Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Thưa các Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thưa các vị khách quốc tế,
Thưa các đại biểu, các đồng chí và các bạn,
Hôm nay, chúng ta mở đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang phấn đấu lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào thiên niên kỷ mới.
Là Đại hội đầu tiên từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đại hội thi đua toàn quốc lần này tiếp nối truyền thống của Đại hội thi đua toàn quốc các lần trước, tổng kết phong trào thi đua 15 năm qua, biểu dương những tập thể và cá nhân tiên tiến, đề ra nhiệm vụ của phong trào thi đua trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thay mặt ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng:
Các đơn vị anh hùng, các anh hùng và chiến sỹ thi đua, các tập thể và cá nhân tiên tiến trong phong trào thi đua của nhân dân cả nước ta;
Các vị đại biểu quốc tế, những người đã không ngừng vun đắp tình hữu nghị đoàn kết và hợp tác quốc tế với nhân dân Việt Nam;
Các vị đại biểu ngành, các đoàn thể, các địa phương; các phóng viên thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài.
Tôi xin thay mặt Đại hội gửi lời chào thân ái đến đồng bào và chiến sỹ đang sản xuất, công tác, học tập và chiến đấu trên các lĩnh vực hoạt động ở khắp mọi miền của tổ quốc và đồng bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Chúc đồng bào và chiến sỹ giương cao ngọn cờ yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thưa Đại hội,
Cuộc vận động thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1948 đã nhanh chóng phát triển thành phong trào toàn dân, toàn diện, sâu rộng và liên tục trong nhiều thập kỷ, xứng đáng là một nét son truyền thống cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Từ Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ V (năm 1986) đến Đại hội lần này là 15 năm đất nước ta, dân tộc ta tiến hành công cuộc đổi mới theo đường lối của Đảng.
Cuộc đổi mới bắt đầu từ nguyện vọng, lợi ích và sự tìm tòi khai phá cái mới của nhiều lao động, quản lý, người nghiên cứu, người lãnh đạo các cấp. Đã liên tục xuất hiện những con người, những đơn vị, những địa phương giàu ý chí cách mạng, năng động và sáng tạo, tìm ra cách làm ăn mới, vượt khó khăn vướng mắc, phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực nhất là trên mặt trận kinh tế. Những điển hình tiên tiến mang tính đột phá đó được nhân dân hưởng ứng, được Đảng và Nhà nước cổ vũ, từng bước tổng kết thành đường lối, chính sách và nhân rộng thành phong trào đổi mới có tính cách mạng của nhân dân. Chính là từ trong cuộc đổi mới của nhân dân, do dân và vì dân có sự lãnh đạo của Đảng mà truyền thống thi đua yêu nước trỗi dậy mạnh mẽ, góp phần đưa tới những thành tựu to lớn và quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của nước ta.
Qua 15 năm, chúng ta đã thành công bước đầu trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao được thế và lực hơn hẳn trước, tổng sản phẩm trong nước tăng gấp 2.6 lần, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế có biến chuyển mới; giáo dục, khoa học, văn hóa và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đảm bảo xã hội có bước phát triển; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng, an ninh và sự ổn định chính trị, xã hội được củng cố; khả năng độc lập tự chủ được tăng cường, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mặc dù công tác tổ chức vận động thi đua trong thời gian qua có phần chậm đổi mới, không theo kịp chuyển biến trong xã hội, song những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt xuất hiện ngày càng đông đảo, đa dạng, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước và sức sống của dân tộc ta. Mặt khác chúng ta thẳng thắn nhìn nhận đời sống xã hội hiện nay còn nhiều hiện tượng tiêu cực, trì trệ; trong bộ máy Nhà nước, bệnh quan liêu và tệ tham nhũng còn nặng, cùng với việc nêu gương và phát triển những nhân tố tốt đẹp, phải đấu tranh đây lùi, đi tới loại trừ những tệ nạn xấu xa. Trong hai mặt đó, mặt quan trọng và chủ yếu là phát hiện, tổng kết, biểu dương những nhân tố mới, con người mới; từ đó tạo ra sức đề kháng chống cái xấu, đẩy lùi những biểu hiện lạc hậu, tiêu cực.
