Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “tam nông”, nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Gia Lai đối với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về “tam nông” và Chương trình xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt.
Hiệu quả từ nhiều phong trào
Hiện nay, kinh tế nông thôn của tỉnh Gia Lai chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thị trường tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh. Đến nay, đã tạo được những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nguyên liệu chuyên canh tập trung quy mô tương đối lớn và có sức cạnh tranh cao như: Cao su, hồ tiêu, cà phê, tinh bột sắn… Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2010 đạt 6,7%, riêng năm 2010 đạt 7,7%. Các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt gần 172,45 triệu USD, tăng hơn 101 triệu USD so với năm 2008.
Kết cấu hạ tầng - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Trong 3 năm qua, 41 công trình thủy lợi đã được đầu tư, nâng tổng số công trình thủy lợi kiên cố của toàn tỉnh lên 313 công trình, trong đó có 98 hồ chứa, 176 đập dâng và 39 trạm bơm với tổng năng lực tưới thiết kế gần 48.400 ha. Giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư. Gia Lai đã xây dựng mới 124 km và nâng cấp gần 1.000 km đường giao thông, xây dựng 10 cầu bê tông cốt thép. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số thôn, buôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia, bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay rõ rệt.
Đối tượng được thụ hưởng chính của Nghị quyết là nông dân nên trong quá trình thực hiện, tỉnh đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, giáo dục-đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, nước sạch…
Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, từ 18,12% năm 2008 xuống 10,82% năm 2010 (theo tiêu chí cũ). Tỉnh đã triển khai thực hiện 07 dự án, đề án về lĩnh vực giáo dục- đào tạo; xây dựng và xóa được 634 phòng học 3 ca và phòng học tạm bợ; xây dựng 506 nhà công vụ giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, 20 công trình nước sạch phục vụ cho trên 31 nghìn nhân khẩu; mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đầu tư phát triển mạnh; số hộ có phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại tăng đáng kể …góp phần nâng cao dân trí cho người dân.
Về đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả như hợp tác xã, kinh tế hộ, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm và đạt kết quả tốt. Hộ nông dân được giao đất, giao rừng, vay vốn phục vụ sản xuất, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó vai trò tự chủ của nông dân ngày càng được thể hiện rõ nét hơn. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phát huy nhiều giải pháp đồng bộ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chủ trương, chính sách về “tam nông” vẫn còn có những hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng chưa đúng, chưa đầy đủ. Sự phối hợp trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở thiếu tính đồng bộ, cụ thể và kịp thời.
Nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế. Chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn (đặc biệt đường giao thông) chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xã hội hóa, huy động vốn còn thấp. Việc đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả triển khai chậm. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chưa thống nhất và cụ thể về công tác quy hoạch, phân bổ vốn, giải ngân, lồng ghép các chương trình trên địa bàn xã, huyện…Điều kiện sản xuất và sinh hoạt của nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn (tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn khá cao, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc); năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập. Vấn đề gắn doanh nghiệp với sử dụng lao động tại chỗ còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước như: Vấn đề đất đai, tín dụng, qũy hỗ trợ hợp tác xã, các chương trình dự án nông thôn. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Chương trình hành động số 47-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về “tam nông” đạt kết quả, Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền nội dung Nghị quyết và chương trình hành động; các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ giai đoạn 2010-2020 sâu rộng trong xã hội và đề ra những nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời với nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo việc đẩy nhanh công tác ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chính sách đã nêu trong Nghị quyết. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là phát triển hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp-nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai của các nông, lâm trường; tăng nhanh nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nghề và chuyển đổi nghề trong lao động nông thôn.
Một góc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Mặt khác, huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo nông nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc, gắn sản xuất với thị trường, tích cực phát triển công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh và sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của các mặt hành nông sản.
Huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 ngành nông nghiệp của tỉnh chiếm 33% trong cơ cấu GDP; có khoảng 24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới; thu nhập dân cư nông thôn gấp 1,3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn còn dưới 15% (theo tiêu chí mới) và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2%; 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; giải quyết việc làm cho 2,3 vạn lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%.
Nghị quyết 26-NQ/TW về “tam nông” và Chương trình xây dựng nông thôn mới là những quyết sách lớn và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo luồng sinh khí mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, sớm đưa Gia Lai trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong khu vực Tây Nguyên./.