Vượt qua khó khăn, kiên trì phấn đấu xây dựng ngành Châm cứu Việt Nam

 2667 lượt xem
 

Tôi lớn lên từ làng Canh ở khu vực “Mỗ La Canh Cót” Thuộc ngoại thành Hà Nội xưa kia, nay thuộc Hà Tây, tôi được giáo dục từ cách mạng tháng 8, gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc, tham gia đoàn thanh niên xung phong tháng 11 năm 1945 và là chiến sĩ quyết tử của Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 12 năm 1946.

Sau khi được lệnh rút khỏi Hà Nội, tôi tiếp tục theo các bậc đàn anh đi kháng chiến: Từ công tác đoàn thanh niên vào đội quân khu Việt Bắc, rồi đi công binh và năm 1952, tôi được Đảng cho đi học ở trường Đại học Y khoa Việt Bắc, tiếp đó được cử đi Trung Quốc học ở Đại học Y khoa ở Bắc Kinh. Chúng tôi rời chiến khu đi Tuyên Quang và trên đường từ Bắc Cạn qua Lạng Sơn để lên biên giới, chúng tôi được giao nhiệm vụ vào Cục quân y, tới Cục hậu cần xin thuốc mang đi đường để bảo vệ sức khỏe cho đồng đội, được gặp Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đã căn dặn tôi “Cháu đi học Y ở Trung Quốc rất tốt vì hoàn cảnh đất nước và người Trung Quốc gần gũi ta, bạn lại có một nền y học đã lâu đời. Cháu đi học về chắc sẽ phục vụ tốt sức khỏe đồng bào chiến sĩ ta”.
Đó là điều tâm niệm dạy bảo mà tôi nhớ mãi trong  suốt gần 50 năm qua và lấy đó làm hướng phấn đấu để vượt khó khăn trong nửa thế kỷ qua để xây dựng nền châm cứu Việt Nam.
 
Cuộc đời châm cứu của tôi có thể chia làm 2 giai đoạn
 
GIAI ĐOẠN 1958-1982 LÀ GIAI ĐOẠN TRƯỚC KHI CHƯA CÓ VIỆN CHÂM CỨU
 
Năm 1958 khi trở về nước, tôi được Bộ trưởng Hoàng Tích Trí phân về công tác ở Đông y Việt Nam vì lúc này Đảng và Nhà nước đang chủ trương thừa kế và phát huy Đông y, kết hợp Đông y với Tây y. Nhưng lúc đó Đông y với nhau cũng chưa hòa hợp: Trình độ chênh lệch, chia nhiều môn phái nên không có một chương trình chỉ đạo thống nhất trong toàn giới Đông y. Theo ý kiến của Bác Hồ, đồng chí Trần Quang Huy- Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng có chỉ thị “Phải tổ chức cho tất cả Lương y học lại lý luận Đông y để xây dựng một chương trình thống nhất trong cả nước”. Tôi là một trong những cán bộ trẻ được phân công xuống địa phương làm nhiệm vụ này. Nhưng tới địa phương thì khó khăn quá, ý kiến của các Lương y đều thống nhất, người nào cũng là thầy, người nào cũng giỏi không nghe ý kiến ai. Tôi liền nghĩ ra phương pháp viết dàn bài về lý luận Đông y và với thái độ khiêm tốn “tầm sư học đạo” tôi đã đến từng nhà, từng xóm và từ huyện này sang huyện khác trình bày thuyết phục để các lương y tham gia nội dung chuyên môn vào các dàn bài tôi đã soạn. Mỗi đợt làm việc với các lương y xong, tôi lại tổng hợp các nội dung chính thông qua các cụ, viết thành bài, đăng trên tạp chí Đông y để cả nước học tập. Thế là sau 3 năm tập hợp được các học thuyết cơ bản của lý luận Đông y, viết thành sách “Học tập Đông y”, sách “Hoc tập lý luận Đông – Tây y” xuất bản phân phát đi các tỉnh thành để giảng dạy và thống nhất trong toàn quốc. Tôi vô cùng sung sướng đã góp được phần sức mình vào việc đưa các Lương y lại gần nhau để cùng dùng một hệ thống lý luận thống nhất trong chữa bệnh.
 
