Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng trong năm 2011 của tỉnh Vĩnh Phúc

 10197 lượt xem
Năm 2011 là năm đầu thực hiện kế hoạch 05 năm 2011-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV; tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, song cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Ngay từ những tháng đầu năm UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tỉnh năm 2011 và giai đoạn 2011-2015, quyết tâm xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ này. Với mục tiêu thi đua là: “Thi đua đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức mạnh của nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ kiềm chế lạm phát. Bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị trên địa bàn tỉnh bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, nông dân và người lao động tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

 Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm, thường trực Hội đồng TĐKT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh đăng ký thi đua năm 2011 với Ban TĐKT Trung ương, ký giao ước thi đua với Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Hội đồng TĐKT các huyện và các Sở, Ban, Ngành, Doanh nghiệp đã đăng ký thi đua với Hội đồng TĐKT tỉnh và đã ký giao ước với các đơn vị trong khối thi đua, đồng thời tổ chức cho cán bộ, người lao động đăng ký thi đua năm 2011.
 
Để công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Ban TĐKT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tham mưu và trình Hội đồng TĐKT tỉnh ban hành Hướng dẫn số 28/HD-HĐTĐKT ngày 31/8/2011 về khen thưởng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và Chính phủ; Hướng dẫn số 21/HD-HĐTĐK ngày 12/8/2011 về hoạt động và bình xét thi đua của các khối thi đua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Ban đã tham mưu cho Hội đồng TĐKT tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng TĐKT tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng TĐKT tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND, Hội đồng Thi đua, Khen thưởng tỉnh các phong trào thi đua đã được tổ chức và triển khai sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của xã hội như: Phong trào thi đua tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp và thật sự là ngày hội của toàn dân với 99,24% cử tri đi bỏ phiếu; Phong trào thi đua phát triển công nghiệp xây dựng được phát động mạnh mẽ, tiêu biểu là phong trào thi đua: “Giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm” được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Phong trào thi đua phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển làng nghề được quan tâm chú trọng đầu tư, các làng nghề trong tỉnh ngày càng phát triển có hiệu quả như: Mộc Bích Chu, Thanh Lãng, Vĩnh Đoài, Vĩnh đông…Mỗi làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phong trào thi đua xây dựng kiên cố hoá đường giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, đến nay toàn tỉnh kiên cố hoá được gần 3.000km, tỷ lệ đường được xây dựng cứng hoá ở nông thôn đạt 74,5%. Phong trào “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh” được các cấp các ngành quan tâm triển khai rộng rãi. Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, phát huy dân chủ, ban hành và quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh…
 
Đặc biệt trong năm 2011, là năm “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, xây dựng nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh ta, hưởng ứng phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/9/2011 Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa 9 huyện, thành phố, thị xã với mục tiêu của phong trào thi đua là: Xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu đẹp văn minh; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng nâng cao khả năng cạnh tranh; Gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ; Gắn phát triển nông nghiệp với đô thị theo quy hoạch; Hệ thống chính trị vững mạnh xã hội ổn định, trật tự xã hội an ninh quốc phòng được giữ vững; Môi trường sống được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn góp phần xây dựng tỉnh trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21. Ban TĐKT đã phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Vĩnh Phúc, tham mưu cho UBND tỉnh chọn 1 huyện và 6 xã trong tỉnh làm điểm chỉ đạo để đăng ký với Trung ương;
 
 
Lễ ký kết giao ước thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng Nông thôn mới”
 
Cho đến nay các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tổ chức lễ phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đã có 5 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị sơ kết công tác Quy hoạch xã nông thôn mới của tỉnh.
 
Kết quả công tác khen thưởng trong toàn tỉnh tính đến hết tháng 11 năm 2011 đã có: 45 tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương; 104 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 75 cá nhân được Chủ tịch nước tặng kỷ niệm chương địch bắt tù đày; có 69 tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 12 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; có 73 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; có 2254 tập thể và cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 567 gia đình và cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích trong 2 cuộc kháng chiến; 410 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc (Đơn vị quyết thắng); 408 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Đối tượng được khen thưởng là cán bộ công chức, viên chức công tác ở cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh có tỷ lệ ngày càng cao. Thành tích của các tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực đã tạo nên rừng hoa đẹp, đóng góp nhiều thành tích quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
 
 
Ý kiến của bạn