Theo tinh thần ấy, năm nay các ngành, các cấp trong cả nước đã mở hội nghị tổng kết thi đua, biểu dương, khen thưởng thành tích trong thời kỳ đổi mới.
Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới cho 193 đơn vị, 100 cá nhân; trong đó, số đơn vị và cá nhân hoạt động trong lâm, ngư nghiệp là 32% trong công nghiệp là 15%, xây dựng 12%, giáo dục 11%, y tế 10%, giao thông và bưu điện 9,5%, thương mại và du lịch 3%, văn hóa, thông tin 2,7%, tài chính ngân hàng 2%, lao động – thương binh – xã hội 2%; có 1 doanh nghiệp và 5 cá nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân được phong Anh hùng.
Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được phong tặng cho 148 đơn vị, 28 cá nhân. Do công cuộc bảo vệ anh ninh, quốc phòng 15 năm qua diễn ra trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, trên 76% đơn vị và cá nhân Anh hùng được phong tặng trong thời kỳ này thuộc lực lượng Công an, 24% thuộc lực lượng quân đội.
Trong tổng số 128 cá nhân Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang, có 20 công nhân, nông dân, 28 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, 61 cán bộ quản lý, 19 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Có 19 nữ anh hùng và 6 Anh hùng là người dân tộc thiểu số.
Tổng số chiến sỹ thi đua toàn quốc được tuyên dương trong dịp này là 1177 người, trong đó có 250 nữ.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương các anh hùng, chiến sỹ thi đua cả nước, những người có mặt tại Đại hội hôm nay cũng như những điển hình tiên tiến của các ngành, các địa phương trên mọi lĩnh vực, mọi miền đất nước và ở nước ngoài.
Trong khi cùng nhau họp mặt tại Đại hội này và tuyên dương thành tích thi đua, chúng ta cùng ghi nhớ lời Bác Hồ nói năm 1968: “Anh hùng, chiến sỹ thi đua, những người được Đảng và Nhà nước tuyên dương là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc… Nhưng dẫu sao, số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, dũng sỹ, chiến sỹ thi đua, được tặng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.”
Trong truyền thống thi đua yêu nước của Việt Nam, nhân dân là nền tảng tạo nên thành tích của Anh hùng, chiến sỹ thi đua và điển hình tiên tiến. Chúng ta ghi lòng tạc dạ vai trò và công lao vĩ đại của nhân dân, tấm gương của biết bao người đã và đang lao động, công tác và chiến đấu đầy khí phách anh hùng, vượt qua bao khó khăn, thử thách trên các mặt trận, có danh và vô danh, hữu thanh và trầm lặng.
Từ sự nhìn nhận nền tảng nhân dân của phong trào thi đua, Bác Hồ yêu cầu có những phần thưởng bằng nhiều hình thức để khuyến khích mọi người hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Trong thực tế đời sống xã hội nước ta, từ nhiều năm nay, nhất là từ khi đổi mới, ngoài hình thức khen thưởng của Nhà nước, còn có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng cụ thể và phong phú do các tổ chức xã hội và quần chúng thực hiện, phù hợp với từng lĩnh vực. Trong việc này, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác có vai trò quan trọng. Việc xếp hạng những sản phẩm và doanh nghiệp đạt chất lượng cao nhất, được người tiêu dùng ưa thích, việc tổ chức thi thợ giỏi, việc bình chọn nông dân sản xuất giỏi ở từng địa phương, các giải thưởng về khoa học, về văn học nghệ thuật, việc nêu gương và khen thưởng những học sinh vượt khó, những con ngoan, trò giỏi, các huy chương giành được qua thi đấu thể thao trong nước và quốc tế v.v… , đó là một trong những nhiều hình thức khen thưởng sinh động mang tinh quần chúng rộng rãi, có tác dụng động viên kịp thời ở mọi nơi, mọi lúc, rất cần được khuyến khích và hướng dẫn.
Thưa Đại hội,
Những điển hình tiên tiến, người tốt là những tấm gương giàu sức giáo dục và lôi cuốn mọi người vươn lên, góp phần xây dựng con người mới, lối sống mới trên đất nước ta.
