoài ra, chính quyền huyện còn hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho gần 500 lượt học sinh là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo với số tiền hơn 500 triệu đồng; rà soát đề nghị cấp thẻ BHYT cho gần 2.500 người thuộc hộ cận nghèo và 1.568 người mới thoát cận nghèo với số tiền khoảng hơn 5 tỷ đồng. Vận động nguồn lực xã hội hóa để tặng học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho 112 trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn với số tiền mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tặng quà cho hơn 100 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền gần 300 triệu đồng.
Từ năm 2020 - 2024, huyện đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 49 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 2,84 tỷ đồng (xây mới 37 nhà, sửa chữa 12 nhà), huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 4,588 tỷ đồng.
Các xã, thị trấn tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo, xóa hộ cận nghèo hiệu quả thông qua nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như trợ cấp hằng tháng cho các hộ đơn thân nuôi con nhỏ, người cao tuổi cô đơn, trợ cấp khó khăn cho các hộ gặp rủi ro đột xuất. Ngoài ra, các xã, thị trấn tặng học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết, ngày người khuyết tật, ngày cả nước vì người nghèo… với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ quý II năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức không có hộ nghèo, số hộ cận nghèo giảm từ 1.394 hộ (tỷ lệ 2,14% năm 2020) xuống còn 690 hộ, tỷ lệ 0,90% (cuối năm 2023). Đến tháng 9/2024, toàn huyện không còn hộ cận nghèo.
Có thể khẳng định, cùng với thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần giúp huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyên Đạt