Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI đã diễn ra 4 ngày từ ngày 21 đến 24/11/2000 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội. Đây là Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, là đỉnh cao các phong trào thi đua của cả nước trong 15 năm qua, thể hiện ý chí toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa nước ta vững bước tiến vào thế kỷ 21, động viên cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, ý chí vươn lên của nhân dân cả nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.
Về dự Đại hội có 900 đại biểu là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhân tố mới (407 tập thể anh hùng và cá nhân anh hùng, 298 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 195 điển hình tiên tiến) và 362 đại biểu là khách mời gồm có các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo các tỉnh thành phố, Bộ, ngành đoàn thể Trung ương.
Các đại biểu được hình thành: 61 đoàn địa phương, 07 đoàn khối Trung ương, 01 đoàn Bộ Quốc phòng, 01 đoàn Bộ Công thương, 01 đoàn kiều bào và 01 đoàn là người nước ngoài.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương phát biểu khai mạc Đại hội. Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đọc Báo cáo tổng kết biểu dương phong trào thi đua yêu nước trong suốt 15 năm đổi mới. Đại hội nghe 24 báo cáo điển hình tiên tiến và 8 báo cáo được tổ chức dưới hình thức giao lưu giữa các Anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến với Đài truyền hình Việt Nam. Đại hội đã nghe đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương báo cáo tổng kết Đại hội.
Trong chương trình Đại hội còn tổ chức cho các đoàn đi tham quan và giao lưu tại một số đơn vị, địa phương, Bộ, ngành như tham quan Đền Hùng tỉnh Phú Thọ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thuộc Bộ công nghiệp, và các đơn vị, cơ sở kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Thủy sản, Bộ Y tế, v.v… Đã tổ chức một buổi giao lưu trực tiếp giữa một số các Anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến rất xúc động để cả nước theo dõi, được nhân dân hoan nghênh.
I- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG.
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị tại văn bản số 195-CV/TW ngày 02/7/1999 về việc tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI, ngày 20/7/1999 Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã có kế hoạch số 18/HĐTĐKTTW về tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI.
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đã triển khai các công việc:
+ Hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kiểm tra phong trào thi đua, công tác khen thưởng của một số địa phương để đẩy mạnh phong trào thi đua ở cơ sở, nắm các điển hình, nhân tố mới kết hợp với thẩm định thành tích của một số cá nhân, tập thể do các Bộ, ngành, địa phương trình Nhà nước tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, danh hiệu Anh hùng.
+ Các thành viên Hội đồng trực tiếp triển khai công tác thi đua khen thưởng thuộc ngành mình quản lý.
+ Tổng hợp thành tích, thẩm định, làm các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xét quyết định phong tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc và danh hiệu Anh hùng đến trước ngày Đại hội. Việc xét chọn phong tặng danh hiệu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua được làm nghiêm túc trên cơ sở ý kiến của cấp ủy địa phương, bộ ngành và tập thể Hội đồng có sự thẩm tra chu đáo. Tuy nhiên do thời gian gấp, còn có một vài trường hợp có dư luận, cần tiếp tục kiểm tra thêm.
+ Tham gia và chỉ đạo Đại hội thi đua của các địa phương, bộ, ngành.
+Chủ trì phối hợp với một số Bộ, địa phương, bồi dưỡng và duyệt nội dung các báo cáo điển hình của một số cá nhân, tập thể báo cáo trước Đại hội toàn quốc.
Nhìn chung các thành viên của Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã có nhiều cố gắng tham gia đóng góp ý kiến chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng qua các kỳ họp của Hội đồng. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên của Hội đồng là kiêm nhiệm do đó việc phối hợp hoạt động còn không đều tay, một số đồng chí thường xuyên vắng mặt trong các buổi sinh hoạt của Hội đồng.
II- HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI
Thực hiện Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI và thành lập Ban Tổ chức Đại hội. công tác tổ chức đại hội đã được triển khai trong nước.