Cũng trong thời gian đó, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu thừa kế và phát huy châm cứu cổ điển, vì nghĩ rằng nếu không nghiên cứu tìm ra cái mới thì không chữa được bệnh khó. Tôi đã đề xuất một phương pháp nghiên cứu chân mới đó là Thủy châm với Bộ Y tế. Đây là phương pháp kết hợp Đông y với Tây y, tức là dung thuốc Tây y tiêm vào các huyệt thuộc hệ thần kinh lạc có liên quan đến bệnh lý của tạng phủ. Được phép của Bộ Y tế cho được kết hợp với Sở Y tế Hà Nội để nghiên cứu áp dụng cho bệnh nhân ở Hà Nội. Tác dụng và kết quả nhanh hơn châm thường. Lúc đó cũng vấp phải khó khăn vì một số tư tưởng đối lập phản tuyên truyền, thậm chí xuyên tạc vu cáo nhưng vì sức khỏe nhân dân, vì sự phát triển của châm cứu nước nhà, tôi và một số anh chị em quyết tâm nghiên cứu thành công, phát triển không những ở Hà Nội mà còn đến các tỉnh như Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn… ở cả dân y lẫn quân y. Ròng rã gần 10 năm sau, Thủy châm được công nhận và phát triển trong toàn quốc hơn 40 năm, đã đúc kết được thành sách “Thủy châm” phổ biến đến các địa phương.
 
Kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, cần phải có một lực lượng thầy thuốc châm cứu lớn tập chung để phục vụ các địa phương, để cùng với Y tế Nhà nước chữa bệnh cho quân và dân ta. Chúng tôi xin Chính phủ cho phép thành lập Hội châm cứu vào tháng 7 năm 1967. Hội châm cứu ra đời bước đầu đã có hơn 3.000 hội viên. Đã cùng y tế Nhà nước đưa cây kim, cây thuốc đến cả những nơi xa xôi như Quảng Bình, Vình Linh khói lửa và theo bước chân chiến sĩ miền Nam thân yêu. Và 15 năm gần đây. Trong 3 nhiệm kỳ với cương vị là Chủ tịch Hội châm cứu, tôi cùng ban chấp hành Trung đã phát triển được 22 ngàn Hội viên ở 58 tỉnh thành trong cả nước, đã được thế giới bầu làm Chủ tịch Hội châm cứu ở Pháp, Mỹ, Nhật, Mexico, Trung Quốc, Hàn quốc v.v.. được các Hội thế giới ca ngợi về chuyên môn châm cứu và đề nghị đăng cai tổ chức Hội nghị châm cứu quốc tế tại Hà Nội tháng 11 năm 1999, có 59 nước tham dự và đã thành công tốt đẹp.
 
Năm 1971, thương bệnh binh và nhân dân bị đau vì vết thương, bỏng bom đạn Napan, liệt 2 chi dưới hoặc tứ chi do bom đạn làm tổn thương tủy sống, thiếu thuốc tê, thuốc mê cho nhiều ca mổ, Bộ Y tế đã điều tôi vào Cục quân y viện 9 vừa chữa bệnh vừa nghiên cứu khoa học về châm giảm đau vết thương và châm tê phẫu thuật.
 
Khi nghiên cứu châm bằng kim to, kim dài, vì thương binh chúng tôi quyết chịu đau châm ngay trên bản thân mình để tìm ra các huyệt đặc hiệu. Thể xác tuy có đau là để cho thương binh đỡ đau, nhưng lòng thì đau nhiều hơn vì vẫn có tư tưởng, những “tiếng bấc tiếng chì” luôn khiêu khích ngăn cản chúng tôi với câu nói “nghiên cứu như thế là cưỡi lên đầu Hổ”. Vì chiến trường, vì bệnh binh thân yêu nên chỉ trong 3 tháng chúng tôi đã thành công.
 
