Vì cuộc sống bình yên của mọi người, không ngại khó khăn, gian khổ tấn công tội phạm

 2609 lượt xem
 
 Kính thưa: - Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
           - Các bà mẹ Việt Nam anh hùng,
             - Các quý vị đại biểu.
 
Hôm nay tôi rất xúc động và vinh dự, được đại diện cho các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua của lực lượng Công an nhân dân, lên báo cáo trước Đại hội về những việc làm của chúng tôi vì cuộc sống bình yên của mọi người đã thôi thúc chúng tôi không ngại khó khăn, gian khổ để tấn công tội phạm, trong thời gian qua.
 
Kính thưa Đại hội.

Tôi sinh năm 1967, trong một gia đình có bố mẹ đều là công nhân. Tháng 6/1990, tốt nghiệp Đại học cảnh sát nhân dân, được điều động về làm trinh sát ở đội điều tra trọng án, Phòng cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội. Đúng vào lúc đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mới ra trường, được hòa nhập vào không khí thi đua sôi nổi của một tập thể vừa được đón nhận danh hiệu Anh hùng, đó là môi trường thuận lợi để tôi học tập, rèn luyện. Quá trình từ khi là cảnh sát, đến khi là chỉ huy đội, rồi làm phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố phụ trách lĩnh vực điều tra trọng án, với trách nhiệm là người chỉ đạo và cũng là người trực tiếp cùng cán bộ chiến sĩ điều tra các vụ trọng án chưa rõ thủ phạm như: Giết người, Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Bắt cóc con tin, Buôn bán phụ nữ - Trẻ em, Hiếp dâm, Chống người thi hành công vụ.
 
Nhận thức sâu sắc vị trí của thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giao dịch quốc tế của cả nước, hàng ngày diễn ra các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế, mà cả nước và quốc tế quan tâm. Vì vậy công tác phòng chống tội phạm, để đảm bảo an ninh trật tự có vị trí quan trọng. Đòi hỏi công an Hà Nội phải phòng ngừa không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xấu lan truyền rất nhanh, gây bức xúc trong nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo các cấp và khách nước ngoài quan tâm. Cho nên lãnh đạo công an thành phố và chúng tôi là những người được giao nhiệm vụ mũi nhọn trên lĩnh vực này rất băn khoăn, lo lắng về trách nhiệm. Mỗi khi có vụ án xảy ra, chúng tôi lại nghĩ đến những hậu quả có thể gây ra cho mỗi gia đình, cho mỗi người dân. Trong khi mọi gia đình được sống trong bình yên hạnh phúc, thì lại có gia đình gặp rủi ro bất hạnh. Khi đến hiện trường, chứng kiến cảnh nạn nhân mình đầy thương tích do bị đâm chém, đánh đập, hoặc do súng đạn gây ra, thân nhân của nạn nhân khóc lóc kêu than, bố mẹ các cháu bị bắt cóc, sợ hãi lo lắng cho tính mạng của con mình. Hình dung đứa trẻ ngây thơ đang bị bọn tội phạm bắt giữ, khống chế để tống tiền… Những hình ảnh đó đã làm cho tôi xúc động, đau xót, căm giận và thương cảm với người bị hại và người thân của nạn nhân. Chính những tình cảm và suy nghĩ đó đã thôi thúc chúng tôi không ngại khó khăn gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến bản thân, ngày đêm lăn lộn nhanh chóng tìm cho ra thủ phạm, bắt chúng phải nhận tội trước pháp luật, để cố gắng lấy lại một điều gì đó mong làm vơi đi những tổn thương, mất mát cho thân nhân của người bị hại và ổn định tình hình xã hội.
 
