Xác định quy hoạch vùng sản xuất tập trung là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng vật nuôi mới vào sản xuất... góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay toàn tỉnh có 18 vùng sản xuất lúa hàng hóa, 35 vùng sản xuất khoai tây, 36 vùng sản xuất rau xanh, 7 vùng sản xuất hoa cây cảnh; 165 vùng nuôi trồng thủy sản có diện tích từ 10 ha trở lên và 2.477 trang trại. Các vùng sản xuất tập trung được hình thành, tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an ninh lương thực.
Năm 2011, các giống lúa lai, lúa chất lượng cao chiếm hơn 60% diện tích gieo trồng toàn tỉnh, tăng hơn 4.000 ha so với năm 2010, góp phần đưa năng suất đạt 64,5 tạ/ha, tăng 3,2 tạ/ ha so với năm 2010. Diện tích trồng lúa được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch chiếm gần 80%. Từ đó góp phần đưa giá trị kinh tế đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Toàn tỉnh hiện có 1.274 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài, Yên Phong,… Việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi công nghiệp an toàn sinh học.
Trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã hình thành 165 vùng sản xuất tập trung với 455 trang trại. Khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất từ khâu giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi thả, phòng trừ dịch bệnh... đưa năng suất cá nuôi bình quân tăng từ 3,99 tấn/ha năm 2006 lên gần 5,5 tấn/ha năm 2010, giá trị sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 290 tỷ đồng, tăng 23,6 tỷ đồng so với năm 2006.
Nhiều giống thủy sản đặc sản mới được đưa vào sản xuất thử nghiệm (ếch Thái Lan, Ba ba gai...) cho thu nhập cao đã mở ra hướng đi mới cho các nông hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh. Kỹ thuật luân canh cá – lúa cũng đã đưa giá trị sản xuất bình quân cao gấp 1,3-1,5 lần so với độc canh cây lúa.