Tiến hành Đại hội thi đua các cấp ở các Tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương:
Trong năm 1999 và năm 2000, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Bộ và ngang Bộ, các đoàn thể chính trị, hiệp hội, các Tổng Công ty 91 đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ra chỉ thị về công tác thi đua khen thưởng, họp hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, rút ra những vấn đề về nhận thức công tác thi đua, đổi mới phương hướng tổ chức thi đua, xét khen thưởng và củng cố Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp. Đã triển khai hướng dẫn 03/HĐTĐKTTW ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI để đề ra kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua các cấp.
Kết quả các cấp, các ngành địa phương đã tổ chức được phong trào thi đua sâu rộng đến với cơ sở và người lao động với quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm (1999 – 2000) và qua tổng kết của các phong trào thi đua đã lựa chọn được các tập thể, cá nhân tiêu biểu về dự Đại hội thi đua của cấp mình. Đặc biệt là đã tiến hành xem xét, lựa chọn, thực hiện quy trình suy tôn danh hiệu Anh hùng. Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kì đổi mới để đề nghị Chính phủ và Nhà nước phong tặng và lựa chọn các điển hình xuất sắc có nhân tố mới về dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ IV với đầy đủ các đối tượng tập thể và cá nhân từ cơ sở gồm có phụ nữ, thanh niên, thiếu niên nhi đồng, dân tộc thiểu số, các tôn giáo, nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ quản lý, gương Đảng viên, gương hoạt động ở vùng sâu, vùng xa. v.v…
Các ngành, các địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung chỉ đạo các báo, đài phát thanh, truyền hình ở địa phương đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho Đại hội, tuyên truyền những gương Anh hùng và những tấm gương người tốt việc tốt qua các thời kỳ cách mạng, xuất bản những ấn phẩm về những chân dung người anh hùng và những tấm gương người tốt, việc tốt.
Những ngày tiến hành Đại hội tổ chức đưa tin, tranh ảnh mô tả về những tấm gương điển hình tiên tiến, thành quả truyền thống thi đua yêu nước của các ngành, các địa phương.
Kết quả chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Bộ và ngang Bộ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các Tổng Công ty 91 đã có nhiều cố gắng tổ chức Đại hội thi đua của tỉnh, thành phố và các cấp, tạo nên không khí phấn khởi, động viên phong trào thi đua trong giai đoạn mới đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, ở một số địa phương và nhiều cơ quan Trung ương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua. Việc xét chọn các danh hiệu thi đua rất lúng túng và nhiều nơi không xét chọn được những điển hình để khen thưởng, mặc dù có nhiều cán bộ, viên chức làm việc sáng tạo, có thành tích… Việc bình chọn những điển hình tiên tiến là công nhân, nông dân và người lao động còn quá ít, chưa đại diện lực lượng đông đảo là nông dân, công nhân của cả nước.
Tiến hành Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI ở Trung ương.
Các Tiểu ban được thành lập, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện: Tiểu ban nội dung, Tiểu ban tuyên truyền, và Tiểu ban phục vụ.
1. Tiểu ban nội dung.
Đã giúp Ban Tổ chức dự thảo các văn kiện chính của Đại hội:
- Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
- Báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải về tổng kết phong trào thi đua thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Bài phát biểu của Tổng Bí thư lê Khả Phiêu.
- Bài phát biểu tổng kết Đại hội của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Các văn bản trên đây nhìn chung có chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu của Đại hội.
- Cùng các Bộ, ngành xem xét và góp ý cho 51 báo cáo điển hình trình bày tại Đại hội đã phản ánh được các tấm gương tiêu biểu ở các lĩnh vực chủ yếu: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh – quốc phòng, các vùng, miền, địa bàn, các thành phần kinh tế, giới tính, dân tộc…
- Công tác phân bổ đại biểu về số lượng, cơ cấu đại biểu bảo đảm thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị tại văn bản số 195/CV ngày 02/7/1999 và yêu cầu của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
2. Tiểu ban tuyên truyền.
Đã sớm lên được kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội. Cho đến thời điểm này các nội dung trên đã được thực hiện theo kế hoạch, đạt kết quả tương đối tốt.
