Khắc phục khó khăn vượt lên chính mình

 2652 lượt xem
 

        Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa toàn thể Đại hội
 
Tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế tỉnh Hoàng Liên Sơn tháng 10/1978. Tháng 5/1979 tôi nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện tôi được điều về công tác tại bệnh xá Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến tháng 10/1982 xuất ngũ về công tác tại Bệnh viện huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Khi chuyển ngành tôi chỉ là một y sĩ quân y, để có được tấm bằng bác sĩ chuyên khoa I như ngày hôm nay, đối với các đồng nghiệp khác là một việc dễ dàng, nhưng đối với tôi thật sự là khó khăn. Tháng 10/1985, để có thể đi học đại học, tôi đã gửi con về quê ở thị xã Nghĩa Lộ khi cháu chưa đầy 2 tuổi, sau 3 năm tôi tốt nghiệp đại học và trở về công tác tại bệnh viện huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
 
Trong cuộc sống hiện tại với bao khó khăn chồng chất, bao áp lực của cuộc sống đời thường. Là một phụ nữ nhưng đứng ở vị trí trụ cột của gia đình với 2 con còn nhỏ. Năm 1994, gia đình tôi rạn nứt vì bất đồng quan điểm, chồng tôi ra 3 điều kiện:
- Không được đi học sau Đại học
- Phải đẻ con thứ ba vì hai cháu đều là gái.
- Không được vào Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
Sau một tuần suy nghĩ khi còn đang nằm trên giường bệnh vì bị mổ viêm ruột thừa. Tôi luôn trăn trở: Nếu đẻ cháu thứ 3 mà vẫn là con gái thì sao? Nếu tôi không tiếp tục đi học thì tôi sẽ không làm được nhiều việc của một nghề mà tôi đã tâm huyết cả cuộc đời… và tôi đã không chấp nhận điều kiện chồng tôi đưa ra. Tháng 10/1996 chúng tôi chia tay nhau. Được tin này mẹ đẻ của tôi ở thị xã Nghĩa Lộ bị ốm rồi mất, con gái lớn tôi bị mổ viêm ruột thừa, các sự việc đó đều xảy ra trong cùng một thời điểm năm 1996. Có lẽ không còn điều gì đau khổ hơn mà người phụ nữ phải gánh chịu. Thần kinh tôi căng thẳng, nhiều lần tôi đã phải uống thuốc ngủ chỉ để được ngủ được 1-2 giờ. Tôi đã khóc 2 đêm, cảm nhận sự mất mát và gánh nặng mà tôi phải gánh vác cả cuộc đời còn lại. Xong cũng chính từ sự mất mát đó tôi đã tự ý thức được bản thân: “Mình phải vươn lên, vì tương lai của các con tôi và vì vinh dự, khát khao của chính bản thân mình”. Tôi đã vừa đi học vừa nuôi con khôn lớn trưởng thành. Năm 1995 tôi đi học chuyên khoa sơ bộ tại Hà Nội, năm 1996 thi đỗ vào học chuyên khoa I. Cháu lớn học trường chuyên Hùng Vương phải xa nhà, cháu bé thứ 2 ở nhà một mình vừa tự học vừa tự chăm sóc bản thân khi mẹ vắng nhà. Với số lương 700.000đ/tháng của một bác sĩ tuyến huyện, tôi phải chia cho 3 mẹ con cùng đi học. Có nhiều lần tôi lên xe đi học mà hai mẹ con nước mắt lưng tròng. Năm 1998 tôi tốt nghiệp chuyên khoa I. Năm 2001 thi đỗ bác sĩ chính.
 
Tôi đã khóc nhiều lần khi con tôi đọc bài thơ:
Nhà không có bố buồn sao.
Con dao cũng thiếu cái đinh thì cùn
Bơm xe chẳng hiểu cái giun
Rát tay bật lửa đá cùn xăng khô.
Không có bố không thì giờ
Bữa cơm sáng muộn chẳng chờ chẳng mâm.
Ngày đông tháng rét mưa dầm
Dậy che mái dột âm thầm mẹ con.
Mỗi một câu thơ như những mũi dao đâm vào trái tim tôi rỉ máu.
 
