Phát biểu của Đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI

 2829 lượt xem
 

Thưa đại hội,

Thưa các quý vị và các đồng chí,
 
Đại hội chúng ta đã nghe lời khai mạc của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương và báo cáo tổng kết thi đua của Thủ tướng Phan Văn Khải.
 
Các đồng chí cũng về thăm đền Hùng, nơi đất tổ, cội nguồn của dân tộc, mãi mãi còn âm vang lời bác Hồ kính yêu: “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đã đi thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình, một trong những đứa con đầu lòng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta; đã đến thăm các cơ sở kinh tế, văn hóa của Hà Nội, Thủ Đô xã hội của chủ nghĩa anh hùng, trái tim của cả nước.
 
Đại hội cũng nghe báo cáo của tập thể và cá nhân tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc 15 năm qua.
 
Mười năm năm ấy là một chặng đường đầy khó khăn và thử thách. Những tổn thất cực kỳ nặng nề do các cuộc chiến tranh xâm lược gây nên chưa hàn gắn thì chúng ta đã bị bao vây cấm vận, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, lại phải giúp bạn Cam –Pu –Chia chống họa diệt chủng, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, những vấn đề xã hội bức bách chưa giải quyết được, các thế lực thù địch ráo riết tìm cách xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, âm mưu điên cuồng đánh bại chúng ta trong một thời gian ngắn, đời sống nhân dân khó khăn. Tình thế lúc ấy thật là hiểm nghèo. Chúng ta có thể ví tình thế hiểm nghèo lúc ấy của đất nước như con tàu TG2032-TS của nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng không khiếp sợ, không phó mặc cho số phận cho phong ba, mà đưa mũi tàu đối mặt với sóng lớn. Nổ máy trong sóng dữ, nhìn thẳng vào sóng dữ nhấn chìm. Trong đêm bão hãi hùng, một tay ghì lái, một tay điều khiển ngọn đèn pha, kiên trì chống chọi, con tàu của Nguyễn Thị Hồng đã tồn tại, đã thắng, trong khi 264 con tàu khác bị đánh vỡ tan tành.
 
Cũng như vậy, trong cơn hiểm nghèo vừa qua, dân tộc ta đã nhìn thẳng vào nguy cơ, Đảng ta đã cầm chắc tay lái, tin tưởng và kiên định sắt đá vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, cả nước một lòng; tìm tòi từ trong thực tiễn và kinh nhgiệm của nhân dân, từng bước tiến hành sự nghiệp đổi mới để tiếp tục xây dựng chủ xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong cuộc đấu tranh kiên cường đó, nhân dân ta, tiêu biểu là các anh hùng và đơn vị anh hùng, Chiến sỹ thi đua và đơn vị tiên tiến đã bền bỉ vượt qua khó khăn, dũng cảm tiến lên phía trước, không sờn lòng, không lùi bước, gắn bó mật thiết với nhau, lập nên những thành tích rất quý báu trên tất cả các lĩnh vực.
 
Đường cách mạng, dù trên mặt trận nào, khi gặp khó khăn, không có những con người, những tập thể tự nguyện xung phong mở đường, quyết chí dành cho được thắng lợi thì không thể đạt được những mục tiêu đã định. Đạo đức và bản lĩnh quý báu nhất của các anh hùng, đơn vị Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, người tốt việc, tốt là ở chỗ trong khi có người hoài nghi mình thì mình kiên định, có người chần chừ thì mình xông lên, có người bó tay ỷ lại thì mình tự lực tự cường, tìm tòi sang tạo, có người đua nhau theo danh lợi, ích kỷ, kèn cựa, mất đoàn kết, thu vén cá nhân, làm ăn gian dối, che giấu khuyết điểm, chạy theo thanh tích bề nổi, tranh công, đổ lỗi, việc khó không dám đương đầu, xa hoa, lãng phí, lười biếng học tập thì mình làm việc vô tư, quên mình, hết lòng thương yêu nhân dân và gắn bó với tập thể, trung thực, chất phác, thật thà, liêm khiết, nhận lấy khó khăn, nhường bạn thuận lợi, lập được công thì khiêm tốn, có khuyết điểm thì sẵn sàng chịu trách nhiệm, miệt mài học tập và trau dồi đạo đức.
 