Về châm tê đã mổ thành công “đóng đinh nội tủy xương đùi”, Chiến sĩ Nguyễn Thuấn nằm thản nhiên tỉnh táo trên bàn mổ để giáo sư Nguyễn Văn Nhân mổ. Với đôi bàn tay nhanh nhẹn điêu luyện, bệnh nhân không hề bị đau đớn. Khi được châm tê mổ sọ não lấy đạn đồng thời mổ lấy xương tự thân để vá hộp sọ bị bắn vỡ, thương binh Nguyễn Bảo vẫn tỉnh táo không đau nhắc mọi người “bảo các cậu ở phòng giữ hộ nửa bánh mì tôi đang ăn dở để mổ xong về phòng tôi còn ăn”.
 
Về châm kim to, kim dài vận dụng vào chữa liệt cho 97 thương binh đều đạt kết quả tốt, nhiều thương binh đi lại gần như bình thường. Tôi vô cùng sung sướng được Bộ Y tế, Cục quân y tổ chức tổng kết bước đầu đánh giá cao về mổ châm tê hơn 3.000 ca với 40 loại phẫu thuật và kết quả chữa liệt bằng kim to, kim dài. Sau 3 năm nghiên cứu (1971-1973), tôi đã viết hoàn thành 2 cuốn sách “Tân châm” và “Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật”, để phổ biến đến các đơn vị quân dân y. Nhiều lúc nằm trên đơn vị, nghĩ đến lúc tuy có gian khổ khó khăn và những nghịch cảnh trớ trêu mà vẫn cố gắng thành công, nước mắt tôi ướt đầm cả gối vì sung sướng và vinh dự.
 
Khi đất nước mới hoàn toàn giải phóng, những thành quả nghiên cứu phục vụ quân dân của chúng tôi được đưa vào phổ biến và phát triển ở miền Nam, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5. Thấy thành tựu y tế cách mạng rất có hiệu quả, có bác sĩ ở miền Nam phát biểu với tôi “y học miền Bắc phát triển với sắc thái đặc biệt”, “thế ra các bác sĩ miền Bắc cũng giỏi đấy chứ” vì trước kia họ cho rằng các bác sĩ miền Bắc đều là các bác sĩ bổ túc kém cỏi. Các đồng nghiệp đó ngày càng tin tưởng vào đường lối y tế của Đảng ta và trọng thị y học cách mạng miền Bắc khi thấy cụ Nguyễn Thị Yến người Sài Gòn, 82 tuổi được mổ bằng châm tê lấy ra hòn sỏi rất to, nặng hơn 2 kg mà vẫn tỉnh táo ngâm thơ: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng’ và cụ cám ơn các thầy thuốc, cám ơn Đảng và Bác Hồ với câu thơ “Tưởng bây giờ là bao giờ. Sống được là nhờ Đảng và Bác Hồ cứu tôi”.
 
Tiếp năm 1979 lại xảy ra chiến tranh biên giới, tôi lại cùng anh chị em trở lên Quân y viện 5 phục vụ chữa vết thương và mổ chiến thương cho thương binh từ mặt trận đưa về. Có những đợt tôi còn dẫn đồng nghiệp lên trạm phẫu thuật tiền phương ở xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên để mổ châm tê cho thương binh, không quản đường xa gập ghềnh và trong tầm pháo của bên kia bắn sang cháy đỏ rực cả cỏ cây. Đợt này tôi lại bổ sung thêm kinh nghiệm và cùng anh em viết cuốn “Châm tê trong ngoại khoa” để phổ cập. Trong thời gian này tôi đã được mời đi dự hội nghị và giảng dạy châm cứu ở các nước trên thế giới bắt đầu từ Pháp, Ý đến 39 nước ở khắp châu Âu, được thế giới gọi là “Cây kim thần kỳ Việt Nam”. “Bàn tay vàng Việt Nam”. Đặc biệt ống kính thế giới đã quay nhiều hình ảnh hoạt động của châm cứu Việt Nam ở các nước như: 
 
Ca mổ châm tê làm chấn động nước Italy
 
Cây kim kỳ diệu làm người câm nói được.
 