Từ nhận thức, suy nghĩ trăn trở đó, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, tôi đã nghiên cứu các vụ quan trọng đã xảy ra nhằm tìm ra những nguyên nhân xảy ra vụ án và nguyên nhân làm chậm tiến độ điều tra, hiệu quả điều tra chưa cao. Từ đó mạnh dạn tham mưu đề xuất với Giám đốc công an thành phố những vấn đề mới, trong , trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn thủ đô như
 
Một là: Qua số liệu thống kê năm 1997 đến năm 2000, ở các huyện ngoại thành mỗi năm xảy ra 6-8 vụ án. Các đối tượng thuê xe máy chở khách đến chỗ vắng rồi dùng gậy, dao giết chết lái xe, cướp xe máy. Tôi đã cùng anh em tập tổng kết lại các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các vụ án đã xảy ra. Trên cơ sở đó tham mưu cho Ban giám đốc, chỉ đạo công an các quận, huyện, tổ chức điều tra cơ bản toàn bộ những người lái xe. Sau đó soạn thảo các tờ rơi để phát cho lái xe nhằm giáo dục ý thức cảnh giác tự bảo vệ mình và tài sản. Với nội dung ngắn gọn, nhắc nhở người lái xe phải cảnh giác với các dấu hiệu nghi vấn về thời gian, quy luật, thủ đoạn gây án của bọn tội phạm. Phương pháp xử lý tình huống nghi vấn. Kết quả từ năm 2000 đến năm 2004, các lái xe đã phát hiện, bắt giữ được hơn 40 vụ các đối tượng chuẩn bị gây án. Điển hình như ngày 5/5/2000, anh Thành làm nghề lái xe ở vườn hoa Gia Lâm phát hiện tên Khoát quê ở Quảng Ninh, có nghi vấn đã báo công an kiểm tra. Kết quả thu được một đoạn giây, một con dao. Các hung khí gây án này giống với một số vụ án trước đó. Qua đấu tranh, y khai nhận là thủ phạm gây ra vụ giết người, cướp xe máy ở Yên Viên trước đó gần 1 tháng. Số vụ giết người cướp xe máy đã giảm xuống mỗi năm còn một đến hai vụ. Năm 2003, 2004 không xảy ra vụ nào.
 
Hai là: Đổi mới chế độ thông tin tội phạm và phong cách làm việc. Để khắc phục tình trạng khi có vụ án xảy ra, thông tin qua nhiều lực lượng, nhiều cấp, đến khi nhận được tin báo xuống đến hiện trường, để tổ chức điều tra sẽ không kịp thời. Trong khi đó đặc thù của các vụ án là tin lan truyền nhanh. Tôi đã tham mưu cho cấp trên ra quy định: Yêu cầu công an cơ sở, khi phát hiện các vụ trọng án xảy ra, đồng thời phải báo cáo theo quy định thì thông tin thẳng cho chỉ huy đội trọng án. Khi nhận được thông báo, chúng tôi phải đến ngay hiện trường để chủ trì và phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ, công an cơ sở tổ chức điều tra. Các phần việc, các hướng dẫn điều tra đều có cán bộ của đội trọng án và cán bộ cơ sở cùng tham gia. Làm theo cách này, khi phát hiện có vụ án xảy ra chỉ sau 30 đến 40 phút, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để tổ chức điều tra. Với cách làm này đã xóa bỏ hoàn toàn việc nhân chứng, người bị hại, phải tiếp nhiều lượt cán bộ công an các cấp đến hỏi. Các công việc không bị chồng chéo, các thông tin, tài liệu chứng cứ thu thập được nhanh, chính xác, khách quan, đồng bộ hơn. Đây chính là khâu then chốt giúp chúng tôi điều tra khám phá nhanh các vụ trọng án trong thời gian qua.
 
Ba là: Xây dựng quan hệ phối hợp tốt với các đơn vị trong công an thành phố và công an các tỉnh. Đặc biệt là các địa bàn giáp ranh. Thực tế cho thấy, thủ phạm gây án trên địa bàn, có 50% đối tượng là người tỉnh ngoài, hoặc đối tượng là người Hà Nội, sau khi gây án lại lẩn trốn đến các tỉnh. Vì vậy chúng tôi luôn chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ kết hợp với công an các tỉnh bạn như: Thông báo cho nhau ngay từ khi vụ án xảy ra về phương thức, thủ đoạn, đặc điểm đối tượng, tang vật của vụ án. Trên tinh thần khi nhận được yêu cầu, thì tổ chức điều tra như công việc của chính mình. Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp tốt với công an các tỉnh, đã điều tra làm rõ nhiều vụ án. Điển hình như hồi 19h00’ ngàu 11/1/2001. chúng tôi nhận được tin báo của công an tỉnh Hải Dương với nội dung là: “15h ngày 11/1/2001 công an huyện Chí Linh phát hiện một xác chết ở cạnh đường vào đền Côn Sơn, nạn nhân là nam giới khoảng 40 tuổi bị đập nhiều nhát vào đầu, cắt cổ và đốt xác”. Đề nghị phối hợp điều tra. Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở trung tâm du lịch, lại gần Tết nguyên đán, cần phải làm rõ khẩn trương điều tra làm rõ. Với trách nhiệm là đội trưởng, tôi đã chỉ đạo anh em khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân, rà soát những nơi nạn nhân thường đón khách và các quan hệ của nạn nhân. Kết quả chỉ sau 20h kể từ khi nhận được tin, chúng tôi đã bắt được thủ phạm cùng chiếc xe tang vật tại quê của y ở Hưng Yên.
 