Đại hội sẽ giành thời gian trực tiếp nghe báo cáo của một số đơn vị và cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đây là những điển hình tiêu biểu, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ trong tổng số đại biểu dự Đại hội. Càng là rất nhỏ so với những tấm gương thi đua trên cả nước ta.
Việc nêu gương và phổ biến kinh nghiệm thi đua không thể chỉ thực hiện ở diễn đàn các đại hội, mà đã và đang được biên soạn và xuất bản trên báo chí và thành sách, theo cách mà Bác Hồ đề ra.
Sau đây tôi xin nêu một số điểm nhằm gợi ý về bài học có thể rút ra từ những điển hình tiên tiến, có ý nghĩa phổ biến mà mọi người, mọi đơn vị có thể học tập và vận dụng phù hợp với điều kiện của mình.
Điểm nổi bật thứ nhất của các điển hình tiên tiến là: Đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có cống hiến nổi bật với những thành tích cụ thể trong sản xuất, công tác, chiến đấu.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi trước hết ở mỗi tập thể, mỗi người lao động năng suất, chất lượng, hiệu quả, cống hiến tùy theo công việc của mình. Xuất phát từ khẩu hiệu: “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều” đề ra trong lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ năm 1948, ngày nay năng suất, chất lượng, hiệu quả là căn cứ để đánh giá thành tích thi đua cao hay thấp, không chỉ trong hoạt động kinh tế mà ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào.
Nhờ thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã đạt sản lượng 2 triệu tấn thóc 1 năm, 6 tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa đạt 1 triệu tấn thóc, góp phần quyết định đưa đất nước ta lên vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Tại Đại hội này chúng ta gặp mặt những người tiêu biểu cho những hộ nông dân sản xuất giỏi, các trang trại thành đạt, như bác Quàng Văn Một, dân tộc Khơ Mú, huyện Sông mã, tỉnh Sơn La, Bác Nguyễn Văn Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội,…, các hợp tác xã chuyển sang cơ chế mới đạt hiệu quả cao trong dịch vụ sản xuất nông nghiệp như hợp tác xã Yên Bắc (Hà Nam), Xuân Phương (Nam Định), Duy Sơn 2 (Quảng Nam)…, các đơn vị quốc doanh trong nông, lâm nghiệp đã đạt thành tích cao trong sản xuất và đời sống nhờ thực hiện cơ chế khoán, đổi mới công nghệ và quản lý, như nông trường Tô Hiệu (Sơn La), nông trường cao su Cù Bị (Bà Rịa – Vũng Tàu), công ty cà phê 719 (Đắc lắc)…
Những doanh nghiệp, nhà quản lý và công nhân trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông đến dự Đại hội là những điển hình thành đạt trong kinh tế thị trường, làm ra hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đạt hiệu quả kinh doanh cao; như các mỏ than Đèo Nai, Cọc Sáu, công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao, công ty dệt Phong Phú, công ty gạch Đồng Tâm, xí nghiệp cơ khí ô tô 1/5, công ty xây dựng cầu Thăng Long, công ty tư vấn thiết kế cầu lớn- hầm, xí nghiệp đường sắt Nghĩa Bình, công ty 384, công ty 565 thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, công ty Hồng Hà, công ty hóa chất 121 thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng…
Trong những đơn vị tiêu biểu về chất lượng giáo dục, chúng ta lại gặp trường trung học cơ sở Bắc Lý (Nam Hà), lá cờ đầu của phong trào thi đua “Hai tốt”, trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Nam Định) dẫn đầu Nhà nước về số học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế, trường đại học Bách Khoa (Hà Nội) điểm sáng của nền giáo dục đại học cả về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…
Nền y tế nước nhà có nhiều gương sáng về tinh thần và chất lượng phục vụ người bệnh, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, như Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương, Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm điều trị bệnh phong Văn Môn, tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, tập thể khoa hồi sức cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai Hà Nội…
Những điển hình tiên tiến trong lực lượng quân đội, công an là những đơn vị đạt hiệu suất cao trong huấn luyện, công tác và chiến đấu, như các tập thể cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, các tàu hải quân 201, 851… Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc với hiệu suất cao, đối mặt chiến đấu với nhiều tội phạm nguy hiểm, nhưng vẫn bảo toàn lực lượng, không bị tổn thất, hy sinh.