Con gái thứ nhất của tôi thi đỗ đại học tại Học viện Ngân hàng, trong 4 năm cháu luôn là sinh viên giỏi được học bổng, cháu đã tốt nghiệp tháng 5/2005 và hiện công tác tại Ngân hàng Quốc tế ANZ (Hà Nội).
 
Con gái thứ hai của tôi 10 năm luôn là học sinh giỏi. Hiện tại cháu đang học lớp 11 trường Trung học phổ thông thành phố Việt Trì. Năm lớp 10 vừa qua cháu thi đạt giải 3 Anh văn của tỉnh.
 
Năm 2000 – 2002 tôi được tăng cường cho xã Thu Cường nhằm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở để tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Trong hoàn cảnh khó khăn, cháu thứ nhất vào Đại học, cháu thứ hai còn nhỏ yếu, bản thân không biết đi xe máy tôi đã cố gắng sắp xếp công việc cho phù hợp, động viên hai cháu tính tự lập, hoàn thành tốt công tác tăng cường. Xã Thu Ngạc là xã đặc biệt khó khăn, diện tích rộng, dân trí thấp, cách trung tâm huyện 25km, có 2 xóm vùng cao, cách trung tâm xã trên 3 giờ vượt núi đi bộ, cằm chấm gối. Tôi đã đồng cam cộng khổ với những điều kiện khó khăn thiếu thốn tại cơ sở, hòa nhập với cán bộ của trạm, nhường cơm sẻ áo với những cái đói cái nghèo của dân, thực hiện “đi dân nhớ, ở dân thương, về dân mong đợi”. Có những bệnh nhân đến trạm y tế cấp cứu không có lấy một nghìn đồng bị hen phế quản nặng, tôi đã cấp cứu qua cơn khó thở, sau 1 ngày không có ai chăm sóc tôi đã nhường bát mì tôm cho 2 mẹ con, nhường tấm chăn mỏng cho bệnh nhân. Có cháu bé viêm phổi sơ sinh nặng tôi đã điều trị cấp cứu khỏi, gia đình làng xóm làm lễ nhận con nuôi. Có bệnh nhân bị trâu húc lật ½ da đầu, rách đứt cả tai phải chuyển tuyến trên điều trị nhưng không có tiền, gia đình xin ở lại điều trị tại trạm, tôi đã khâu và điều trị phục hồi cho cháu. Trong 10 tháng tăng cường tôi đã giúp xã Thu Ngạc tổ chức lại công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, sau chuyến đi tăng cường hiệu quả đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong nhân dân các xã vùng cao của huyện Thanh Sơn. Ngày 8/3 tôi đã tình nguyện đóng góp 1 tháng lương tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho chị em phụ nữ nghèo được 285 chị. Sau 10 tháng đi cơ sở tôi đã được Sở y tế khen ngợi.
 
Khi trở về công tác tại bệnh viện Trung tâm, là một bác sĩ chuyên khoa I phụ sản chịu trách nhiệm chính về công tác sản phụ khoa, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em trong toàn huyện, tôi đã mổ cấp cứu trên 800 ca an toàn. Là một huyện miền núi, dân trí thấp, nghèo đói, phương tiện thiếu thốn mọi thứ, đã nhiều lần tôi phải mổ cấp cứu bằng đèn pin, đỡ đẻ phóc sép bằng nền. Trong 800 ca mổ, chủ yếu cấp cứu sản là chính: GEU, mổ đẻ ngôi bất thường, dọa vỡ và vỡ tử cung, cắt tử cung bán phần, u nang buồng trứng xoắn, mổ viêm phúc mạc ruột thừa, viêm ruột thừa, thủng dạ dày, cắt ruột… Đã cấp cứu hàng trăm ca từ cõi chết trở về, giành giật từng phút từng giây sự sống cho người bệnh, đưa người bệnh trở về với cuộc sống cộng đồng, mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tôi xin kể một vài ca điển hình:
 
Một bệnh nhân chửa ngoài tử cung ngập máu ổ bụng, đến viện trong tình trạng mạch không, huyết áp không, co giật, tim ngừng đập, chúng tôi đã bóp tim ngoài lồng ngực, mổ cấp cứu truyền máu cho bệnh nhân 5 đơn vị máu (2.5 lít) đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Tám, 28 tuổi ở trị trấn Thanh Sơn, mổ đẻ con được 7 tháng.
 
