Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra và Chi bộ Trung tâm Thông tin - Truyền thông tìm hiểu, nghiên cứu về di tích lịch sử cách mạng tại tỉnh Ninh Bình

 79 lượt xem
 

BTĐKT - Ngày 2/11, Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra và Chi bộ Trung tâm Thông tin - Truyền thông (thuộc Đảng bộ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III/2024 với nội dung “Tìm hiểu, nghiên cứu về di tích lịch sử cách mạng tại tỉnh Ninh Bình”. Tại đây, 2 chi bộ đã tới thăm Khu di tích núi Non Nước tìm hiểu về lịch sử cách mạng, văn hóa, truyền thống địa phương.

Dự buổi sinh hoạt chuyên đề có các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Đỗ Ngọc Toàn, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra; Nguyễn Thế Huân, Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông; Nguyễn Công Hoan, Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, cùng các đảng viên của 2 chi bộ.

Đảng viên của 2 chi bộ tìm hiểu Đền thờ Trương Hán Siêu

Tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình, các đảng viên của 2 chi bộ được Thủ từ Đền thờ Trương Hán Siêu Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Núi Dục Thúy không chỉ nổi tiếng bởi thắng cảnh đẹp, mà từ lâu đã là một Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, gắn liền với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Trương Hán Siêu, Lương Văn Tuỵ… Đây còn là một ngọn núi mang nhiều áng văn thơ cổ, hay nhất Việt Nam với hơn 100 bài vịnh và 40 bài khắc thạch của danh nhân lịch sử nước ta như Lê Thánh Tôn, Trương Hán Siêu… Đến năm 1962, núi Dục Thúy và Đền thờ Trương Hán Siêu đã được nhà nước đưa vào di tích lịch sử quốc gia.

Đảng viên của 2 chi bộ tìm hiểu về danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu

Đền thờ Trương Hán Siêu được kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Trên đỉnh đền có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Gian bái đường ở hai bên cắm bát cửu. Gian cuối cùng của hậu cung có tượng thờ Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng. Theo sử sách, Trương Hán Siêu là một danh nhân văn hóa đời Trần, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (kinh đô Hoa Lư xưa) nay là phường Phúc Thành, thuộc thành phố Ninh Bình.

Ông là một vị quan dưới 4 đời vua nhà Trần, từng giữ các chức: Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung, Thượng thư. Khi mất, ông được hai đời vua truy tặng chức Thái bảo rồi Thái phó. Kiệt tác văn chương nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là bài Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) - một áng thiên cổ hùng văn bất hủ có giá trị lịch sử và giá trị văn học lớn. Đây là một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng: "Giặc tan muôn thuở thái bình/Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao". Trương Hán Siêu “lập được nhiều công trạng trong hai trận đánh giặc Nguyên lần thứ hai và thứ ba”.

Ông cũng được đánh giá là một nhà văn hóa, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam. Ông cũng chính là người cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ Hoàng triều đại điển và Hình thư đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

Trên đỉnh núi Non Nước, các đảng viên của 2 chi bộ được Thủ từ Nguyễn Đức Hạnh kể về tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Tụy và sự kiện cắm cờ trên núi Non Nước.

Đảng viên của 2 chi bộ tìm hiểu về tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Tụy và sự kiện cắm cờ trên núi Non Nước

Anh hùng Lương Văn Tuỵ (1914 - 1932) là chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lương Văn Tụy người làng Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; là con của Lương Văn Thăng, cháu gọi Đinh Tất Miễn bằng cậu, đều là những đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.

Năm 15 tuổi, Lương Văn Tuỵ đã bước vào hoạt động cách mạng. Năm 1929, anh được kết nạp vào một tổ chức thanh niên cộng sản ở Ninh Bình được gọi là Đội Võ trang tuyên truyền tỉnh Ninh Bình. Anh được giao nhiệm vụ làm liên lạc, in truyền đơn và các tài liệu bí mật.

Ngày 7/11/1929, chính quyền cách mạng quyết định cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước để khuyến khích tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Lương Văn Tuỵ đã nhận nhiệm vụ lịch sử này. Để đánh lừa quân địch, anh Tuỵ đã nhanh trí đeo thêm 2 quả lựu đạn giả vào chân cột cờ tạo mối khiếp sợ không dám đến gần.

Sau sự kiện cắm cờ Đảng, ngày 18/11/1929, trong khi anh đang mang báo "Dân cày" số 2, có in bài tường thuật, kèm theo hình minh hoạ lá cờ bay trên đỉnh Dục Thuý đến phát ở Yên Mô, quân Pháp đã bắt anh đưa về nhà lao Ninh Bình giam giữ. Ngày 28/4/1930, anh bị đưa ra xử ở Toà thượng thẩm Hà Nội rồi bị đưa đi Côn Đảo. Năm 1932, theo chủ trương của cấp trên, anh cùng một số đồng đội khác vượt biển về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng bị gió to nên tất cả đều hi sinh. Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi.

Đảng viên 2 chi bộ chụp ảnh bên tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Văn Tuỵ

Nhân dân Ninh Bình đã xây dựng tượng đài Anh hùng Lương Văn Tuỵ trên đỉnh núi Non Nước. Tên tuổi của anh cũng được đặt cho một trường trung học nổi tiếng nhất Ninh Bình là Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về di tích lịch sử cách mạng tại tỉnh Ninh Bình, các đảng viên của 2 chi bộ tiếp tục phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất và năng lực, nguyện học tập và noi gương Anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Văn Tuỵ, có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Bộ Nội vụ.

Huyền Thư

 
Ý kiến của bạn