Bài học sâu sắc rút ra từ những đơn vị anh hùng và điển hình tiên tiến là: Phải không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, mới tồn tại và phát triển được trong kinh tế thị trường, thu hẹp dần khoảng cách tụt hậu so với các nước xung quanh.
Trong tình hình nước ta hiện nay, cần có cách nhìn tỉnh táo, hơn nữa phải rất khiêm tốn về thành tích đã đạt.
15 năm qua, mọi lĩnh vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều đạt được những bước tiến nổi bật. Đó là những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng chưa đủ để đất nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo và lạc hậu. Tuy có bước tăng trưởng nhanh về số lượng so với thời kỳ trước, nhưng chất lượng và hiệu quả chưa có bước tiến tương ứng, có mặt còn rất đáng lo. Đặt trước yêu cầu hợp tác và cạnh tranh quốc tế, trình độ chung của nước ta về mọi mặt, trước hết về kinh tế về công nghệ, còn thua kém nhiều nước xung quanh. Nguy cơ tụt hậu xa hơn vẫn đang là thách thức lớn đối với dân tộc ta.
Lúc này, mỗi người Việt Nam, mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị hoạt động và cả dân tộc Việt Nam ta đều phải luôn luôn so sánh mình với trình độ của thế giới, trước hết là của những nước gần ta, phải có ý chí mãnh liệt và thường trực phấn đấu vươn lên đạt và vượt mức trung bình, rồi tiến tới mức cao của khu vực và thế giới, trước hết là của những nước gần ta, phải có ý chí mãnh liệt và thường trực phấn đấu vươn lên đạt và vượt mức trung bình, rồi tiến tới mức cao của khu vực và thế giới, “sánh vai cùng các nước năm châu” như lời Bác Hồ dạy. Phong trào thi đua yêu nước trước đây đã động viên toàn dân ta đoàn kết đứng lên giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, rửa nỗi nhục mất nước, xóa nỗi đau chia cắt giang sơn. Phong trào thi đua ngày nay càng phải phát huy lòng yêu nước, thôi thúc mọi người Việt Nam đem tất cả sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của mình để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, quyết thoát khỏi nỗi nhục đói nghèo và dứt khoát không cam chịu tụt hậu.
Điểm nổi bật thứ hai của các điển hình tiên tiến là: Tinh thần phấn đấu với ý chí cách mạng tiến công, năng động đổi mới, vượt khó khăn, thách thức.
Đất nước ta đang đứng trước vận hội lớn và thách thức lớn. Điển hình tiên tiến, dù ở lĩnh vực và cương vị khác nhau, trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như khi khó khăn, thiếu thốn, đều nêu gương bền bỉ trau dồi tài năng, vươn lên đỉnh cao tri thức, luôn luôn tìm tòi và thực hiện thành công những sáng kiến đổi mới, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Truyền thống hiếu học, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của dân tộc ta là nền tảng quý báu để nuôi dưỡng và phát huy tinh thần phấn đấu với ý chí cách mạng tiến công trong mọi tình huống. Đó là bài học thành công của các điển hình tiên tiến với những tấm gương sáng để thể hiện những đặc điểm mà mọi người chúng ta đều cần và có thể học tập:
Một là, năng động đổi mới và tiến bộ, đấu tranh cho cái mới, chống trì trệ tiêu cực, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhớ lại những ngày đầu tìm đường đổi mới, chúng ta không quên công lao của những người đã đi tiên phong trong việc thực hiện “khoán hộ”, khi đó là một việc làm táo bạo mở đường cho quá trình giải phóng sức sản xuất ở nông thôn; những người đã đi đầu trong việc bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo tem phiếu, thực hiện bì giá vào lương, một bước quan trọng mở đầu cho việc vận dụng kinh tế thị trường. Ngày nay, với tinh thần đổi mới, Công ty đường Lam Sơn (Thanh Hóa) và đồng chí Lê Văn Tam đã tìm tòi và áp dụng cơ chế gắn bó giữa nhà máy chế biến với nông dân trồng mía, từ hành thức thấp đi tới cổ phần hóa công ty trong đó có phần nông dân trồng mía, từ hình thức thấp đi với cổ phần hóa công ty trong đó có phần công dân trồng mía góp vốn mua cổ phần, đưa tới một bước phát triển mạnh mẽ của ngành mía đường ở một vùng bán sơn địa, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao đời sống của cả công nhân và nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng. Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng công Cửu Long đã dày công nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa mới và phổ biến việc ứng dụng kỹ thuật mới, nâng cao rõ rệt năng suất trên đồng ruộng. Nhà giáo ưu tú người Tày Nguyễn Khánh Quắc, hiệu trưởng trường Đại học nông lâm Thái Nguyên, nhờ mạnh dạn, quyết tâm đổi mới công tác quản lý và các mặt hoạt động của nhà trường nên đã làm chuyển biến được từ trường yếu kém sang một trường tiên tiến xuất sắc.