Nhà nước đã tuyên dương nhiều anh hùng và đơn vị anh hùng trên các lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, từ những sáng chế phát minh của các nhà khoa học, các nhà giáo, thầy thuốc, các cựu chiến binh, các người lao động, các văn nghệ sỹ, các cháu thanh niên… từ vùng đồng bằng đến vùng núi xa xôi hẻo lánh, từ cơ quan Nhà nước đến các trường học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, trong kinh tế Nhà nước hay kinh tế tư nhân… Ở các lứa tuổi khác nhau đều có những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nhiều đơn vị kinh tế Nhà nước, nhiều hợp tác xã, nhiều giám đốc, kỹ sư, tổng giám đốc rất giỏi quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh. Sự thật chứng minh: Không phải cứ kinh tế Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh là thua lỗ. Không phải các thời kinh tế thị trường, không có người cộng sản nào dám hy sinh quên mình vì lợi ích tập thể, vì người lao động, vì hạnh phúc của nhân dân. Không phải đi vào kinh tế thị trường thì không có phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta biết bố trí đúng cán bộ, xây dựng ý chí, bản lĩnh, đạo đức cho các đồng chí chủ trì và đảng viên, biết dựa vào công nhân, từ cái khó mà sáng tạo ra biện pháp mới, thì hoàn toàn có khả năng củng cố tốt các đơn vị kinh tế Nhà nước. Kinh tế Nhà nước là xương sống của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch âm mưu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội bằng cách tìm cớ loại dần kinh tế Nhà nước. Không còn kinh tế Nhà nước thì không còn chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước, nhân dân đòi hỏi và tin tưởng các đồng chí được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị kinh tế Nhà nước, nhận rõ trách nhiệm nặng nề của mình trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có quyết tâm cao hơn nữa, thi đua giỏi hơn nữa, xứng đáng với đối hỏi và lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
Tôi cũng như tất cả các đại biểu có mặt tại đây khi được nghe chính các anh hùng báo cáo những việc đã làm đều xúc động, đều tự hào về những tấm gương trong sáng đó.
 
Đồng chí Trần Thị Đường, Tổng giám đốc kiêm bí thư Đảng ủy Công ty dệt Phong Phú hiểu rằng: Những đơn vị kinh tế Nhà nước là tài sản xã hội chủ nghĩa, có được là do mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ mà Nhà nước giao cho cán bộ, công nhân viên quản lý. Hiểu sâu sắc rằng đổi mới là để xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế ngày nay phải làm việc với trí tuệ và tốc độ, phải khơi dậy tinh thần sáng tạo của công nhân, phải học tập hàng ngày, phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng ngày, phải không ngừng đổi mới đúng định hướng, nắm bắt tình hình thị trường. Trước đây một không khí bi quan, ảm đạm, vốn liếng, đầu vào, đầu ra mờ mịt, tưởng chừng không còn lối thoát, thì ngày nay, sau 10 năm, doanh thu tăng gần gấp 6 lần, lợi nhuận tăng gấp 152 lần, nộp ngân sách gấp 44 lần, vốn Công ty tự bổ sung chiếm 60%.
 
Công ty dịch vụ 2 Bộ Giao thông vận tải, 11 năm trước, nội bộ mất đoàn kết nghiệm trọng, một phần nửa công nhân không có việc làm, công ty đứng bên bờ vực giải thể. Không khuất phục trước khó khăn, kiên trì giáo dục Đảng viên, cải tiến máy móc cũ, đầu tư mua thêm công nghệ mới. 11 năm sau trở thành đơn vị Anh hùng.
 
Ở Tổng công ty xây dựng Thăng Long, năm 1988, 6.000 công nhân không có việc làm, kỹ sư, công nhân giỏi bỏ đi nơi khác, cả một tập thể thợ cầu lành nghề đứng trước sự đe dọa về đời sống và việc làm. Sau một thập kỷ củng cố, Tổng công ty xây dựng Thăng Long có thể sánh vai, cạnh tranh với những công ty xây cầu ở khu vực.
 
Đồng chí chiến sỹ Lê Sỹ Thức, trong lũ lớn, chỉ lo dân chết mà quên thân mình, quên đau, quên đói, tự làm bè, tìm mọi cách cứu dân, cứu các cháu nhỏ đang bị lũ cuốn.
 