Ca mổ lấy sỏi mật ở Pháp, bệnh nhân vừa nằm trên bàn mổ vừa uống cà phê
 
Bốn cây kim thay cho 1 ca mổ đẻ.
 
Ca chữa liệt nửa người hơn 2 năm cho thái tử Irắc mà nhiều chuyên gia nước ngoài đã không chữa khỏi.
 
Các nhà lãnh đạo của một số nước đã đánh giá cao về tinh thần chiến đấu anh dũng của nước ta, của nhân dân ta trong đó có châm cứu của nước ta.
 
Tổng thống Italia phát biểu: “Thầy thuốc Việt Nam xứng đáng đã được chủ tịch Hồ Chí Minh dạy dỗ”.
 
Thủ tướng Pháp Pierre Mauroi nói “Tôi quý nền y học Phương đông của Việt Nam, tôi đón giáo sư Việt Nam như một người khách quý”
 
Tổng thống Irắc phát biểu: “Chúng tôi đã học được tinh thần quả cảm quyết tử để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Rất cám ơn Chính phủ Việt Nam đã cử thầy thuốc có tài đức sang chữa khỏi bệnh cho Thái tử của tôi”.
 
Chủ tịch Liên hiệp Hội châm cứu quốc tế, giáo sư Vương Tuyết Đài (Trung Quốc) đã phát biểu: “Châm cứu của Việt Nam có bề dày lịch sử mấy ngàn năm, đã có nữ châm cứu Bảo Cô là thầy thuốc của Việt Nam và Trung Quốc. Châm cứu Việt Nam có trình độ lý luận và kỹ thuật tương đối cao, và có nhiều kinh nghiệm tổ chức. Hiếm có lãnh đạo Nhà nước nào mà lại quan tâm đến Y học cổ truyền và châm cứu như Đảng và Chính phủ Việt Nam”.
 
GIAI ĐOẠN 1982-2000 TỪ KHI THÀNH LẬP VIỆN CHÂM CỨU:
 
Trong những dịp được Bộ cử đi công tác giảng dạy hoặc dự Hội nghị Châm cứu ở thế giới, tôi đã nhận thức được rằng: “ Châm cứu Việt Nam có một lịch sử lâu đời mấy ngàn năm nhưng chưa có cơ sở để nghiên cứu khoa học nên cần phải có một Viện nghiên cứu Châm cứu để làm việc đó”. Tôi đã đề nghị và được Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đồng ý xin phép Chính phủ cho thành lập Viện, ngày 24 tháng 4 năm 1982, Viện Châm cứu Việt Nam đã ra đời và tôi được cử làm Viện trưởng. Tôi rất mừng đã vượt qua được nhiều “Phong ba bão táp”, đứng vững trên vị trí của một Đảng viên lớn lên từ Quyết tử quân, một thầy thuốc mà nhân dân yêu quý, gần gũi, nhất là những bệnh nhân bất hạnh, nghèo khó, đau khổ. Viện đã được thành lập nhưng chưa có cơ sở để làm việc, tôi đã lãnh đạo Viện, động viên trong Đảng cũng như ngoài Đảng nêu cao tinh thần thương yêu đoàn kết “chia sẻ ngọt bùi, no đói có nhau, quyết tâm lao động xây dựng viện” dù bước đầu chỉ là vài căn nhà nhỏ bé để cứu chữa bệnh nhân. Sau đó xin được một mảnh đất ở cánh Đồng Si – Vĩnh Hồ (Viện hiện nay) là một bãi đất bùn lầy nước đọng chỉ có cỏ gai, bụi rậm.
 
Thời gian đầu khó khăn này, kinh phí Nhà nước còn chưa duyệt, tôi nghĩ không thể chờ đợi được mà phải hướng ra các nước ngoài nhờ các bạn quốc tế tin tưởng yêu mến châm cứu Việt Nam:
 
Các bạn đã đưa tôi đến Thụy Sĩ giới thiệu nước này giúp đỡ xây dựng Viện Châm cứu Việt Nam để chữa cho bệnh nhân Việt Nam, đặc biệt là người nghèo, và cũng là chỗ để các bạn nước ngoài sang trao đổi, học tập châm cứu Việt Nam. Trước mắt, Thụy sĩ giúp cho Viện một số dụng cụ y tế, vải vóc, máy photocopy, quạt máy, máy điện châm... và 4 ngôi nhà lắp sẵn mua từ Phần Lan gửi về với 100 chiếc giường gồm đầy đủ đệm, ga, chăn, màn để phục vụ bệnh nhân.
 