Hai là, tự lực tự cường, gian khổ phấn đấu, không ỷ lại, không chùn bước trước khó khăn, thử thách. Chúng ta cảm phục đồng chí Khổng Minh Quý, thương binh nặng cụt hai bàn tay, đã có nghị lực phi thường vượt qua bệnh tật, học tập văn hóa, kỹ thuật, phấn đấu làm kinh tế giỏi, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà có thu nhập cao. Bà Đỗ Thị Kim Hồng, phường 11, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh, từng bị liệt hai chân và một tay, nhưng đã kiên trì luyện tập đi lại được bình thường; trong 10 năm liền đã tích cực cùng với người thân của liệt sĩ và đồng đội lăn lộn nơi núi rừng, vượt qua bao khó khăn gian khổ để quy tập được trên 300 hài cốt liệt sĩ.
Bài học phấn đấu kiên trì, bền bỉ còn được thể hiện cả trong những công việc không bình thường, thầm lặng như đồng chí Ha Kriêng người dân tộc Kơ Ho, tổ trưởng bưu tá huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, 13 năm liền đi bộ đội, mỗi năm vượt gần 10 ngang cây số đèo dốc, không nề mưa gió, đói rét và sự phá hoại của bọn phỉ để đem báo chí, thư từ tới đồng bào các dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh; như chị Nguyễn Thị Kinh Thanh và tổ quét rác của chị ở thành phố Hải Phòng, liên tục trong 20 năm qua, kể cả ngày lễ, ngày Tết, trong mọi thời tiết, đều đảm bảo thu gom rác ba ca trên địa bàn; như đồng chí Lê Khắc Vừng, công nhân lái xe mỏ than Cọc Sáu, 20 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lái xe an toàn; như nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Cao, Hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Hương, huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, say mê, tận tụy với nghề, tỉ mỉ, kiên nhẫn rèn nết người, rèn chữ viết cho các em học sinh.
Ba là, ham học cầu tiến, không ngừng vươn tới đỉnh cao khoa học, công nghệ và kỹ năng; vươn mạnh trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam. Giáo sư – Thày thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu đã khổ công nghiên cứu khoa học và rèn luyện để đạt đỉnh cao về kỹ thuật châm cứu, có công lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành châm cưu Việt Nam, góp phần đem lại vinh quang cho nền y học dân tộc ta trên trường quốc tế. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bệnh viện phụ sản Từ Dũ và bác sĩ Phan Kim Phương, Viện tim thành phố Hồ Chí Minh, nêu gương sáng về nghiên cứu khoa học, rèn luyện tay nghề, làm chủ kỹ thuật y học hiện đại, đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng, cứu sống người bệnh. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng chí Trần Thị Đường, Tổng giám đốc công ty dệt Phong Phú, doanh nghiệp Nhà nước và anh Võ Quốc Thắng, Tổng giám đốc công ty gạch Đồng Tâm, doanh nghiệp tư nhân, khác nhau về thành phần kinh tế và ngành sản xuất, nhưng đều thành công trong việc áp dụng công nghệ hiện đại và đổi mới quản lý doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và nước ngoài, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Điểm nổi bật thứ ba của cá điển hình tiên tiến là: Đoàn kết, gắn bó giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng.
Tất cả các điển hình tiên tiến tập thể cũng như cá nhân, dù ở lĩnh vực nào, cũng đều là sản phẩm của sự đoàn kết gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, đúng như lời Bác Hồ nói tại Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952 “thi đua là đoàn kết”, Sự đoàn kết đó xuất phát từ lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, dựa trên sự kết hợp hài hòa các lợi ích, thấm được lòng nhân ái mang bản chất nhân văn cao đẹp.
