Góp phần đổi mới và xã hội hóa ngành Dược Việt Nam

 2782 lượt xem
 

Tôi sinh ra ở Long An, năm nay 75 tuổi đời và 50 tuổi Đảng. Hoạt động học sinh yêu nước từ năm 1942, học dược năm 1944, tham gia Việt Minh tháng 6 – 1944, rồi Cách mạng Tháng 8 và Nam bộ kháng chiến. Sau tập kết năm 1955, làm công tác quản lý tại văn phòng Bộ Y tế; đến đầu 1970 đi B làm công tác trí vận trong thành phố Sài Gòn; đến ngày giải phóng được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế cho đến 1991 nghỉ hưu, có 5 năm kiêm nhiệm Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Suốt 56 năm qua, lúc nào cũng gắn bó với ngành y dược, song song tôi làm công tác thanh niên, và công tác giáo dục, đến nay vẫn còn đi dạy. Trong 30 năm chiến tranh, tôi có hơn 8 năm công tác trong thành phố bị chiếm, 3 năm đầu với công tác thanh niên, và 5 năm sau làm công tác trí vận. Hiện nay, tôi được giao trọng trách Phó Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Chủ Tịch Hội Dược học Việt Nam, và Chủ tịch Hội Y Dược học Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau ngày giải phóng, tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, tôi trực tiếp chỉ đạo và triển khai kế hoạch tiếp thu cơ sở y dược của chế độ cũ, tham gia quy hoạch bước đầu mạng lưới y học, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước ổn định và phát triển sản xuất thuốc, tròn đó đẩy mạnh công tác dược liệu và sử dụng thuốc nam, xây dựng lại mạng lưới phân phối phù hợp với tình hình mới, nhất là đề xuất và được chấp nhận việc vận động kiều bào gửi thuốc về nước dưới dạng quà biếu. Ở Trung ương, từ năm 1982 với nhiệm vụ phục vụ ngành dược, tôi đứng ra thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam mà tôi kiêm nhiệm Tổng giám đốc, tổ chức Công ty xuất nhập khẩu y tế, xây dựng và chỉ đạo chương trình nghiên cứu cấp nhà nước với tên “tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng 3 cơ sở nghiên cứu và trồng dược liệu tập trung ở Eakao (Buôn Ma Thuột), ở Đà Lạt với trại giống cây thuốc và ở Mộc Hóa (Long An) với xí nghiệp tram, thực hiện kế hoạch hợp tác về dược liệu với Liên Xô cũ, về sản xuất thuốc với tổ chức Y tế thế giới, đẩy mạnh việc sản xuất thuốc ở các Xí nghiệp Trung ương, xây dựng và tăng cường các xí nghiệp dược phẩm tỉnh, phân cấp và tăng cường sản xuất thuốc ở tuyến huyện, phát triển sản xuất thuốc u học dân tộc ở hai xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 và 26. Đồng thời, tôi đã nghiên cứu và đề ra những phương châm chiến lượng xây dựng ngành dược Việt Nam, làm cơ sở lý luận của ngành, đến nay vẫn coàn được chấp nhận.
 
Mười năm bao cấp qua thật khó khăn. Tôi rất trăn trở, tuy đã ra sức tìm nhiều biện pháp đáp ứng nhu cầu về thuốc men ngày càng tăng của nhân dân, nhưng tình hình thiếu thuốc vẫn luôn luôn nghiêm trọng. Cho nên tôi hết sức phấn khởi đón nhận đường lối đổi mới của Đảng. Tôi nghĩ, chuyển sang cơ chế thị trường theo kiểu tư bản, mà phải theo cách của ta, phù hợp với điều kiện của Nhà nước, mở rộng và vẫn đảm bảo con đường tiến lên CNXH: cần dựa vào nhận thức này mà đổi mới ngành dược.
 
Nhưng phải có sự chuẩn bị. Tôi đề xuất 2 việc, và ra sức thực hiện sau khi được chấp thuận. Một là xóa bỏ cơ chế 2 giá, điều mà tôi luôn day dứt, vì trong nhiều năm, cơ chế này không những tạo ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng việc chăm sóc y tế, mà còn gây ra nhiều tiêu cực. Hai là xem cả nước là một thị trường thống nhất, không để còn bị chia cắt bằng ranh giới hành chính. Hai chủ trương trên đây đề ra đúng lúc được anh chị em cán bộ dược hết lòng hưởng ứng, và kết quả thực hiện đã làm tiền đề cho việc đổi mới thực sự của ngành.
 
Tiếp theo, tôi đề nghị 2 việc:
 
1. Ngành y tế cho phép dược sĩ mở nhà thuốc tư nhân. Thoạt đầu chuyển hướng qua trong này làm nhiều anh chị em lo ngại, sợ có thể đi chệch con đường XHCN. Nhưng sau khi bàn bạc thấu đáo, chủ trương được ủng hộ vào đầu năm 1989, tôi được thay mặt Bộ Y tế kí quyết định và hành nghề tư của dược sĩ. Chủ trương này thực tế đã đi vào cuộc sống, nên năm 1993 Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân, và hiện nay cả nước có trên 4.000 nhà thuốc. Điều này thể hiện rõ đường lối xã hội hóa công tác dược của Đảng và Nhà nước.
 
2. Nhà nước nên cho thành lập các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Vấn đề mới quá, chưa nghe nói bao giờ, nên nhiều anh chị em phân vân. Sau khi nghe trình bày nhiều lần, đồng chí Bộ Trưởng Bộ Y tế chấp thuận và ký quyết định cho phép thành lập. Đây là công ty cổ phần đầu tiên trong nước, vì lúc đó chưa có luật. Tôi mày mò nghiên cứu luật của các nước, và đã xây dựng được điều lệ của công ty Cổ phần, lấy tên là Trung tâm Dược phẩm Việt Nam, được Đại hội đồng cổ đông đầu năm 1990 thông qua, rất may là khi Luật Công ty được ban hành đầu năm 1991, điều lệ của Công ty không có điều gì phải sửa đổi, trừ tên được đổi là Công ty cổ phần Y Dược phẩm Việt Nam. 
 
Nguyện vọng của tôi, như được báo cáo với cấp trên, là tìm mô hình kinh doanh thuốc thích hợp. Sau 10 năm hoạt động, qua 4 nhiệm kỳ mà tôi được bầu làm Chủ tịch – Tổng Giám đốc Công ty, chỉ với số vốn khiêm tốn 1,9 tỷ của 19.000 cổ phần, không vay mượn thêm.
 
Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường
Phó Chủ tịch Hội Y dược Việt Nam
 
 
Ý kiến của bạn