Tiểu ban đã chỉ đạo các báo đài ở Trung ương và địa phương mở chuyên mục: “Tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI” phản ánh các hoạt động hướng tới Đại hội. Thường xuyên họp báo chí công bố kịp thời các quyết định của Nhà nước về phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Tổ chức thi báo chí viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Cho xuất bản tờ gấp tuyên truyền Đại hội thi đua yêu nước với số lượng 1,5 vạn tờ gửi đến cơ quan thông tin tuyên truyền. Trước khi khai mạc Đại hội đã kịp thời xuất bản cuốn: “Chân dung các Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”, tổ chức triển lãm về hình ảnh Đại hội thi đua toàn quốc từ lần thứ nhất đến lần thứ V.
3.Tiểu ban phục vụ.
Với trách nhiệm lo toàn bộ công tác hậu cần cho Đại hội, công việc của Tiểu ban phục vụ nhiều, phức tạp và thường xuyên bị động. Tuy nhiên, Tiểu ban đã sớm xây dựng được kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể và triển khai thực hiện về cơ bản đạt được yêu cầu đề ra của Bộ Chính trị, nhất là đảm bảo được tiết kiệm.
Tiểu ban đã tổ chức in ấn hàng nghìn trang tài liệu phục vụ kịp thời cho Đại hội, chuẩn bị tặng phẩm cho hơn 1200 đại biểu, tổ chức tham quan và giao lưu với hàng chục cơ quan, tổ chức ăn ở, chăm sóc sức khỏe và đưa đón đại biểu chu đáo, tận tình, đảm bảo an toàn, đúng chế độ quy định; chuẩn bị hội trường và khu trung tâm triển lãm, khu trung tâm báo chí với đầy đủ các phương tiện kỹ thuật phục vụ Đại hội.
Về cơ bản, Tiểu ban phục vụ đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào kết quả của Đại hội.
Một số nhược điểm hạn chế của các Tiểu ban:
- Việc phân bổ đại biểu do thiếu phương pháp chỉ đạo kịp thời, quá trình xét duyệt phong tặng danh hiệu Anh hùng và các chiến sĩ thi đua chậm, dẫn đến thời gian triệu tập đại biểu quá gấp làm cho các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, đoàn thể, Tiểu ban phục vụ Đại hội rất lúng túng, bị động trong việc mời và đón tiếp phục vụ đại biểu.
- Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan, ảnh hướng đến tiến độ, phải làm đi làm lại nhiều lần.
- Nội dung và thời lượng tuyên truyền chỉ mới tập trung chủ yếu vào một số đài báo, còn nhiều báo chưa quan tâm đúng mức tuyên truyền cho phong trào thi đua. Do đó, nhiều điển hình tiên tiến chưa được truyền tải trên các thông tin đại chúng, hạn chế đến việc tuyên truyền, giáo dục, nhân các điển hình.
- Do số lượng đại biểu đông, triệu tập gấp, có nhiều trường hợp phải điều chỉnh cơ cấu đại biểu nên việc bố trí chỗ ăn, ở, bố trí ghế ngồi ở hội trường còn có trường họp bị động, việc tổ chức đi tham quan có đoàn chưa được chu đáo.
- Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra trong thời điểm đất nước sắp bước vào thiên niên kỷ mới, là Đại hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thời gian chuẩn bị lại ngắn, nên việc thực hiện rất khó khăn, song với sự cố gắng của Ban Tổ chức đã đạt được mục đích, ý nghĩa yêu cầu kế hoạch đề ra, có nội dung phong phú, tạo không khí phấn khởi và ấn tượng sâu sắc trong nhân dân.