Khi cần hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ của Tổ quốc, cuộc sống yên lành của nhân dân, hoặc để cứu đồng bào hoạn nạn trong thiên tai ác liệt, các anh hùng, chiến sỹ thi đua và điển hình tiên tiến đã không ngần ngại xả thân quên mình vì nghĩa. Khi cần chịu thiệt thòi riêng để dành thắng lợi tập thể, các anh hùng, chiến sỹ thi đua và điển hình tiên tiến sẵn sàng nhận phần tổn thất về mình, làm sáng ngời tâm huyết và phẩm chất vì sự nghiệp chung. Đó là những gương hy sinh cao cả của chiến sỹ lực lượng vũ trang đã ngã xuống vì sự an toàn của xã hội, sự bình yên của nhân dân, như các liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần, Lê Thanh Á… Liệt sĩ thượng úy cảnh sát Phạm Văn Chiến, 26 tuổi, tỉnh Hà Giang, đã nằm đè lên lựu đạn sắp nổ của một tên tội phạm nguy hiểm, lấy thân mình che chắn cho dân, chịu sự hy sinh để đồng đội bắt được tên tội phạm. Em Bùi Thu Nội 16 tuổi, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hải Phòng, dũng cảm bơi trên sông chảy siết, hy sinh thân mình cứu được 4 em nhỏ. Đức tính quên mình vì nghĩa còn thể hiện ở những gương sáng về tinh thần dũng cảm và mưu trí của Nguyễn Thị Hồng, thuyền trưởng tàu thu mua cá ngoài khơi đã chỉ huy tàu cứu được 36 thủy thủ của các tàu khác thoát chết trong cơn bão tháng 5 năm 1997.
Các đơn vị anh hùng và các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong các lực lượng vũ trang lúc nào cũng muốn sống một cuộc sống gắn bó với anh em trong đơn vị, gắn bó với nhân dân; luôn luôn biết dựa vào dân, sẵn sàng bảo vệ cứu giúp nhân dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Cán bộ, chiến sĩ đồn 501 bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chỉ huy của trung tá Nguyễn Vũ Thực, đã kiên trì đưa giống lúa nước và khoa học kỹ thuật đến với nhân dân vùng cao, giúp đồng bào định canh, định cư, xây dựng thế trận bảo vệ vùng biên giới dựa trên sự gắn bó thân thiết quân dân như cá với nước. Trong bão lũ, nhiều chiến sỹ quân đội, công an nhịn đói đi trong mưa rét để mang đầy đủ hàng cứu trợ đến cho nhân dân đang lâm vào hoạn nạn. Đoàn viên thanh niên Nguyễn Sỹ Thức, thuộc Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế, đã bất chấp hiểm nguy trong cơn lũ năm 1999, cứu sống được 22 người dân, được Trung ương Đoàn bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu nhất năm 1999.
Trong những điều kiện bình thường của hoạt động kinh tế và đời sống xã hội, các đơn vị cũng như cá nhân điển hình tiên tiến đã kết hợp hài hòa với lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp của sự phát triển; cá nhân luôn luôn gắn lợi ích và sự phát triển của mình với lợi ích và sự phát triển của tập thể, của đất nước; từ đó tạo thành hợp lực của cá nhân và cộng đồng, thành công trong việc làm giàu cho mình và cho đất nước.
Các cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua không những chăm lo tu dưỡng đạo đức và lối sống của bản thân và gia đình mình, mà còn luôn luôn liên hệ mật thiết với quần chúng, khiêm tốn học hỏi quần chúng, vận động quần chúng tự giác hành động, được tập thể yêu quý và giúp đỡ. Lời dạy của Bác Hồ tại Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ hai năm 1958: “tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được” là một chân lý mãi mãi soi sáng cho phong trào thi đua và sự phát triển của mọi người.