Các đồng chí sỹ quan công an Nguyễn Đức Bình và Lý Đại Bàng vì cuộc sống bình yên của dân mà xông xáo ngày đêm bắt cướp, tìm lại của cải cho dân.
 
Đồng chí Khổng Minh Quý, thương binh nặng, mất gần hết đôi bàn tay, được Nhà nước nuôi dưỡng ở trại thương binh, nhưng tự nguyện xin về sinh sống với gia đình để giảm bớt khó khăn cho Nhà nước. Vuợt qua đau đớn thể xác, gian nan chồng chất trong cuộc sống, với ý chí còn sức lao động tự nuôi mình, không ỷ lại, không cam chịu đói nghèo, tìm cách học tập các điển hình làm kinh tế giỏi, quyết định vay vốn mua sắm công cụ sản xuất, tìm hiểu thị trường, vừa làm vừa học đạt được trình độ trung cấp thú y, cải tiến bộ máy ấp trứng gia cầm của nước ngoài, đưa công suất 2000 quả một tháng lên 25.000 qua một tháng, tự chế tạo máy ấp, giúp đỡ đồng đội chăn nuôi, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, tạo việc làm cho 250 gia đình, phát triển 217 hộ chăn nuôi trong tỉnh.
 
Đồng chí Anh hùng Lê Khắc Vừng và công nhân mỏ than Cọc Sáu anh hùng, vật lộn với nắng mưa, vượt qua không biết bao nhiêu nghiệt ngã trong sản xuất, đổ mồ hôi, đổ máu và cả nước mắt trên các vỉa than để làm ra của cải cho Tổ quốc. Đồng chí Lê Khắc Vừng nghĩ rằng: Tổ sản xuất là nơi trực tiếp, thường xuyên diễn ra 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, không có cách nào khác là phải học tập, tìm tòi nghiên cứu, phải có kiến thức quản lý, phải biết tổ chức lao động.
 
Nhiều nhà khoa học gắn bó cả đời với đồng ruộng Việt Nam, sáng tạo giống cây mới, nhiều kỹ sư hết mình phục vụ nông thôn và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu, bám sâu vào truyền thống y học dân tộc, kiên trì trong nửa thế kỷ, đưa châm cứu Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu châm cứu trên thế giới, hết lòng truyền đức, truyền nghề, suốt đời quên mình chữa bệnh cho người nghèo với tình hữu ái giai cấp nồng nàn và sâu nặng.
 
Thương đồng bào vùng dân tộc ít người, nghèo khó, canh tác lạc hậu, khi đi phép, đồng chí Nguyễn Vũ Thực bỏ tiền riêng, mua giống mới, kiên trì giúp bà con thay giống cũ để có năng suất lúa cao. Biết bao nhiêu tấm gương cao quý không kể hết.
 
Vậy động lực nào thúc đẩy các anh hùng, đơn vị anh hùng, chiến sỹ thi đua và các đơn vị tiên tiến có đức hy sinh cao đẹp, có dũng khí, bền gan sáng tạo nên những thành tựu ấy?
 
La Văn Cầu chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Ngô Gia Khảm trọn đời là người nông dân lao động cần cù, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Ngô Mây, Võ Thị Sáu, Người mẹ cầm súng út Tịch, anh hùng Núp, Bi Năng Tắc… các anh hùng đơn vị, anh hùng hôm nay, sức mạnh tự thân phi thường chính là lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng hy sinh chiến đấu để xây dựng một chế độ nhân dân ta mong ước, đó là chủ nghĩa xã hội.
 
Trước tiếng kêu cứu xé lòng của đồng nghiệp đang bị bão biển cuốn trôi, Nguyễn Thị Hồng thốt lên: Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết, không sợ hiểm nguy cho mình, chỉ lo cứu sống bà con. Cô giáo Trần Thị Nở, Trường mầm non Khe Sanh, rắn hổ mang cắn vào tay, đau đớn quằn quại vẫn tìm cách cứu các cháu nhỏ, chỉ vì thương các cháu mầm non mà không sợ chết.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh, tổ trưởng quét rác ở công ty môi trường đô thị thành phố Hải Phòng, trong 25 năm làm nghề, thì 15 năm, vào khoảng khắc giao thừa thiêng liêng, lại đội mũ, cầm chổi ra đường quét dọn, âm thầm, lặng lẽ. Mới quét sạch xong thì có người lại quăng rác ra, nhắc nhở thì người ta mắng: Tôi nói cho các cô biết, Nhà nước trả lương cho các cô rồi, có rác thì cứ phải quét dọn, đừng lắm lời!
 
Các chị em ấy vì cơm áo, nuôi con, nuôi mình mà phải lao động vất vả. Nhưng cùng với điều đó là tấm lòng son cao thượng. Họ nhớ lời bác Hồ ngày xưa; “Cô Bin làm việc vệ sinh, cô Thơm làm việc moi cống, các bà con nhiều người biết. Công việc đó có vẻ vang không? Rất vẻ vang. Không có những người như cô Bin, cô Thơm thì thành phố Hải Phòng có sạch sẽ không? Không sạch sẽ thì bẩn, bẩn thỉu sinh nên bệnh tật. Vì vậy, cho nên tất cả đồng bào Hải Phòng, chúng ta phải biết ơn và kính trọng những người như cô Bin, cô Thơm…Bất kỳ công việc nào có ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội là điều vẻ vang. Không có công việc nào sang, không có công việc nào hèn…”
 
Tổ lao động quét rác 33 người của Nguyễn Thị Thanh yêu thương, đùm bọc nhau trong mối tình giai cấp, mối tình lao động. Đó là một tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Không ai biết tại sao và từ lúc nào ta lại bỏ danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa?
 
Bác sĩ Mai Thị Hậu, Phó giám đốc trung tâm điều trị bệnh phong ở Di Linh (Lâm Đồng), suốt 30 năm chăm sóc, thương yêu những người mắc bệnh phong như thương yêu, chăm  sóc những người thân ruột thịt.
 
Phải có hàng vạn trang sách mới có thể nói được một phần tấm lòng, lý tưởng, tâm hồn của những người đẹp đẽ ấy.
 
Nhớ lại những tấm gương Anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc và qua những Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ở Đại hội này chúng ta càng yêu quý và tin tưởng con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân đã vì lý tưởng ấy mà hy sinh, chiến đấu ròng rã hơn 70 năm. Chúng ta càng tin tưởng trí tuệ, tài năng, ý chí không chịu thua kém ai của người Việt Nam, càng tin tưởng ở khả năng tiến kịp bạn bè của nhân dân ta, càng tin tưởng nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa đã sản sinh ra những con người ưu tú đó và những con người ấy đã đột phá, đã đi đầu tạo nên những chiến công trên các lĩnh vực vì Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
 
Nhân dân, Tổ quốc và Đảng kính trọng và biết ơn các Anh hùng, các chiến sỹ thi đua và đơn vị tiên tiến. Lý tưởng, bản lĩnh, phẩm chất và những việc làm anh hùng cả các đồng chí đã gieo mầm cho những mùa gặt mới về những thành tựu và đạo đức xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng như Đại hội chúng ta đã ứa lệ khi nghe các đồng chí ấy kể về cuộc đời mình. Nhưng quan trọng hơn là đem những tấm gương ấy soi lại mình, từ sự xúc động chân thành và lòng cảm phục tạo thành sức mạnh tự than, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, học tập những điều tốt đẹp để trở thành những cán bộ, đảng viên hoàn thành trách nhiệm trước nhân dân, trước chế độ để làm những công dân gương mẫu. Không ai khác, chính mỗi người chúng ta, bằng sự dũng cảm tự soi xét mình mà nhân rộng ra các điển hình tiên tiến.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Thiện, bí thư chi bộ khu phố 4, phường 17, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh có e ngạii rằng báo cáo của khu phố 4 khô khan.
 
