BTĐKT - Từ đôi bàn tay trắng, khởi đầu với đàn vịt đẻ 50 con và những ngày mò cua, bắt ốc nuôi gia cầm, ông Nguyễn Văn Đường, nông dân ở tổ dân phố số 3 (thị trấn Hương Sơn, tỉnh Thái Nguyên) đã vươn lên làm chủ mô hình ấp trứng gia cầm tự động hiện đại. Với tư duy đổi mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ và xây dựng chuỗi liên kết bền vững, ông không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng con giống mà còn tạo sinh kế ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Quá khứ nhọc nhằn từ đôi bàn tay trắng
Chia sẻ về những năm đầu lập nghiệp, ông Đường nhớ lại quãng thời gian đầy nhọc nhằn khi mới xây dựng gia đình vào năm 1994. Khi ấy, tài sản quý giá nhất của ông chỉ là đàn vịt đẻ vỏn vẹn 50 con. Không có tiền mua thức ăn chăn nuôi, ông bà phải rong ruổi khắp các cánh đồng từ làng này sang làng khác để bắt cua, tép, ốc về làm thức ăn cho vịt.
Nhờ chăm sóc tỉ mỉ và chịu thương chịu khó, đàn vịt của ông đẻ đều, chất lượng trứng tốt. Thay vì ấp nở tại chỗ, ông mang toàn bộ trứng sang Bắc Giang để bán cho các lò ấp. Có hôm, ông đi khắp làng trên xóm dưới để gom đủ một chuyến trứng chất lượng, rồi lại đạp xe cả chục cây số sang Bắc Giang giao hàng. Những ngày không đi giao trứng, vợ chồng ông lại chia nhau từng mảnh đồng để mò cua, bắt ốc. Đó là quãng thời gian vất vả nhưng cũng là nền tảng hun đúc nên một người nông dân dám nghĩ, dám làm.
Bước ngoặt với quyết định mở lò ấp trứng
Nhận thấy việc kinh doanh lò ấp trứng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Bởi vậy với số tiền tiết kiệm ít ỏi, ông đã mạnh dạn mở lò ấp trứng. Không ngại khó, ông sang Bắc Giang học hỏi kỹ thuật từ các lò ấp chuyên nghiệp. Sự tận tụy và cầu thị đã giúp ông nhanh chóng nắm bắt quy trình và được người dân địa phương tin tưởng gửi trứng đến ấp thuê.

Ông Nguyễn Văn Đường (áo xanh) trò chuyện với lãnh đạo huyện Phú Bình về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Tuy nhiên, mô hình lò ấp thủ công dù mang lại thu nhập nhưng bộc lộ nhiều hạn chế: Tốn nhân công, dễ sai lệch nhiệt độ, tỷ lệ nở không cao và khó đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Một lần nữa, ông Đường quyết định đổi mới: Chuyển từ lò ấp thủ công sang hệ thống lò ấp giàn đảo tự động.
Đổi mới công nghệ - Bệ phóng cho thành công
Việc chuyển sang mô hình lò ấp tự động không chỉ giúp cơ sở của ông nâng cao tỷ lệ nở trứng, mà còn tiết kiệm thời gian và nhân lực. Để đảm bảo nguồn cung trứng ổn định, ông mạnh dạn hợp tác với các hộ nông dân trong vùng: Hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống tốt, thuốc thú y và cam kết bao tiêu toàn bộ trứng thu được. Mối liên kết này không chỉ giúp ông ổn định sản xuất mà còn giúp nhiều hộ nông dân trong vùng cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Không dừng lại ở đó, năm 2021, ông Đường đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi hiện đại trên diện tích hơn 20.000 m² với quy mô hơn 10.000 con gà bố mẹ. Cùng với việc mở rộng quy mô, ông tiếp tục nâng cấp hệ thống máy ấp lên thế hệ mới, có khả năng kiểm soát chính xác nhiệt độ, độ ẩm, tự động đảo trứng, thậm chí điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh.
“Trước đây làm thủ công rất vất vả, năng suất thấp. Giờ có công nghệ, công việc nhẹ nhàng hơn, chất lượng con giống đảm bảo và tỷ lệ trứng nở đúng ngày có thể đạt tới 99%. Uy tín của mình với khách hàng vì thế mà được giữ vững,” ông Đường chia sẻ.
Mô hình hiệu quả - Lan tỏa lợi ích cộng đồng
Hiện nay, cơ sở của ông Đường vận hành 13 lò ấp trứng tự động với công suất cung cấp khoảng 200.000 gà con mỗi năm ra thị trường. Nhờ tự động hóa cao, toàn bộ hệ thống chỉ cần 2 công nhân vận hành. Bên cạnh đó, mô hình của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đường còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ dân khác có nhu cầu đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo nên một cộng đồng sản xuất liên kết bền vững, hiệu quả.
Trong khu vực đặt các lò ấp trứng, ông Đường giới thiệu chiếc lò ấp tự động mới nhất - sản phẩm hợp tác giữa ông và một nhóm kỹ sư, nhà khoa học trong nước. Ông trăn trở: Máy nhập khẩu từ Trung Quốc tốt nhưng giá cao, sửa chữa thì khó khăn. Kỹ sư Việt Nam rất giỏi, tại sao mình không tự làm.
Từ trăn trở đó, cùng với sự động viên, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ông Đường đã phối hợp với các kỹ sư hàng đầu để nghiên cứu chế tạo lò ấp tự động “made in Vietnam”. Ông hy vọng, trong tương lai gần, người nông dân Việt sẽ làm chủ được công nghệ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và tự chủ.
Với những đóng góp thiết thực và hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đường đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu Nông dân xuất sắc toàn quốc. Những phần thưởng cao quý ấy không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là sự ghi nhận cho nỗ lực đổi mới không ngừng của một người nông dân dám nghĩ, dám làm và dám đổi thay vì tương lai nông nghiệp Việt Nam.
Tùng Chi