Xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) ở Lào Cai sẽ tạo ra nền nông nghiệp của địa phương phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết quả bước đầu
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, chính trị và quốc phòng-an ninh thông qua các chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực. Đến thời điểm này, Lào Cai đã cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Để đẩy nhanh tiến độ, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM; thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, thành phố; toàn bộ các xã (144 xã) trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban quản lý xây dựng NTM.
Tuy là tỉnh khó khăn, nhưng Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ xã xây dựng NTM cao nhất cả nước, có 35 xã thuộc hầu hết các huyện, thành phố được chọn làm điểm xây dựng NTM. Trước mắt, địa phương đã lựa chọn 4 xã là: Quang Kim (huyện Bát Xát), Nậm Cang (huyện Sa Pa), Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) thực hiện thí điểm hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2012. Qua đó, rút kinh nghiệp trong công tác chỉ đạo triển khai xây dựng NTM cho các xã còn lại trên địa bàn.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng chương trình NTM Lào Cai, đến nay địa phương đã có 144/144 xã hoàn thành công tác lập đề án, đã duyệt xong quy hoạch cho 4 xã chỉ đạo điểm và đang triển khai lập quy hoạch cho 100 xã còn lại.
Về công tác tuyên truyền, Lào Cai đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân nhằm huy động sức mạnh, nguồn lực của cả cộng động cho xây dựng NTM. Đặc biệt năm 2010, đã tổ chức tập huấn cho 150 học viên; năm 2011 tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho trên 800 học viên là thành viên Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở với kinh phí thực hiện 760 triệu đồng.
Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, Lào Cai đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn do dân góp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư trên 222 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã, công trình điện, xây dựng đường giao thông nông thôn. Riêng xã Quang Kim (được chọn làm xã điểm xây dựng NTM) đã được đầu tư trên 173 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đi lên từ khó khăn
Thực tế qua quá trình triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ cấp xã còn hạn chế. Hơn nữa, việc phân bố dân cư ở các thôn, bản còn rải rác, công tác quy hoạch chưa được thống nhất, lâu dài, vị trí trung tâm của các xã còn hạn hẹp, hết quỹ đất. Hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém. Công tác vệ sinh làng, bản, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế... ..
Vấn đề khó khăn nhất là huy động vốn, bởi để xây dựng toàn bộ các xã đạt chuẩn NTM cần phải có nguồn lực lớn. Theo tính toán của cơ quan chuyên ngành, Lào Cai cần có khoản kinh phí đầu tư khoảng 27.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho giai đoạn 2011-2015 là trên 14.775 tỷ đồng, gồm từ nguồn ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
Nội dung quy hoạch nông thôn được xác định là nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, song việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới hiện nay lại đang bị vướng. Chẳng hạn, quá trình lập quy hoạch sẽ không thể thực hiện được nếu mỗi xã phải đảm bảo các tiêu chí có một chợ, một sân vận động, một nhà văn hoá, một nghĩa trang tập trung… Nếu thực hiện như vậy sẽ không sát thực tế và không phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, thói quen của từng địa phương. Để giải quyết những vướng mắc này, cần phải có hướng dẫn của các Bộ, ngành có tính “mở” để các địa phương có thể thực hiện cho phù hợp, đặc biệt là đối với các tỉnh vùng cao có địa hình tự nhiên phức tạp như Lào Cai.
Là tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, nếu đối chiếu với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì chỉ có ít địa phương trong tỉnh đạt được một số tiêu chí trong 19 tiêu chí đã được ban hành. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Lào Cai đã xây dựng theo lộ trình trong giai đoạn 2010 - 2015, bình quân mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có từ 3 - 4 xã đạt nông thôn mới; giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu xây dựng 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2015 phấn đấu có 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hết năm 2020 có 50% số huyện đạt chuẩn NTM.
Để xây dựng thành công NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai cần xác định đây là cuộc vận động mang tính toàn diện, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy tối đa vai trò của người nông dân trong tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.