Ngày 19.12, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-C.Tr/T.U Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị “Tổng kết quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 - 2011 tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ” và bàn phương hướng, kế hoạch xây dựng 19 xã điểm trên địa bàn toàn TP.
Đổi thay toàn diện
Thụy Hương nằm cách trung tâm TP. Hà Nội 20km về phía Tây Nam với tổng diện tích đất tự nhiên 519,39ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 394,62ha, đất phi nông nghiệp 124,77ha.
Bộ mặt nông thôn ở Hà Nội đang ngày càng đổi thay (ảnh chụp xã ngoại thành thuộc huyện Mê Linh).
Toàn xã có 7 thôn với 1.839 hộ, 7.926 khẩu và 4.352 lao động chiếm 55% tổng dân số. Trong đó lao động nông nghiệp 2.039 lao động (46,8%); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 1.480 lao động (34%); thương mại - dịch vụ - hành chính sự nghiệp 835 lao động (19,2%).
Theo ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Quản lý mô hình xây dựng NTM xã Thụy Hương, trước khi bước vào thực hiện xây dựng NTM, Thụy Hương là xã trung bình khá của huyện, có kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, chiếm tỷ trọng 44%. Tổng thu ngân sách xã năm 2008 đạt hơn 10 tỷ đồng.
Đời sống nhân dân ở Thụy Hương vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9,1 triệu đồng/năm, đặc biệt toàn xã còn đến 261 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 14,19% tổng số hộ toàn xã. Thế nhưng, đến nay bộ mặt nông thôn xã Thụy Hương đã có nhiều thay đổi căn bản, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, vệ sinh môi trường có nhiều tiến bộ, sản xuất phát triển với tốc độ nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Ông Học cho biết thêm: “Năm 2009, khi xây dựng mô hình thí điểm NTM, xã Thụy Hương chỉ có duy nhất 1 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại đạt ở mức độ thấp. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm triển khai chương trình, Thụy Hương đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm là 23%, thu nhập bình quân đầu người đạt tới 21 triệu đồng/năm, tăng hơn 2,12 lần so với năm 2009. Cả xã cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,98% xuống còn 4%. Tới nay, xã đã đạt được 18 tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là cơ cấu lao động”.
Huy động mọi nguồn lực
Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM, Thụy Hương đã được đầu tư tới gần 66 tỷ đồng trên tổng số hơn 128 tỷ đồng đã được phê duyệt. Trong đó, riêng ngân sách thành phố chi 41,6 tỷ đồng, ngân sách huyện 11,5 tỷ đồng, huy động dân đóng góp 7,1 tỷ đồng, doanh nghiệp tham gia 3 tỷ đồng. Hiện tại, Thụy Hương đã giải ngân được trên 59 tỷ đồng, đạt 89,7% so với kế hoạch.
Xã Thụy Hương đã trở thành điểm, nơi tham quan học tập của các đơn vị trong và ngoài Hà Nội về xây dựng NTM. Nhiều lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư đã về làm việc và chỉ đạo, 7 lần Thường trực Thành ủy về làm việc, kiểm tra...
Theo UBND xã Thụy Hương, giải pháp huy động nguồn vốn này được xác định là dựa vào các khoản thu từ đất. Trong đó, chủ yếu là từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng tới thời điểm này sau hơn 2 năm, xã vẫn chưa thực hiện được do bất cập về thủ tục hành chính.
Mặc dù nguồn vốn đóng góp của nhân dân đã được địa phương vận động người dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức như: Đóng góp tiền của, công sức, hiến đất đai, công trình, vật tư để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; hỗ trợ nhau phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tuy nhiên, do đời sống nhân dân còn khó khăn, nên mức đóng góp mới đạt 49,3% so với yêu cầu.
Đối với nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào xây dựng chợ nông thôn; điện nông thôn; cụm điểm công nghiệp làng nghề, các dự án sản xuất… đến nay đạt rất thấp (17,9%). Toàn bộ các công trình khác, đều chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp, do chợ nông thôn đã xây dựng xong, nhưng chưa đưa vào hoạt động, cụm điểm công nghiệp triển khai chậm; việc đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao nên doanh nghiệp còn cầm chừng, chưa mặn mà.