Tôi nhờ các đồng chí bí thư chi bộ về báo cáo lại với bà con khu phố 4, những việc làm xóa đói, giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội, thương yêu, giúp đỡ nhau tìm kiếm công ăn việc làm, một gia đình giúp nhiều gia đình, nhiều gia đình giúp một gia đình, đảng viên lo cho dân, thực hiện dân chủ công khai, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, khu phố 4 thật tốt đẹp. Đó là tình thương nòi giống, đó là chủ nghĩa xã hội. Nếu tất cả các khu phố, các thôn ấp nghèo khó cả nước đều cố gắng như thế, đều đạt thành tích như thế và hơn thế nữa thì chắc chắn dân ta sẽ từng bước giàu có, xã hội ta sẽ công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người sẽ được sống hạnh phúc.
 
Thưa các đồng chí,
 
Bác Hồ dạy: Không có con người xã hội chủ nghĩa thì không có chủ nghĩa xã hội.
 
Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội lại tiếp tục sản sinh và hoàn thiện những con người chủ nghĩa xã hội. Con người chủ nghĩa xã hội là con người thấm nhuần lý tưởng yêu nước nhất, thương dân nhất, quên mình, tận tụy, hy sinh, cần kiệm, liêm chính, học tập không mệt mỏi, gắn bó với tập thể, gắn bó với thực tiễn, gắn bó với những vấn đề sống còn của dân tộc, của chế độ, không ngừng sáng tạo, chủ động và tiến công. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cùng nhau đoàn kết thi đua để đem lại hạnh phúc và đời sống tốt đẹp cho mọi người và cho mình, mới xóa được sự bất công, áp lực, bóc lột, kẻ giàu khinh miệt người nghèo.
 
Truyền thống yêu nước, nền văn hiến mấy ngàn năm quyện chặt với đạo đức xã hội chủ nghĩa là động lực phi thường, là sức mạnh phi thường làm nên những việc rung động lòng người, mãi mãi vun đắp giá trị vĩnh cửu cho con người Việt Nam.
 
Trong kháng chiến chống xâm lược, chúng ta nghèo vũ khí, nhưng ra ngõ gặp anh hùng. Ngày nay chúng ta còn nghèo về kinh tế, nhưng với lòng yêu nước quyện chặt với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con người Việt Nam càng biết sống có đạo đức, nhân ái, cao thượng, mọi người vì mỗi người, nhất định sẽ có nhiều gương anh hùng nở rộ như hoa mùa xuân, đem lại hiệu quả to lớn trong lao động sản xuất, kinh doanh, văn hóa – xã hội, đưa đất nước ta giàu mạnh, tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới.
 
Xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là tiếp tục công cuộc khai phá từ gần nửa thế kỷ nay. Công cuộc khai phá ấy đã thu được những thắng lợi mở đường cực kỳ quan trọng, làm nền tảng vững chắc cho bước tiếp theo. Chúng ta hiểu rằng: Không có con đường đột phá nào không gian nan, phải có những con người anh hùng, có tên và không có tên, thầm lặng, bền bỉ, kiên định, nhiệt huyết, can trường và xông pha sáng tạo.
 
Thi đua là yêu nước, là yêu chủ nghĩa xã hội.
 
Thi đua là sáng tạo, là trí tuệ, là tiến công, là đạo đức, là rèn luyện, là bản lĩnh, xây dựng nhân cách con người xã hội chủ nghĩa.
 
Từ Đại hội này, chúng ta phát động một cao trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vượt qua thách thức, quét sạch mọi cản trở, bảo đảm Tổ quốc ta trường tồn, chế độ ta vững chắc và từng bước xây dựng thắng lợi xã hội chủ nghĩa. Mỗi người, mỗi đơn vị hãy tự vượt lên chính mình, hãy làm thêm nhiều việc có ích vì hạnh phúc cho người khác, cho nòi giống mai sau, vì nòi giống và niềm vui của chính mình, vì đất nước giàu mạnh hơn; làm cho Tổ quốc ta không có đất cho các tệ nạn xã hội, cho tham nhũng quấy nhiễu nhân dân.
 
Chúc các Anh hùng, Chiến sỹ thi đua tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu.
 
Chúc giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ tri thức, các cơ quan, đơn vị, đồng bào cả nước tiến vào cao trào thi đua mới, hoàn thành kế hoạch năm 2001 và kế hoạch 5 năm 2001- 2005, tạo ra cơ sở mới cho dân tộc ta giành những thắng lợi mới trong thế kỷ XXI.
 
Chúc các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đại biểu dồi dào sức khỏe.
 

 

 
Ý kiến của bạn