Một nét phổ biến ở tất cả các đơn vị, cá nhân anh hùng và điển hình tiên tiến là sức mạnh chăm lo cuộc sống của mọi người, đóng góp vào việc thực hiện các chính sách xã hội bằng tấm lòng nhân ái, không một chút vụ lợi; như đóng góp công sức và tiền của để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước; lo học tập, chữa bệnh cho người nghèo; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh và phong trào rèn luyện sức khỏe; phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng và bảo vệ môi trường, v.v.. Anh Nguyễn Đắc Hải, Bí thư Đoàn thanh niên xã Chương Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, một chủ trang trại trẻ, cũng như chị Vi Thị Hà, dân tộc Thái, tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, không những vật lộn với khó khăn, có lúc thất bại, để thành đạt trong lập nghiệp mà còn hết lòng lôi cuốn, giúp đỡ bà con làng xóm cả vật chất, tinh thần và kinh nghiệm để vượt qua đói nghèo, có thu nhập ổn định. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đấu ở ấp 3, xã Châu Bình, huyện Giồng Tôm, tỉnh Bến Tre đã dành trọn tiền trợ cấp theo chính sách để xây dựng cây cầu xi măng cho các cháu đi học thuận tiện.
Còn biết bao tấm gương của các anh Hùng, chiến sĩ thi đua, không sao kể hết, và còn nhiều nhân tố tích cực trong đời sống xã hội nhưng chưa được phát hiện, biểu dương. Các điển hình tiên tiến như một vườn hoa nhiều hương sắc, mỗi bông một vẻ, nhưng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng tiến công, sống có lý tưởng, luôn luôn cầu tiến bộ, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái. Những bài học nêu trên chỉ được phân tích một số đặc trưng tổng quát, mang tính phổ biến, được minh họa bằng một ít ví dụ không đầy đủ, nhằm gợi mở sự suy nghĩ chứ không thể thay thế cho việc tìm hiểu, học tập các đơn vị, cá nhân, anh hùng, điển hình tiên tiến.
Thưa Đại hội,
Bước vào thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2001-2010: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp. Chất lượng đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng lên một mức đáng kể. Thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng và an ninh được tăng cường. Vị thế trong quan hệ quốc tế được nâng cao.
Nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ mới đòi hỏi phong trào thi đua phải được nâng lên một tầm cao mới.
Ngày 3 thang 6 năm 1998, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 35/TW về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới. Tiếp đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp được củng cố. Từng ngành, từng địa phương đã có nhiều biện pháp khơi dậy phong trào thi đua. Trên phạm vi cả nước, phong trào thi đua đã có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đi kịp yêu cầu của tình hình mới.
Sau Đại hội này, cần có tổng kết cơ bản, làm rõ đặc điểm của thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước chuyển biến về chất nâng cao hiệu quả thiết thực của công tác thi đua, khen thưởng.
Sau đây tôi xin nêu một số gợi ý để các đồng chí ở các cấp, các ngành cùng chủ động suy nghĩ, tổng kết, đổi mới công tác tổ chức và vận động thi đua.
1. Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, đường lối đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước ngày càng nhất quán, nhấn mạnh tư tưởng giải phóng và tinh thần dân chủ nhằm phát huy lực lượng toàn dân vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sự nghiệp đổi mới chính là cuộc tổng động viên và phát huy sức dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội IX đã nêu động lực chủ yếu, để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết dân tộc, phát huy khả năng của các thành phần kinh tế và toàn xã hội.
Nắm vững động lực chủ yếu trên đây, hướng vào mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải biết phát triển phong trào thi đua toàn dân, toàn diện, liên tục, nhằm thực hiện những nhiệm vụ lớn.
- Phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, làm giàu cho mình và cho đất nước, đóng góp ngày càng nhiều cho Nhà nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những người làm ra sản phẩm có chất lượng cao, chi phí thấp; tôn vinh những lao động tay nghề cao, những nhà kinh doanh và quản lý doanh nghiệp giỏi.
- Nâng cao trình độ và năng lực khoa học, công nghệ, gắn với nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đổi mới quản lý trong mọi lĩnh vực hoạt động, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tựu nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ mới, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tôn vinh những người có nhiều cống hiến trong khoa học, công nghệ, những người chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức.
- Phát triển con người cả về trí tuệ, thể chất đạo đức, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật, có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có văn hóa, có kỷ cương, làm nảy nở càng nhiều người tốt, việc tốt, đấu tranh bền bỉ và có hiệu quả chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Xây dựng đội ngũ công chức và cán bộ quản lý Nhà nước hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thông nghiệp vụ, công tâm, liêm khiết, được dân tin cậy.
- Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, tiến lên hiện đại; phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
2. Hòa nhịp với công cuộc đổi mới về kinh tế, xã hội, công tác vận động tổ chức thi đua cũng phải có chuyển biến thích hợp.
Về quy mô và phạm vi phong trào thi đua, trên cơ sở mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các cuộc vận động thi đua, phải làm cho phong trào thi đua bao quát được toàn bộ lĩnh vực của đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, phải phát triển ở tất cả các vùng, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn. Nói cách khác, nay cần và có thể có phong trào toàn dân, toàn diện ở trình độ cao hơn, thực hiện khẩu hiệu “người người thi đua, ngành ngành thi đua” với quy mô và phạm vi mới về chất.
Về tổ chức vận động thi đua cũng như về hình thức khen thưởng, ngày nay càng phải coi trọng vai trò tổ chức vận động của các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và quần chúng tự quản, của các cơ quan thông tin đại chúng. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật đi đôi với hợp tác, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để thúc đẩy thi đua, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Phải làm cho phong trào thi đua, tôn vinh người tốt, việc tốt, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thật sự có tính nhân dân, tính xã hội, tạo cơ sở từ đó Nhà nước chọn lựa đích đáng và khen thưởng những người xuất sắc.
3. Nội dung và phương thức thi đua theo tinh thần đổi mới nên phải được cụ thể hóa bằng nhiều cuộc thi vận động với hình thức phong phú, lôi cuốn mọi người lao động, mọi đơn vị gắn hoạt động sản xuất, công tác thường ngày của mình thành một thể thống nhất. Chúng ta cần thấu suốt lời dạy của Bác Hồ trong lễ phát động thi đua năm 1949: “Thi đua không phải là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy.”
Từ suy nghĩ đó, từng giới, từng ngành, từng địa phương phải rút kinh nghiệm trong thời gian qua để phát triển mạnh và nâng cao hiệu quả các cuộc vận động thi đua, chú trọng hiệu quả thiết thực và nội dung cụ thể sát hợp với từng nơi, từng lúc; tập trung vào những vấn đề trọng tâm nhưng phong phú, đa dạng về hình thức thi đua cũng như hình thức biểu dương, khen thưởng.
4. Thi đua là hành động tự giác. Vì vậy, phải rất coi trọng chất lượng công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ phong trào thi đua, dấy lên một không khí thi đua sôi nổi, lôi cuốn mọi người chủ động tham gia và thúc đẩy người khác cùng tham gia. Trong công tác này, việc tổng kết điển hình và giới thiệu, nhân rộng các điển hình, nêu gương người tốt việc tốt có ý nghĩa và tác dụng to lớn. Đưa lên sách báo (kể cả báo hình, báo nói) là hình thức biểu dương và tuyên truyền, động viên rất tốt, vừa giúp mọi người học tập, vừa để nhân dân kiểm tra góp ý phê bình.
5. Phong trào thi đua phải dựa vào phát huy ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi người, tăng cường vai trò vận động, tổ chức của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nghề nghiệp và tổ chức tự quản của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với vai trò quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Bộ máy chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành cần được kiện toàn hợp lý, hoạt động thiết thực có hiệu quả. Các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo phong trào thi đua; từng tổ chức cơ sở Đảng và từng đảng viên phải là hạt nhân, đi đầu nêu gương phong trào thi đua ở nơi mình hoạt động.
Thưa Đại hội,
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc, với sức mạnh đoàn kết, thống nhất của đồng bào cả nước, nhất định phong trào thi đua yêu nước sẽ phát triển ngày càng sâu rộng, liên tục, liên tục, toàn diện, thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ta tiến nhanh và bền vững.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, hãy hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội IX của Đảng, giành những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ngay từ đầu, tháng đầu, năm đầu của kế hoạch 5 năm tới, tạo đà để đất nước ta bước vào thế kỷ mới với khí thế mới.
Toàn dân, toàn quân hãy phấn khởi tiến lên! Thắng lợi mới, niềm vui mới đang chờ đón chúng ta.
Xin cảm ơn Đại hội!