Duy trì hợp tác xã nông nghiệp: Cốt lõi phát triển kinh tế nông thôn

 8827 lượt xem
Hình thức kinh tế tập thể (KTTT) ở Hà Nội đang từng bước phát triển và xác lập được vai trò trong nền kinh tế. Đây là xu thế tất yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp... Khu vực KTTT đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã viên. 

HTX nấm Sáng Thiện, xã Quang Tiến (Sóc Sơn) giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ xã viên.

Hiện nay, Hà Nội có 1.617 HTX, trong đó có trên 60% là HTX nông nghiệp và chăn nuôi, quỹ TDND, còn lại là các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải và ngành nghề khác. Thông qua hoạt động của các HTX, bà con đã hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống hộ xã viên. 

HTX Ngọc Động, xã Phương Tú (Ứng Hòa) là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Ông Lê Văn Tín, Chủ nhiệm HTX Ngọc Động cho biết, sau ba lần dồn đổi, ở đây chỉ còn 1-4 ô thửa/hộ (trước đây là 20 - 25 ô thửa). Từ mô hình thành công ở Ngọc Động, xã đã triển khai công tác DĐĐT tới 5 HTX còn lại. Việc DĐĐT thành công là nền tảng vững chắc để Ngọc Động vươn lên. Từ một làng thuần nông, nghèo nhất nhì huyện, sau khi dồn đổi ruộng, địa phương đã quy hoạch được các vùng chuyên canh chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm tập trung, trở thành làng quê trù phú. 
 
Thực tế cho thấy, nếu để xã viên "tự bơi" thì không thể đủ lực để phát triển nhanh chóng mô hình sản xuất. Vì vậy cần phải có HTX đứng ra làm đầu mối cung ứng vốn, vật tư, khoa học, kỹ thuật trên quy mô lớn và giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Xã Tự Nhiên (Thường Tín) có 180ha đất bãi trước đây sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp. Từ khi HTX đưa giống chuối tiêu hồng vào sản xuất, xã viên được tập huấn, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kiểm tra việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ nên đời sống người dân đã đổi thay. Tương tự, HTX NN Hương Ngải, huyện Thạch Thất cũng đã đứng ra thuê lại ruộng đất của xã viên để quy hoạch vùng rau tập trung, từ đó phá bờ vùng bờ thửa, tạo mặt bằng sản xuất lớn để đưa máy móc vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% so với sản xuất đơn lẻ.
 
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, một trong những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn quan trọng là nâng cao mức sống cho nông dân thông qua nâng cao năng lực và tổ chức của HTX NN. Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, phải giúp họ bán được nông sản với giá hợp lý và mua được vật tư đầu vào chất lượng; vay những khoản vay dài hạn, lãi suất thấp; tiếp cận khoa học kỹ thuật. Vì vậy, phát triển HTX NN được coi là cốt lõi trong phát triển kinh tế nông nghiệp để hướng dẫn, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hiệu quả. Thực tế, tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, nơi nào HTX được quan tâm, đầu tư, khích lệ phát triển thì ở đó việc đưa giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi và hiệu quả. Chẳng hạn ở Ba Vì, huyện đã đưa được bộ giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều HTX đã thực hiện tốt việc cơ giới hóa, gieo sạ theo hàng như HTX Cổ Đô, HTX Phú Phương… với trên 60% diện tích gieo sạ.
 
Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Phạm Văn AnGắn loại hình kinh tế HTX với các thành phần kinh tế khác
 
Xác định KTTT chiếm vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Liên minh HTX TP đã tập trung củng cố các HTX, khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh dịch vụ để xây dựng mục tiêu phát triển KTTT trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề kinh doanh. Từ đó gắn các loại hình kinh tế HTX với các thành phần kinh tế khác, nhất là kinh tế hộ và trang trại để chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ngành nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ và thu nhập cho bà con xã viên. Liên minh cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể về công tác chỉ đạo, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực sát với thực tế từng địa phương, để KTTT thực sự là người bạn đồng hành không thể thiếu của người dân.
 
 
Ý kiến của bạn