      Bệnh nhân Hà Thị Dương, 22 tuổi, nhiễm chất độc da cam dọa vỡ tử cung đã mổ cấp cứu mẹ tròn con vuông. Gia đình bồi dưỡng cho kíp mổ 200.000đ, tôi đã thay mặt kíp mổ gửi lại số tiền cho gia đình bồi dưỡng cho sản phụ.
 
Chúng tôi đã cấp cứu mổ, tổ chức cấp cứu thành công, nhiều ca sản giật, là một trong 5 tai biến sản khoa nặng nề nhất (bệnh nhân Hà Thị Tuyết, 22 tuổi, có thai lần 3, liên tục 40 cơn giật ở nhà, vào viện hôn mê sâu, vô niệu và giật liên tục, thai nhi dị dạng) sau 24 giờ vật lộn với tử thần, chúng tôi đã điều trị bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường. Có những ca vì dân trí thấp, lại nghèo, phá thai ngoài bệnh viện bằng cách đóng que vào tử cung, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt cao 41 độ, mê sảng, rối loạn tâm thần, thiếu máu nặng, tôi đã điều trị lấy thai và dị tật còn nguyên que trong tử cung ra ngoài bằng đường dưới, sau 5 ngày điều trị bệnh nhân đã khỏi và ra viện. Đó chỉ là một số ca trong hàng nghìn ca bệnh hiểm nghèo mà tôi đã gặp. Ngoài ra tôi còn là bác sĩ chủ đạo trong công tác cấp cứu chấn thương của trạm, có ngày chúng tôi cấp cứu tới 13 ca tai nạn giao thông, cùng với các bác sĩ tăng cường của tỉnh mổ đóng đinh nhiều ca gẫy xương, làm giảm bớt khó khăn về mặt kinh tế cho bệnh nhân. Tôi đã không quản ngày đêm tham gia cấp cứu liên tục trong nhiều ngày, nhiều đêm trong tuần với tinh thần “lương y như từ mẫu”.
 
Trong cuộc sống và công tác, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn đó là sự mâu thuẫn trong cá tính, trong quan điểm, lòng đố kỵ trong chuyên môn đã có lúc làm tôi chần chừ không quyết đoán, làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tuy vậy tôi cũng cố gắng để những điều này không ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mà tôi đã được giao.
 
Từ năm 2000 đến nay, tôi đã có 7 báo cáo khoa học được áp dụng rộng rãi vào thực tế đã được Sở Y tế chứng nhận, góp phần nâng cao chất lượng trong điều trị, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho nhân dân.
 
Ngoài ra tôi còn tổ chức quyên góp quần áo cũ, tã lót của chị em trong khoa cho bệnh nhân nghèo không có tiền, không có đồ dùng cho sơ sinh, hiện tại ở tủ của khoa luôn có một số quần áo tã lót cho bệnh nhân nghèo. Tôi tham gia khám bệnh và điều trị tại cơ sở mỗi năm xuống xã từ 3 – 4 lần; riêng năm 2004 có tháng đi 4 lần. Tham gia các hoạt động xã hội khác của Hội cựu chiến binh, đi thăm Đền Hùng, viếng Lăng Bác, dự thi tìm hiểu 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 60 năm thành lập nước.
 
Trong công tác xã hội ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, tôi đã tham gia nhiều công tác từ thiện như tham gia ủng hộ các quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, “Vì người nghèo”, xóa nhà tạm cho người nghèo, xóa nhà tạm cho hội ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt…
 
Từ những kết quả dù rất nhỏ của bản thân trong quá trình công tác, tôi đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu sau:
- Trong mọi điều kiện, dù ở hoàn cảnh khắc nghiệt nào muốn vượt qua nó trước hết phải có nghị lực và niềm tin, có ý chí quyết tâm vượt qua chính bản than mình.
- Phải có lòng vị tha nhân ái với mọi người, có tình yêu thương đồng loại, phải biết chia sẻ, biết chấp nhận, và biết hy sinh.
 
Cuối cùng xin kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội!
Chúc Đại hội thành công rực rỡ!
Xin chân thành cảm ơn!
 
Lê Thị Thanh Bình
Phó trưởng khoa Ngoại – Sản
Bệnh viện huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
 
 
 
Ý kiến của bạn