Riêng ở Pari, tôi đã vận động một số giáo sư là bạn người pháp và một số Việt Kiều yêu nước tổ chức giúp một hội nghị giới thiệu châm cứu Việt Nam, bán đấu giá bức tranh tố nữ Việt Nam lấy tiền, tổ chức lớp cho tôi dạy châm cứu để lấy tiền, đưa bệnh nhân đến cho tôi khám, chữa để lấy tiền. Tổng cộng các tiền đó đều đem về xây dựng Viện, mua sắm dụng cụ, nuôi cán bộ nhân viên. Sau đó tôi lại nhân chuyến sang Pháp và Thụy Sĩ giảng dạy châm cứu, nhờ bạn giúp thêm cho 50.000FF gửi trả cho ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để trả tiền căn nhà mà Unimex đã xây dựng. Khi đã trả được tiền nhà, cùng với 4 chiếc nhà gỗ Thụy Sĩ giúp đỡ, và Nhà nước cấp cho một số kinh phí tuy còn ít, nhưng tôi đã chỉ đạo cán bộ nhân viên của Viện lao động ngày đêm, lấp hồ, san nền, làm đường để đưa cơ sở của Viện sớm vào hoạt động. Trước tình hình đó tôi đã đặt ra kế hoạch hoạt động toàn diện như sau:
 
Lo đời sống cho cán bộ nhân viên lao động xây dựng Viện cùng với chăm sóc người bệnh tận tình mà đồng lương quá ít ỏi. Tôi có kế hoạch giảng dạy ở nước ngoài lấy tiền làm quỹ phúc lợi cho Viện (gọi là nắm cơm của Viện để giải quyết khi đói). Tiền ăn trưa cho cán bộ nhân viên (30đồng/tháng, bây giờ là 120.000đồng/tháng). Giúp đỡ phụ cấp tối thiểu cho những người đến xin làm hợp đồng với Viện 60.000đồng/người/tháng, bây giờ là 150.000đồng/người/tháng. Mỗi chuyến đi công tác về, tôi đã mua hàng mấy trăm mét vải đủ sắc màu, hợp với từng người ở Viện để may them tấm áo vì lúc đó rất khó khăn, cũng mua lụa may áo cho các bà mẹ của cán bộ công nhân viên (70 -80 tuổi).
 
Cảm động trước “Bát cơm phiếu mẫu trả ơn ngàn vàng”, cán bộ nhân viên đã tích cực cùng lành đạo xây dựng Viện không quản nhọc nhằn, ai cũng vì Viện, vì những người bệnh tật ốm nghèo đau khổ.
 
Động viên toàn viện một lòng, một dạ phục vụ bệnh nhân.
 
Bệnh nhân đến với viện đa số là bệnh nhân nặng lại từ các địa phương, hầu hết là người nghèo nên Viện không thu viện phí là rất ít.
 