III -ĐÁNH GIÁ CHUNG KẾT QUẢ ĐẠI HỘI THI ĐUA TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI
1. Đại hội thi đua yêu nước đã góp phần khẳng định thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng ta trong phát triển kinh tế - xã hội 15 năm qua, khẳng định phong trào thi đua yêu nước được thừa kế truyền thống chủ nghĩa Anh hùng cách mạng do Bác Hồ khởi xướng và phát động. Khơi dậy sức mạnh to lớn của dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tuy có gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã tạo động lực làm xuất hiện những tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những chiến sỹ thi đua, những gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác, nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác thi đua khen thưởng được khẳng định có vị trí và vai trò quan trọng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã có sự quan tâm hơn lãnh đạo công tác thi đua khen thưởng.
2. Qua biểu dương những tấm gương tiêu biểu xuất sắc nhất của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Đại hội chính là một hình thức tuyên truyền động viên có vị trí đặc biệt quan trọng, cần thiết, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng to lớn của thi đua và khen thưởng; hướng dư luận vào cái thiện, cái tốt, cái tích cực, để hạn chế cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, khơi dậy mặt tích cực và nhân lên các điển tiên tiến trong mỗi con người, trong mỗi đơn vị và trong toàn xã hội.
3. Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 03/61998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng giai đoạn cách mạng mới, Đại hội lần này là mốc đánh giá cao của phong trào, đồng thời khẳng định phải tiếp tục dấy lên phong trào thi đua mới trong những năm đầu thế kỷ 21, với nội dung, phương thức, hình thức thi đua phong phú, lôi cuốn mọi tầng lớp nhâm dân và các cơ quan đơn vị hướng vào nhiệm vụ lao động sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác. Lấy công tác tuyên truyền phát huy kế quả của Đại hội, gương điển hình xuất sắc nhất của các Anh hùng, chiến sỹ thi đua để giáo dục, nêu gương, động viên phong trào.
4. Công cuộc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã trải qua 15 năm. Trong 15 năm, toàn Đảng, toàn dân ta đã vượt qua bao gian khó với những thời cơ và thử thách lớn. Nhờ có những quyết sách rất quan trọng, đúng đắn, kịp thời của Đảng nên trong khó khăn gian khổ đã xuất hiện biết bao những tấm gương sáng ngời lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, hết lòng vì sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI, mặc dù đã được tổ chức quy mô, có nhiều nội dung mới, song vẫn chưa bao quát, phản ánh được hết thực tế phong phú và đa dạng của phong trào thi đua thật sự của quần chúng nhân dân ở cơ sở.
IV-MỘT SỐ CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM CẦN TRIỂN KHAI SAU ĐẠI HỘI:
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, đoàn thể chính trị, Tổng Công ty 91 cần tập trung chỉ đạo một số việc trọng tâm sau đây:
1. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo đẩy mạnh các phong trào thi đua của quần chúng hiện có, đồng thời xây dựng nội dung, mục tiêu thi đua trong giai đoạn mới, kế hoạch 5 năm (2001-2005) ở các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
2. Đẩy mạnh việc tuyên truyền nhân rộng những gương điển hình xuất sắc, gương người tốt, việc tốt, chú trọng tới hoạt động tuyên truyền ở cấp cơ sở xã, phường, quận, huyện, phát hiện và khen thưởng kịp thời những gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, động viên phong trào.
3. Trước mắt cần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Đảng và Nhà nước phát động từ tháng 4 năm 2000 với mục tiêu cụ thể.”
+ Đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp.
+ Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
- Với nội dung của phong trào là:
+ Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói, giảm nghèo.
+ Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.
+ Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
+ Xây dựng môi trường văn hóa sạch – đẹp – an toàn.
+ Xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – thể thao cơ sở.
4.Tập trung nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật Khen thưởng để Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội năm 2001. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức thi đua khen thưởng các cấp để đáp ứng nhiệm công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn cách mạng mới.
Trên đây là một số nội dung công tác quan trọng trước mắt của hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, đề nghị các Bộ, ngành địa phương và đoàn thể chính trị cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước ngay những ngày đầu, tháng đầu của năm 2001.
Với sự đóng góp của các ngành, các cấp và các cơ quan đơn vị trong cả nước, đặc biệt là các Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp tham gia phục vụ, Đại hội đã đạt được nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra.