Hiện với diện tích đất 4,5ha, anh Khánh dành 3ha trồng lúa, 1,5ha trồng đậu phộng. Xung quanh nhà, anh xây chuồng nuôi heo và bò. Tổng cộng các nguồn thu của gia đình anh trên 370 triệu đồng/năm.
Rời quân ngũ năm 1984, anh Trần Văn Khánh (ở ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An) theo nghiệp cha ông, làm nghề nông trên 5 công (5.000m2) vườn và ruộng của cha mẹ cho. Đất ít, anh vừa trồng đậu phộng (lạc), vừa trồng lúa, nhưng năng suất không bao nhiêu, giá cả thì thấp (đậu khoảng 3.000/kg, lúa từ 1.000-1.500/kg), nên đời sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
Anh kể: “Ngoài công việc đồng áng, vợ chồng tôi mở lò nấu rượu để lấy hèm nuôi heo. Mỗi đêm, tôi đốt đèn dầu xay đậu lấy hạt đem ra chợ bán…”. Nhờ cần cù chịu khó, năm 1998, anh mua được máy cày tay để làm đất và xới đất thuê cho bà con trong vùng. Dành dụm được bao nhiêu tiền, anh mua thêm đất. Năm 2002, anh bán máy cày nhỏ, mua máy cày lớn và mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Trần Văn Khánh chăm sóc ruộng đậu phộng.
Hiện với diện tích đất 4,5ha, anh Khánh dành 3ha trồng lúa, 1,5ha trồng đậu phộng. Xung quanh nhà, anh xây chuồng nuôi heo và bò. Mỗi năm anh làm 2 vụ lúa, trừ chi phí lãi trên 35 triệu đồng; 2 vụ đậu phộng thu được hơn 80 triệu đồng; xuất chuồng 3 lứa heo, mỗi lứa 20 con heo thịt, tổng cộng trên 1 tấn. Với giá heo hơi hiện nay, trừ chi phí, anh còn lãi gần 200 triệu đồng. Với 3 con bò cái và 1 con bò đực, mỗi năm anh bán 3 con bê thu về trên 30 triệu động.
Riêng về mảng dịch vụ, mỗi năm anh Khánh xới thuê trên 20ha đất, tiền công 1ha từ 1,8-2 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 1 triệu đồng/ha. Anh Khánh tiết lộ, tổng cộng các nguồn thu của gia đình anh trên 370 triệu đồng/năm. Vui hơn, anh chăm lo được cho 2 con học hành đến nơi đến chốn. “Tui cố gắng giữ mô hình này bền vững”- anh Khánh chia sẻ về hướng sản xuất sắp tới.