Tóm tắt: Trong thời gian qua, việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, hướng về cơ sở, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức. Trong đó, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, cần tiếp tục đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, kỷ nguyên mới.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc (ngày 11/6/2023). Ảnh minh họa: VGP
|
Điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, luôn được các bộ, ban, ngành, tỉnh và cơ quan nhà nước tập trung đẩy mạnh trong suốt nhiều năm qua.
Thực tiễn đã chứng minh qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, công tác thi đua, khen thưởng nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến đóng vai trò đặc biệt quan trọng, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ công tác này phải được quan tâm hoàn thiện và thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm việc đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Ngày 07/4/2014, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” trong đó nêu rõ “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi trọng là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương”.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước nói chung và trong các cơ quan nhà nước nói riêng đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến ra xã hội, cộng đồng, đã động viên, cổ vũ, khuyến khích các tập thể, cá nhân học tập, phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện
Ngay sau khi Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị được ban hành, các cơ quan nhà nước đã kịp thời quán triệt, phổ biến, triển khai kế hoạch, chương trình hành động, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng nội dung đổi mới công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Trên cơ sở đó, hệ thống thể chế pháp luật về thi đua, khen thưởng không ngừng được xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ. Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV ban hành Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022 để thay thế Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013. Trong đó, Điều 17 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định: tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong năm nội dung cơ bản trong tổ chức phong trào thi đua. Điển hình tiên tiến là kết quả, là sản phẩm của các phong trào thi đua. Theo đó, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng như một trong những phương thức tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả cao. Thông qua việc lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến ra xã hội, cộng đồng, công tác thi đua khen thưởng góp phần tạo động lực, động viên, cổ vũ, khuyến khích các tập thể, cá nhân học tập, phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 nghị quyết; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 22 thông tư; các ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý và gắn trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, người đứng đầu đối với công tác phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, cụ thể: tại khoản 1 và khoản 4 Điều 13 quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng”, cơ quan báo chí có trách nhiệm: “tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua.”
Ngày 09/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”, với quan điểm chỉ đạo: “Quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới thi đua, khen thưởng với trọng tâm là phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến”, “Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo sức lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ các tập thể, cá nhân học tập điển hình tiên tiến, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với phương châm cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của từng cơ quan, đơn vị, có sự phối hợp, phân công chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng.” Đề án là cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước chủ động ban hành đề án, kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Nhìn chung, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng cũng như các văn bản quy định về công tác khen thưởng trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và trong các cơ quan nhà nước cơ bản được ban hành đồng bộ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được đẩy mạnh. Qua đó, đã tạo bước chuyển biến tích cực và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế có sự thay đổi rõ rệt. Đã lôi cuốn được các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tự giác tham gia, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức luôn gương mẫu đi đầu; qua đó, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được phát hiện, giới thiệu để biểu dương, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về kết quả công tác phát hiện điển hình tiên tiến
Việc phát hiện, khen thưởng gương điển hình tiên tiến ngày càng được quan tâm triển khai có hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước.
Cùng với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước đã lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề theo ngành, lĩnh vực, định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá, bình xét và giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong thực hiện các nhiệm vụ đề xuất các cấp khen thưởng, ghi nhận biểu dương. Cùng với việc phát hiện gương điển hình tiên tiến, đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến mới.
Phát hiện gương điển hình tiên tiến được quan tâm phát hiện thông qua các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt.
Có thể nói, đây là "sân chơi" hết sức bổ ích và thiết thực, đã tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, phát huy được toàn bộ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân cùng tham gia phát hiện gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đề xuất khen thưởng, tôn vinh, nêu gương kịp thời để mọi người cùng học tập, làm theo, nhằm lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Phát hiện điển hình tiên tiến được quan tâm thực hiện thông qua các cơ quan thông tin truyền thông và công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.
Các cơ quan thông tin truyền thông đã chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu các câu chuyện, hình ảnh về những tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến. Đây không chỉ là những tập thể, cá nhân đã được phát hiện, biểu dương, khen thưởng mà còn là những tấm gương thầm lặng, điển hình tiên tiến trong đời thường. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã kết hợp phát hiện những nhân tố mới, cách làm hay, các gương điển hình tiên tiến để giúp cho người đứng đầu, cấp có thầm quyền khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng.
