Nhà nông trẻ giúp thanh niên làm giàu

 9990 lượt xem
Anh Trần Văn Bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi ở xã An Dương (huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại và thành lập hợp tác xã chăn nuôi có tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Anh còn tận tình giúp đỡ nhiều thanh niên vươn lên làm giàu. 

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Ông chủ 33 tuổi chia sẻ, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh không đi xin việc ở thành phố mà quyết định về quê lập nghiệp. Đúng lúc đó, xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp sang làm kinh tế trang trại.

Anh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh xoay xở khắp nơi, đi vay vốn bạn bè và người thân để có tiền xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà.
 

Từ khi tham gia hợp tác xã chăn nuôi, anh Đoàn Văn Tuấn có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
 “Thời điểm bấy giờ, tôi là người đầu tiên trong xã nuôi gà với quy mô lớn. Vốn ít, kinh nghiệm lại không có, nhiều lúc tôi cũng thấy lo. Nhưng vì muốn phát triển kinh tế gia đình và giúp bà con có thêm hướng làm giàu mới nên tôi quyết tâm làm bằng được”, anh Bộ nói.
 
Lứa gà đầu tiên xuất chuồng, trừ mọi chi phí, anh bắt đầu có lãi. Anh đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô trang trại, tăng số lượng đàn gà nuôi lên hàng nghìn con và kết hợp nuôi lợn.
Thế nhưng nghiệp làm trang trại cũng chẳng dễ dàng gì. Năm 2000, đàn gà của anh bị nhiễm dịch bệnh chết hàng loạt, toàn bộ số vốn đầu tư bị mất trắng, thua lỗ gần 50 triệu đồng.
 
Không nản lòng, anh thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại. Việc phòng trừ dịch bệnh được anh tiến hành cẩn thận và bài bản. Doanh thu trang trại của anh năm sau luôn cao hơn năm trước.
 
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy việc sản xuất ở địa phương còn manh mún, hiệu quả kinh tế không cao, anh  đã nảy ra sáng kiến quy tụ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành lập Hợp tác xã chăn nuôi với tổng số vốn ban đầu là 150 triệu đồng. Đó là thời điểm năm 2003.
 
Có thêm vốn, anh cùng với các hội viên đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Mới đầu chỉ có 7 gia đình tham gia. Một thời gian ngắn sau đó, số hội viên tăng lên 12 người.
 
Sau khi tham gia hợp tác xã, tất cả các thành viên đều làm ăn có lãi. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng doanh thu của hợp tác xã là gần 20 tỷ đồng.
 
Giúp thanh niên làm giàu

Anh Trần Văn Bộ cho biết thêm, thấy kinh tế trang trại mang lại giá trị cao, nhiều thanh niên ở trong và ngoài xã cũng học theo.
 
Nhưng phần lớn các trang trại này có quy mô nhỏ lẻ, cách tổ chức sản xuất không bài bản, khoa học nên không phát huy được ưu thế của loại hình kinh tế trang trại.
 
Anh Trần Văn Bộ.
 
Thấy vậy, anh không chỉ tận tình hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cách xây dựng chuồng trại mà còn vận động mọi người tham gia hợp tác xã cùng nhau làm giàu. Các hội viên trong hợp tác xã chủ yếu ở độ tuổi thanh niên.
 
Không ít các bạn trẻ đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ khi gia nhập hợp tác xã của anh.
 
Anh Đào Văn Tuấn, 36 tuổi ở xã An Dương là một trường hợp như vậy.
 
Trước khi trở thành hội viên của hợp tác xã, kinh tế gia đình anh chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nuôi vài con lợn nên gặp không ít khó khăn.
 
Năm 2007, anh tham gia hợp tác xã. Có thêm vốn, lại được hỗ trợ về thức ăn chăn nuôi nên anh đã mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang làm trang trại với quy mô lớn.
 
Anh tiến hành dồn điền đổi thửa, đào ao thả cá bên dưới và xây dựng chuồng trại nuôi lợn bên trên theo quy trình công nghiệp.
 
Mỗi năm gia đình anh xuất chuồng hàng chục tấn lợn. Riêng năm 2010, anh bán ra thị trường hơn 27 tấn lợn, thu về hơn 1,2 tỷ đồng, chưa kể tiền bán cá.
 
Trong số các hội viên của hợp tác xã, gia đình chăn nuôi ít có thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm, gia đình làm nhiều lên đến hàng tỷ đồng.
 
Với những thành tích nổi bật trên, anh Trần Văn Bộ đã được trao giải thưởng Lương Đình Của - phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành trao tặng hàng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới...
 
 
Ý kiến của bạn