Với tinh thần lương y như từ mẫu, như người ruột thịt, Viện tận tụy điều trị nhưng cũng hết sức lo đời sống (ấm mùa rét, mát mùa hè) nếu thiếu thốn vật chất, Viện tạo điều kiện giúp (tiền tàu xe đi về) hoặc giúp các bệnh nhân nặng không có tiền ăn. Đặc biệt các cháu đều được nuôi ăn. Khi được biết các cháu bệnh nặng ở địa phương, Viện cho xe và Bác sĩ đến tận nhà đón lên (Đắc lắc, Tam Đảo) nhưng lực bất tòng tâm. Viện chỉ có ít giường mà nhiều cháu bị bệnh nặng. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện ta còn 3 triệu trẻ em tàn tật (liệt, câm điếc, mù, mất trí...) Viện không thể nào gánh hết được nên chúng tôi đã xin phép Chính phủ thành lập “Hội cứu trợ trẻ em tàn tật” nhằm: Cứu chữa bệnh và bảo trợ về ăn uống, thuốc men. Hội ra đời đã 7 năm nay, toàn Viện là hội viên, là người đỡ đầu, chữa ở Viện, đi các địa phương chữa và bồi dưỡng cho cán bộ địa phương. Nuôi các cháu, động viên, quyên góp từ các nhà từ thiện, các tập thể, các công ty trong nước và ngoài nước. Trong 15 năm trước kia nuôi mỗi cháu 2000-3000 đồng/ngày, nay xin viện trợ mỗi cháu ăn 6000đồng/ngày. Tuy đã thành lập được 30 trung tâm trong 61 tỉnh thành, nhưng vì gặp khó khăn kinh tế, 7 năm qua mới nuôi và chữa bệnh với con số 15 ngàn cháu/3 triệu cháu: Ngày đêm vẫn là trăn trở của lòng tôi.
 
Vì luôn lo chữa bệnh cho địa phương nên kế hoạch của Viện là lãnh đạo viện và cán bộ chuyên môn là mỗi năm phải đi đến 40-45 tỉnh thành, nhiều nơi phải xuống huyện xã, để bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương và chữa bệnh cho dân nghèo.
 
Đối với kế hoạch tăng cường xuống xã của Bộ, tôi đã đến 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai: bàn đào tạo chuyên môn, chữa bệnh thông thường và đặc biệt châm cứu chữa bệnh khó và châm tê mổ bướu cổ, châm cứu cai nghiện ma túy.
 
Tiến hành nghiêm chỉnh nghiên cứu khoa học theo hướng kết hợp Đông – Tây y.
 
Gần 20 đề tài của tôi đã làm trong những năm trước đây. Nay với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, chúng tôi đã tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cận lâm sàng đồng thời nhằm bồi dưỡng đào tạo tiến sĩ chuyên sâu, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I và II. Ngành thì ra đời đã lâu nhưng Viện và Hội thì sinh sau đẻ muộn. Nhưng trong thời kỳ đổi mới tôi đã hướng dẫn các nghiên cứu sinh và cao học nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước được xếp loại khá và xuất sắc. Châm cứu chữa liệt, câm điếc, điện châm cắt cơn đói và cai ma túy, châm tê để mổ… là các đề tài đã nghiệm thu đang đưa vào phổ cập ở mạng lưới châm cứu địa phương, phục vụ sức khỏe cộng đồng. Đã viết và xuất bản 18 sách châm cứu, trong đó có 4 đầu sách đã in ra tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga, được bạn bè hâm mộ.
 
Trong thời kỳ đổi mới đã cùng trường Đại học Y Hà Nội, Học viện quân y, Viện y học dân tộc quân đội đào tạo được 25 tiến sĩ chuyên ngành, 28 thạc sĩ, 40 bác sĩ chuyên khoa I, II chuyên ngành châm cứu, trong nước mở được 90 lớp đào tạo được 5700 thầy thuốc châm cứu. Đối với người nước ngoài, đã mở được 3500 học viên là bác sĩ nước ngoài. Với sự nỗ lực của bản thân trong gần 50 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới phấn đấu thực hiện tốt đường lối của Đảng, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ xây dựng cho ngành châm cứu Việt Nam phát triển mạnh mẽ, phục vụ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng. Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Viện châm cứu và bản thân tôi: Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ truởng, Cờ thi đua của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các Huân chương Lao động hạng I, II, III và nhiều bằng khen của Thủ tướng, Chính phủ, Cục quân y, Bộ Y tế.
 
Tôi nguyện tiếp tục phấn đấu theo chủ trương của Đảng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, xây dựng xã hội công bằng văn minh, đẩy mạnh công tác châm cứu, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp.
 
Anh hùng Lao động - Giáo sư Nguyễn Tài Thu
 
Ý kiến của bạn