Về kết quả công tác bồi dưỡng điển hình tiên tiến
Các cơ quan nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng điển hình, hỗ trợ vật chất và cơ chế, động viên, tạo điều kiện để các sáng kiến, mô hình mới được phát triển và nhân rộng. Nhiều cơ quan đã tổ chức cho điển hình được học tập, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân khác để phát huy hết tiềm năng, hoàn thiện mô hình để cống hiến ngày càng nhiều hơn cho cơ quan, tổ chức và phấn đấu liên tục trở thành điển hình tiên tiến xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng, lan tỏa rộng hơn.
Về kết quả công tác tuyên truyền, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến
Trong thời gian qua, các phong trào thi đua nòng cốt do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua chuyên đề do các bộ, ban, ngành, địa phương phát động gắn với nhiệm vụ chính trị, việc khó, việc cấp bách trong từng thời kỳ, giai đoạn, đã được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, trở thành những tấm gương sáng trong đời sống xã hội. Trong đó, công tác tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến đã đạt kết quả quan trọng. Việc nhân rộng điển hình tiên tiến đã góp phần hình thành nhân cách con người mới Việt Nam XHCN đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. Các cơ quan nhà nước đã đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp đẩy mạnh phong trào, chia sẻ, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, điển hình tiên tiến với nhiều hình thức, nội dung, phương pháp phong phú. Qua đó giúp từng điển hình tiên tiến hoàn thiện, phát triển bản thân, đồng thời phát huy tác dụng nêu gương trong cơ quan, đơn vị và toàn xã hội, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Công tác tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến thời gian qua được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Nhiều cơ quan đã tổ chức các hội nghị để tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến. Hình thức phổ biến là các hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hằng năm, hội nghị điển hình tiên tiến và đại hội thi đua yêu nước các cấp 5 năm, các hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của các bộ, ban, ngành, địa phương, của ngành thi đua, khen thưởng và nhân dịp sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; tổ chức báo cáo điển hình, tham quan học tập, phổ biến kinh nghiệm.
Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đã dành thời lượng, xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục; cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp và cơ quan thông tin, truyền thông đã có các chương trình phối hợp tuyên truyền, nêu gương, nhân rộng các điển hình. Các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội, tuyên truyền miệng, tổ chức giao lưu, xuất bản ấn phẩm, ứng dụng công nghệ số, giới thiệu các địa chỉ tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền người tốt, việc tốt, nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trên khắp các lĩnh vực, góp phần lan tỏa sâu rộng trong cơ quan cũng như toàn xã hội.
Công tác tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến còn được quan tâm triển khai thông qua các hoạt động của các cụm, khối thi đua. Qua các báo cáo tham luận, qua các đợt tham quan học tập, các điển hình và các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay đạt hiệu quả, thành tích cao nhằm nhân rộng, học tập lẫn nhau, nâng cao chất lượng, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các cơ quan, tổ chức và trong cả nước.
TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào thi đua và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến có nơi, có lúc chưa đầy đủ và sâu sắc. Một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan còn xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các nhân tố tích cực, tiêu biểu. Hệ thông văn bản quy phạm pháp luật tuy thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhưng do đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng nên có một số nội dung còn bất cập. Phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa thực sự tạo động lực từ cơ sở, quần chúng nhân dân. Khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác tuy đã được quan tâm nhưng chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng còn hạn chế.
Việc lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến và đề xuất khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất. Chưa có nhiều biện pháp, giải pháp phát hiện, lựa chọn điển hình tiên tiến nên hiệu quả chưa cao, chưa thể hiện tính tiêu biểu, nổi trội, nêu gương. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng các điển hình tiên tiến và phát triển những nhân tố mới; thiếu kế hoạch bồi dưỡng, phát huy tác dụng giáo dục và nêu gương của điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến một số nơi chưa sâu rộng, biện pháp tuyên truyền thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên liên tục; việc tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới ít được quan tâm thực hiện, nên đã làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân.
Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế nêu trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác thi đua, khen thưởng chưa thật sự sâu sát, đầy đủ, toàn diện, chưa chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, chưa chú trọng đúng mức đến việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Hệ thống thể chế, pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện để gắn trách nhiệm các chủ thể thực hiện công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, có cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực, khuyến khích công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa, cộng hưởng để nhân rộng, giáo dục và nêu gương.
Một số cơ quan chưa đầu tư thỏa đáng cho việc tìm kiếm, phát hiện các gương người tốt, việc tốt và chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để thông tin, tuyên truyền. Tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng có nhiều thay đổi hoặc chưa ổn định, năng lực tham mưu còn hạn chế, trong đó có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, nhân rộng gương "người tốt, việc tốt", điển hình tiên tiến.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các điển hình tiên tiến tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc (ngày 11/6/2023). Ảnh minh họa: VGP
|
MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI
Một là, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và ý nghĩa đặc biệt của công tác thi đua, khen thưởng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, thúc đẩy sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng. Cán bộ, đảng viên tích cực vận động quần chúng, gương mẫu đi đầu, là hạt nhân trong các phong trào thi đua, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng đảng, xây dựng cơ quan đơn vị, và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng và công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chú trọng chỉ đạo việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn về điển hình tiên tiến, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, khi phát hiện, bồi dưỡng được những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, là điển hình tiên tiến tiêu biểu, có sức thuyết phục, cần kịp thời tôn vinh, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; đồng thời, có kế hoạch và biện pháp cụ thể lan tỏa, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến để các tập thể, cá nhân khác học tập, noi theo, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Quan tâm kết hợp việc biểu dương, khen thưởng với việc thực hiện chính sách đãi ngộ, khuyến khích vật chất và tinh thần, tạo động lực để các điển hình tiên tiến giữ vững thành tích xứng đáng được tôn vinh, phấn đấu hoàn thiện toàn diện hơn và cổ vũ, phát huy, lan tỏa mô hình, điển hình gương đã được ghi nhận.
Ba là, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Chỉ thị mới về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác thi đua, khen thưởng, trong đó có công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định pháp luật để các văn bản, chính sách mới đi vào cuộc sống. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, đánh giá đúng người, đúng việc.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người lao động về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến. Xác định làm tốt công tác này sẽ tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm là, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với tổ chức chính trị, cơ quan thông tin, truyền thông trong việc phát hiện, lựa chọn các cá nhân, tập thể có thành tích xứng đáng trong các lĩnh vực để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tạo điều kiện để cá nhân, tập thể được khen thưởng trao đổi, giao lưu, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng những sáng kiến, mô hình hay, sáng tạo, cách làm hiệu quả. Phối hợp tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; vị trí vai trò, tầm quan trọng của thi đua yêu nước trong sự nghiệp cách mạng; đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước; phản ánh đúng kết quả, bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, những đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng và tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Sáu là, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên; phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tổ chức khác học tập và làm theo.
Bảy là, tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, động viên cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tiếp tục quan tâm việc khen thưởng ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như công tác khen đối ngoại. Chủ động khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bí mật nhà nước, những tấm gương hi sinh, cống hiến, có hành vi dũng cảm, anh hùng, cứu người, cứu tài sản, những doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tám là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tổ chức phát động các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề để thông qua các phong trào thi đua phát hiện điển hình tiên tiến và có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Kịp thời tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, và đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong công tác thi đua, khen thưởng.
Chín là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm tính thống nhất, ổn định, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, kỷ nguyên mới. Tổ chức tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác thi đua khen thưởng, nhất là phổ biến các giải pháp nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến; xây dựng tiêu chí đánh giá điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trong cơ quan, đơn vị, địa phương, trong các cụm, khối thi đua để triển khai thực hiện, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng./.
-------------------------
(Bài viết thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay” do TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Chủ nhiệm).
TS Phạm Đức Toàn - CVCC, Phó Trưởng ban; Đỗ Thanh Hà - CVCC, Phó Trưởng phòng Phòng III; Mạc Văn Nhì - CVC, Phòng I (Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương - Bộ Nội vụ)
Nguồn: https://tcnn.vn/