Phú Thịnh trước đây vốn là một xã khó khăn của huyện Kim Động,tỉnh Hưng Yên. Vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Phú Thịnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ cho đời sống và sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới(NTM).
Làng quê Phú Thịnh hôm nay
Đồng chí Nguyễn Văn Bẩy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Trước năm 2005, Phú Thịnh còn là một xã nghèo, thuần túy là sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình khó khăn, tình hình chính trị của xã không ổn định. Với quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ năm 2005 trở lại đây Phú Thịnh đã bứt phá, nỗ lực vươn lên. Xã phát động, vận động nhân dân ngoài sản xuất nông nghiệp, mỗi gia đình có ít nhất một người đi làm ăn xa hoặc tham gia phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân gieo trồng những giống cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt chú trọng cây vụ đông. Đặc biệt từ sau khi Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX nhiệm kỳ 2010 – 2015 thành công, xã đã xây dựng ba chương trình hành động cụ thể đó là: phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và công tác xây dựng Đảng. Để Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, xã đã tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đến các tổ chức đoàn thể, các chi bộ và từng đảng viên. Từ định hướng, chủ trương và kỹ thuật trong nông nghiệp của lãnh đạo xã tới bà con nên năng suất lúa ở Phú Thịnh luôn đạt ở mức cao, từ 68 – 69 tạ/ha/vụ. Đặc biệt vụ mùa 2011, xã phối hợp với Công ty Miwon tài trợ các vụn mỳ chính bị lỗi trong sản xuất để cho nhân dân thay thế phân bón ruộng. Theo tính toán, nếu dùng sản phẩm trên để bón ruộng, chất lượng tương đương với phân bón và giảm chi phí cho bà con khoảng 150.000 đồng/sào. Ngoài ra xã cũng chú trọng phát triển cây vụ đông, chú trọng trồng các loại cây bí xanh, dưa chuột, đậu tương bởi đây là những loại cây dễ trồng, năng suất lại đạt cao. Diện tích trồng cây vụ đông của Phú Thịnh luôn đạt trên 80% diện tích cấy lúa.
Cùng với cấy lúa, trồng màu, trong lãnh đạo, đảng ủy xã Phú Thịnh vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm. Hiện nay, đàn trâu, bò của xã có trên 500 con, đàn lợn khoảng 2.300 con, khoảng 65.000 con gia cầm. Đặc biệt, một số hộ trong xã đã nuôi các giống đặc sản như kỳ đà, dế, nhím, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho địa phương. Năm 2010, giá trị thu được từ chăn nuôi đạt trên 16 tỷ đồng. Xã có 16 trang trại Vườn, ao, chuồng đạt tiêu chí của tỉnh. Để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và đi lại của nhân dân, ngoài một số tuyến đường qua địa bàn xã do tỉnh, huyện nâng cấp, sửa chữa, Phú Thịnh cũng chú trọng mở rộng đường giao thông nông thôn, đến nay trên 90% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa.
Trong phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, xã duy trì và phát triển các nghề truyền thống, đặc biệt là nghề mây tre đan ở thôn Quảng Lạc. Hiện nay, thôn Quảng Lạc có 80% số hộ tham gia làm nghề mây tre đan. Ngoài làm nghề, phát triển dịch vụ tại địa phương, ở Phú Thịnh có một đội gồm 15 tàu vận tải ở thôn Phú Cường chuyên vận chuyển cát, vật liệu xây dựng, 15 tổ thợ nề, cai thầu xây dựng, hơn 300 lao động chuyên chạy chợ… Các ngành nghề, dịch vụ trên đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương. Đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội thường xuyên được xã quan tâm, 4/4 làng được công nhận là làng văn hóa, hàng năm số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 90%. Đặc biệt ở Phú Thịnh là xã có 10 đội sản xuất nhưng mỗi đội có một nhà văn hóa là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động của nhân dân trong khu vực thu hút đông đảo nhân dân địa phương và người con địa phương đang sinh sống, làm việc ở xa cũng về dự.
Với những nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thời gian qua, đến nay Phú Thịnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Vinh dự và tự hào, năm 2011 này, Phú Thịnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn là một trong hai xã của huyện Kim Động để xây dựng NTM. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này xã đã hoàn thành đánh giá thực trạng tình hình địa phương, thành lập ban quản lý, trưởng ban là đồng chí chủ tịch UBND xã; hoàn thành phối cảnh khu trung tâm, lập sơ đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư và phân vùng sản xuất đến năm 2020. Dựa vào 19 tiêu chí của Trung ương về xây dựng NTM, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng đề án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển làng nghề mây tre đan, xây dựng các khu thương mại. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới...