Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Đắk Mil, tỉnh Dak Nông đã triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện. Từ đó, phong trào đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong hành động của mỗi tổ chức, nhất là vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn được gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên nhiều mô hình hay, cách làm tốt ở hầu hết các đơn vị, đoàn thể dần xuất hiện và tạo chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động, công tác. Riêng trong năm 2011, toàn huyện đã có 7 mô hình “Dân vận khéo” được đánh giá cao như: Cựu chiến binh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở xã Đắk Lao; cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo ở xã Đức Minh; nuôi heo đất của Hội Phụ nữ xã Đắk Lao; đổi mới phương thức, tăng cường hoạt động công đoàn của Công đoàn thị trấn Đắk Mil; tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ ngành Giáo dục của Công đoàn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; tăng cường, tập hợp đoàn kết thanh niên vùng dân tộc thiểu số của Chi Đoàn Kho bạc và Chi đoàn Tài nguyên - môi trường; khu dân cư không có tội phạm của Mặt trận các xã Đức Mạnh và Đắk Lao…
CCB thôn 5, xã Đắk Lao đóng góp tiền của xây dựng hội trường thôn.
Đơn cử như mô hình “Cựu chiến binh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền” của Hội Cựu chiến binh xã Đắk Lao đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lính thời bình vì sự phát triển của địa phương, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Với nhiều hình thức giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đến nay, Hội Cựu chiến binh xã có 230 hội viên thì chỉ còn 2 hội viên nghèo do già yếu, không có khả năng lao động, 35 hộ giàu với mức thu nhập trên 300 triệu đồng, 122 hộ khá, còn lại trung bình. Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, cựu chiến binh còn là lực lượng tiên phong trong phong trào xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn. Cùng với việc tổ chức sửa chữa đường giao thông, cầu cống và đóng góp tiền xây dựng công trình công cộng theo quy định thì hội viên cựu chiến binh còn hỗ trợ thêm để hội trường thôn xây dựng được khang trang, kiên cố. Bên cạnh đó, phát huy tính gương mẫu, những người lính thời bình còn tích cực chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức cách mạng, đóng góp ý kiến để xây dựng thôn ngày càng phát triển và giúp những đối tượng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, toàn Hội đã có 55 cựu chiến binh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức danh chủ chốt ở khu dân cư. Hay mô hình “Nuôi heo đất” của phụ nữ xã Đắk Lao cũng là một trong những phong trào thể hiện rõ nhất tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn. Với hình thức đóng góp đơn giản, phù hợp với điều kiện hội viên như mỗi bữa đi chợ bớt một vài nghìn đồng để bỏ vào heo đất, phong trào đã thực sự có sức lan tỏa sâu rộng, nhất là trong việc gắn kết và thu hút hội viên vào Hội. Còn mô hình “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của Mặt trận Tổ quốc các xã Đức Mạnh và Đắk Lao đã giúp quần chúng nhân dân nêu cao ý thức đấu tranh, tố giác tội phạm và chung sức giữ gìn bình yên cho khu dân cư. Với việc thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nói không với tội phạm và các loại tệ nạn xã hội, đội ngũ cán bộ Mặt trận đã giúp người dân hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của địa phương. Qua đó, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đã chung sức đưa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng đi vào chiều sâu.
Theo ông Xa Thành Văn, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đắk Mil thì thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có tác động tích cực đến cả hệ thống chính trị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, thời gian tới, Ban Dân vận huyện vẫn xác định là tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình “Dân vận khéo” để phong trào ngày càng thiết thực và gần gũi với nhân dân. Việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tiếp tục được phát động sâu rộng, đúng người, đúng đối tượng, phù hợp với đặc thù dân cư, mỗi ngành. Đặc biệt, Ban Dân vận huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy để Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng” sớm mang lại hiệu quả.