Hướng đi đúng của dân làng Chan

 9637 lượt xem
Từ một làng đồng bào dân tộc Gia Rai lạc hậu, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của những người lính "Cụ Hồ", đến nay làng Chan, thuộc xã biên giới Ia Pnôn, huyện Ðức Cơ (Gia Lai) đã trở nên giàu có, sung túc... 

Ngôi nhà khang trang của Rơ Lan Diên - một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi của công ty.  

Đến nhà ông Rơ Mah Bơn gặp lúc ông đang ở nhà xem vô tuyến. Căn nhà xây không to, nhưng khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ. Trong nhà đầy đủ những vật dụng sinh hoạt như vô tuyến, xe máy, tủ lạnh, máy giặt và cả giàn máy vi tính "xịn"; bên ngoài sân, một chiếc máy cày ông mới mua 120 triệu đồng... những tài sản ấy không phải gia đình nào cũng có. Ông Bơn pha nước mời khách rồi nhẩn nha kể chuyện làng Chan ngày xưa...

Ông Bơn kể: Ngày đó, người Gia Rai ở làng Chan khổ lắm, ruộng nước chưa có, quanh năm chỉ biết đốt rừng để làm lúa rẫy, trồng khoai, trồng mì; mỗi năm một mùa, năm được năm mất, tất cả đều trông vào...  (trời); năm nào Giàng thương thì còn có cái để ăn, năm nào mất mùa thì lại du canh du cư, lại phát đốt, lại đi theo cái vòng đói khổ! Rồi thì đau ốm bệnh tật, trẻ con chẳng mấy đứa được đi học bởi trường học ở xa, mà nếu gần thì cũng còn phải theo cha mẹ vào rừng kiếm cái ăn nữa chứ!
 
Năm 1985, bộ đội của Công ty 72 về phát dọn đất hoang để trồng lứa cao-su đầu tiên. Bộ đội cùng chính quyền xã vận động mãi mới có 96 người đăng ký vào làm công nhân, khai hoang, đào hố trồng cao-su, vừa làm vừa học. Thời gian này, công ty cung cấp cho đồng bào gạo ăn hằng tháng, chăm lo về y tế, vận động con em đến trường... Ngày ấy, với người Gia Rai ở làng Chan, cây cao-su còn là một thứ cây hết sức xa lạ, đồng bào chưa nghe, chưa thấy bao giờ; lại nghe cán bộ nói phải bảy năm sau thì cao-su mới cho thu hoạch cho nên nhiều người tỏ ra nghi ngại. Có nhiều người đã bỏ công ty, quay về nhà làm rẫy, không ít người vào tận rừng sâu đào đãi vàng... Thời điểm khó khăn nhất là vào những năm 1988-1989, lúc ấy cả làng còn 23 người ở lại trồng cao-su với công ty. Với suy nghĩ không thể để cho dân làng mình cứ đói khổ mãi, ông Rơ Mah Bơn, một mình, len lỏi vào tận rừng sâu, nơi dân làng đang đào đãi vàng để gọi họ trở về... Nghe lời ông vận động, họ quay về  làng, được công ty bố trí vào làm công nhân cao-su. Thời gian đầu  còn khó khăn, nhưng không lo cái đói, bởi công ty đã lo đủ lương thực cho đồng bào. Mọi người bắt đầu làm quen với công việc mới...
 
Ðội trưởng Ðội 711 (Công ty 72) Vũ Hà Thiết, cho biết: Toàn đội có 141 hộ công nhân thì  có 134 hộ, với 139 lao động là người làng Chan. Ðội luôn phối hợp với làng, với xã và bộ phận chuyên môn để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cao-su. Nhờ nắm vững kỹ thuật, đời sống công nhân cơ bản ổn định với mức lương bình quân bốn triệu đồng/tháng. Người dân làng Chan đã yên tâm gắn bó với cây cao-su, tin tưởng vào Ðội, vào công ty rồi. Trong làng hầu hết đã có nhà xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Người ốm thì được khám, điều trị miễn phí ở Trung tâm Y tế địa phương,  được cấp thuốc chứ không  phải đi tìm thầy cúng; trẻ con đến tuổi đều được đi học; 100% số gia đình đều có  vô tuyến, nhà nào ít thì hai xe máy. Anh Thiết cho biết thêm: Không chỉ biết làm giàu mà nhiều người, nhất là lớp thanh niên còn trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi. Siu Nel, Rơ Lan Diên... là một trong những thí dụ đó. Vào làm công nhân ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, hiện gia đình Siu Nel nhận khoán ba ha cao-su đang thời kỳ khai thác. Anh phấn khởi cho biết: Lương bình quân anh nhận bốn triệu đồng/tháng, có năm anh được đơn vị thưởng 12 triệu đồng vì vượt sản phẩm. Những lúc rảnh, anh giúp vợ chăm sóc 800 cây  cao-su tiểu điền, hai ha mì. Anh khoe: "Cuối năm ngoái, vợ chồng tôi xây được căn nhà gần 200 triệu đồng". Rơ Lan Diên, sinh năm 1985 ở làng Chan, vào làm công nhân  cao-su năm 2005, anh nhận ba ha chăm sóc, giờ vườn cây đã cho khai thác, lương bình quân hằng tháng đạt 4,5 triệu đồng. Năm 2009, anh  Diên được công nhận là "Bàn tay vàng" cấp công ty; năm 2010, tổng cộng cả tiền lương, tiền vượt khoán, thưởng Tết... anh nhận được 32 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng còn làm thêm một ha mì (sắn), được đội giúp về kỹ thuật trồng 1,8 ha cao-su tiểu điền, 250 gốc cà-phê, 100 gốc tiêu thu nhập bình quân 100 triệu đồng... Nhiều năm liền, Rơ Lan Diên được bầu là "Chiến sĩ thi đua" cấp công ty và hiện là Phó Bí thư Chi đoàn Ðội 711.
 
Ông Rơ Mah Bơn phấn khởi khoe: "Nhà tôi hiện có đến  sáu người con làm công nhân   cao-su, một cháu hiện là Ðội phó đội 711. Làng Chan bây giờ, không còn hộ nào thuộc diện đói nghèo, mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây cao-su. Người Gia Rai ở làng Chan đã chọn đúng con đường đi của mình rồi!". Với người ở làng Chan, quá khứ nghèo đói giờ chỉ còn là kỷ niệm. Hiện tại họ đang có cuộc sống sung túc từ sự lao động miệt mài bên những vườn cao-su xanh tốt.
 
 
Ý kiến của bạn