Kinh nghiệm cho toàn thành phố
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-C.Tr/T.U, qua chỉ đạo thành công mô hình thí điểm xây dựng NTM tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, BCĐTP đã rút ra kinh nghiệm chỉ đạo các xã trên địa bàn thành phố thuận lợi hơn. Ngoài mô hình điểm của T.Ư, Hà Nội đã chọn 3 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố và 15 xã làm điểm của 15 huyện, thị xã.
Ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: “Sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện, đến nay xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) từ chỗ chỉ có 2 tiêu chí đạt nay đã đạt 16 tiêu chí. Xã Mai Đình (Sóc Sơn) từ 1 tiêu chí đạt, nay đã có 13 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Xã Đại Áng (Thanh Trì) từ xã có 4 tiêu chí đạt nay đã có 12 tiêu chí đạt.
Đối với 15 xã điểm còn lại của các huyện, thị xã, sau khoảng 1 năm thực hiện, đến nay có 11 xã đạt hoặc cơ bản đạt 10 - 13 tiêu chí, chỉ còn 4 xã đạt hoặc cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí”.
Cũng theo ông Cương: “Song song với việc triển khai của thành phố, các huyện, thị xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về xây dựng NTM; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc BCĐ của huyện, thị xã. Chỉ đạo các xã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trên cơ sở đó, các huyện, thị xã đã lập đề án chung của huyện và đề án của các xã. Các xã và chi bộ thôn, xóm đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM”.
Đến nay, đã có 19/19 huyện, thị xã đã triển khai thực hiện việc khảo sát, lập đề án của huyện. Trong đó, 15/19 huyện đã lập xong đề án. Bên cạnh đó, có 325 xã đã lập xong đề án xây dựng NTM của xã, trong đó 125 xã đã được phê duyệt. Có 295 xã triển khai lập quy hoạch xã NTM, trong đó 63 xã đã được phê duyệt.
Trong thời gian vừa qua, Hà Nội cũng đã mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của 19 huyện, thị xã, 400 xã và 137 thôn của 19 xã điểm với 228 cán bộ huyện; 5.200 cán bộ xã; 1.370 cán bộ thôn tham gia.
Phó Bí thư Thành ủy, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-C.Tr/T.U Nguyễn Công Soái cho biết: “Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố đã tổ chức phát động Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Đến nay đã có 38 doanh nghiệp tham gia ủng hộ Chương trình xây dựng NTM của thành phố với tổng kinh phí 213 tỷ đồng”.
Tiếp sau hoạt động của thành phố, có 9 huyện, thị tổ chức phát động Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” bước đầu các doanh nghiệp tham gia ủng hộ gần 100 tỷ đồng.
Cũng theo ông Soái: “Trong xây dựng NTM cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nhất là sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể chính trị để nhân dân và đoàn viên, hội viên hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ trong xây dựng NTM. Đồng thời, phát huy dân chủ trong tất cả các khâu để người dân thực sự là chủ - làm chủ - quyết định - hưởng thụ”.
Người dân nhận thức rõ hơn về nông thôn mới
Trong xây dựng NTM ở Hà Nội, điều quan trọng là ở hầu hết các xã điểm nhận thức của nhân dân về NTM đã được nâng cao. Các hình thức tổ chức sản xuất đã được đổi mới, một số xã có HTX chuyển đổi và thành lập mới thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá nông sản, tăng dịch vụ ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và an sinh xã hội được đầu tư đồng bộ, nâng cấp các tuyến đường giao thông cấp xã, đường nội đồng, hệ thống đường điện, trạm biến áp phục vụ nông thôn được tăng cường. Kênh mương hóa nội đồng được đầu tư phục vụ sản xuất; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng nông sản; việc cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã được chú trọng đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin liên lạc được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, mạng lưới y tế nông thôn phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng hoàn chỉnh; các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí được đầu tư đồng bộ, các xã điểm NTM đều có mạng lưới bưu chính viễn thông.
Lê Thiết Cương (Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)
|