Hà Nội: Đồng thuận, nỗ lực xây dựng nông thôn mới

 9357 lượt xem
Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, Hà Nội đã lựa chọn 19 xã điểm, trong đó có 1 xã làm thí điểm của Trung ương ở Thụy Hương (huyện Chương Mỹ); 3 xã làm điểm của TP là Song Phượng (huyện Đan Phượng), Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Đại Áng (huyện Thanh Trì) và 15 xã điểm của huyện, thị xã. Qua hai năm tập trung, quyết liệt thực hiện, phong trào xây dựng NTM ở Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực thu được những thắng lợi rất khả quan. 

Nông thôn mới đã mới

Ngay khi có chủ trương xây dựng NTM, Hà Nội đã nhanh chóng thành lập BCĐ chương trình của TP và BCĐ của 19 huyện, thị xã để tập trung chỉ đạo 19 xã điểm khảo sát, lập đề án xây dựng NTM, trình UBND TP. Đồng thời BCĐ TP chỉ đạo 19 xã điểm tập trung nguồn lực, nhân lực thực hiện đề án theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước cũng như những cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng trong thực hiện xây dựng NTM. BQL, BCĐ xây dựng NTM của 19 xã điểm đã tập trung tổ chức nhân dân thực hiện đề án theo quyết định được cấp thẩm quyền phê duyệt. Để từng bước nâng cao năng lực chuyên môn về xây dựng NTM, BCĐ TP đã mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của 19 huyện, thị xã, 400 xã và 137 thôn của 19 xã điểm. Đồng thời, tổ chức 12 đoàn cán bộ đi trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở trong và ngoài nước. Qua hai năm, ngân sách các cấp đã đầu tư vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu của TP và chương trình lồng ghép mỗi năm từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng cùng các nguồn lực huy động khác đầu tư xây dựng NTM rất hiệu quả. Đến nay, một số nội dung về xây dựng NTM như: Dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất, làm đường giao thông nông thôn, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường đã được cải thiện đáng kể. 
 
 
Đường làng, ngõ xóm tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã được cải tạo sạch đẹp.
 
Sau hai năm thực hiện, xã Thụy Hương đã có 18/19 tiêu chí đạt, chỉ còn 1 tiêu chí cơ cấu lao động chưa đạt. Chậm hơn Thụy Hương một năm, xã Song Phượng, đã đạt 16/19 tiêu chí, xã Mai Đình đã có 13/19 tiêu chí đạt, xã Đại Áng đã có 12/19 tiêu chí đạt. Đối với 15 xã điểm của các huyện, thị xã, có 11 xã đạt 10 - 13 tiêu chí, chỉ còn 4 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Ngoài việc chỉ đạo làm điểm, Hà Nội đã triển khai toàn TP về xây dựng NTM Hà Nội giai đoạn 2010-2020, kết quả đang tiến triển tốt. Các huyện, thị xã đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; thành lập BCĐ, tổ công tác giúp việc BCĐ. Có 19/19 huyện, thị xã đã triển khai thực hiện việc khảo sát, lập đề án của huyện. Trong đó, 15/19 huyện đã lập xong đề án và duyệt đề án, 325 xã đã lập xong đề án của xã, 125 xã đã được phê duyệt.
 
Hà Nội rút ra một số bài học đó là: Nhiệm vụ xây dựng NTM cần kinh phí lớn, trong khi đó các nguồn kinh phí chưa đáp ứng, cần có sự kết hợp hài hòa huy động các nguồn lực. Xây dựng NTM gồm nhiều nội dung, mục tiêu lại là việc mới, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, của các cấp các ngành. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho NTM trong một thời gian dài. Cơ cấu các nguồn vốn cần bố trí cân đối, hợp lý, nhất là việc đầu tư cho quy hoạch, xây dựng hạ tầng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời cần có chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM cần coi trọng công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể chính trị để nhân dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng NTM. Phát huy dân chủ trong tất cả các khâu để người dân thực sự làm chủ, quyết định và hưởng thụ mà tự giác, tích cực tham gia. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, dân phải bàn bạc, thống nhất trước khi thuê tư vấn hoàn tất. Tập trung dồn điền đổi thửa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, kêu gọi các DN cùng nông dân tổ chức sản xuất tiêu thụ nông sản, ưu tiên DN đầu tư vào lĩnh vực "tam nông".
 
Đề nghị chỉnh sửa một số tiêu chí
 
Quá trình triển khai ở Hà Nội một số địa phương làm rất chậm, kết quả chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân do một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM; còn trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo; quá chú trọng vào các dự án xây dựng cơ bản mà không tập trung cho các dự án sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Một số xã cán bộ năng lực yếu, chưa khai thác tốt nguồn lực địa phương. Nhiều dự án dựa vào các đơn vị tư vấn, nhà thầu, sự vào cuộc của cán bộ và nhân dân ở thôn, xã còn hạn chế. Thủ tục thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất còn phức tạp nên không huy động được nguồn lực tại chỗ…
 
Thực tế triển khai tại Hà Nội cũng cho thấy nhiều tiêu chí chưa phù hợp, đề nghị Trung ương xem xét: Các tiêu chí về hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục) nên quy định khung và giao quyền cho cấp tỉnh, TP quyết định cho phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực của địa phương. Tiêu chí về thu nhập quy định xã NTM phải cao gấp 1,5 lần bình quân chung của tỉnh, TP là chưa phù hợp, vì các xã khác cũng phải xây dựng NTM, nên quy định có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm gấp 1,5 lần so với trước khi xây dựng NTM là phù hợp. Tiêu chí giảm hộ nghèo và cơ cấu lao động nên quy định khung và có lộ trình phù hợp với thực tế nông thôn. Ngoài ra, không nhất thiết một xã phải có một chợ vì thực tế hai hay nhiều xã có một chợ vẫn bảo đảm phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Tiêu chí làng văn hóa yêu cầu xã có 70 % số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa rất khó thực hiện.
 
Tiến sĩ Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo NTM TP Hà Nội. 
 
 
Ý kiến của bạn