Thực tế cho thấy, thủ phạm gây ra các vụ trọng án đủ mọi thành phần lứa tuổi, thủ đoạn gây án tinh vi, táo bạo. Sau khi gây án chúng thường xóa mọi giấu vết, tạo hiện trường giả nhằm che giấu tội lỗi. Gây khó khăn cho công tác điều tra. Khi phát hiện bắt giữ thì chúng chống trả quyết liệt. Khi bắt được rồi thì chúng tìm mọi cách để chối tội. Cho nên trong quá trình điều tra tôi luôn suy nghĩ, tính toán để có kế hoạch điều tra với phương án tối ưu nhất và có sự nhạy bén, mưu trí, dũng cảm để nhanh chóng bắt được thủ phạm, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Khi đối mặt hỏi cung tội phạm, thì luôn có sự kiên trì, bình tĩnh để cảm hóa, giáo dục, thuyết phục cho tội phạm hiểu rõ được tội lỗi của bản thân và hiểu rõ được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Kết hợp với việc tổ chức xác minh nhanh chóng các nội dung do chúng khai ra. Từ đó  làm cho đối tượng bỏ dần tư tưởng ngoan cố không chịu khai báo đến lúc phải tự giác khai báo thành khẩn, điển hình như:
 
- Vào hồi 17h40’ ngày 31/10/2003, tại khu tập thể Cục vận tải, Bộ quốc phòng đóng tại huyện Sóc Sơn, xảy ra vụ án: Đối tượng dùng thuốc nổ chế tạo mìn dưới dạng gói quà để giết người, làm 2 người chết và 1 người bị thương nặng. Vụ nổ xảy ra gần khu vực sân bay Nội bài, vào thời điểm Quốc hội đang họp, trong lúc cả nước đang gấp rút hoàn tất các công việc cuối cùng để tổ chức Seagame 22. Vụ án xảy ra trong khu vực quân đội quản lý, không thuộc thẩm quyền điều tra của công an. Nhưng với ý thức chính trị cần phải điều tra khám phá ra vụ án trong thời gian sớm nhất, nên khi nhận được tin báo, tôi đã báo cáo lãnh đạo thành phố, sau đó huy động cán bộ, chiến sĩ tổ chức điều tra. Vụ án xảy ra không có nhân chứng, dấu vết ít ỏi, nhưng với tinh thần tích cực khẩn trương, nên chỉ sau 4 ngày đã bắt được tên Hùng và Lan ở Thái Nguyên là thủ pham. Sau gần một ngày đấu tranh, chúng đã cúi đầu nhận tội. Gần đây nhất vào hồi 11h ngày 28 Tết Ất Dậu năm 2005, trong không khí mọi người đang chuẩn bị đón Tết, thì tại số nhà 131 ngõ chợ Khâm Thiên, xảy ra vụ án đối tượng đột nhập giết cả 2 vợ chồng để lấy một số tiền vàng. Khi đến hiện trường dấu vết có rất ít, rất khó khăn cho công tác điều tra, lại có hoang tin báo là chồng giết vợ sau đó tự sát. Thân nhân của nạn nhân vật vã đau khổ. Với tinh thần khẩn trương rà soát, sàng lọc. Chỉ sau 3 giờ đã làm rõ và kịp thời bắt giữ được tên Bình quê ở Long An là thủ phạm gây án, khi y đang chuẩn bị lên máy bay trốn vào thành phố Hồ Chí Minh.
 
Các vụ trọng án xảy ra lại không theo một quy luật nào. Có thể cả ban ngày, ban đêm, ngày lễ, ngày Tết. Ở cả những địa bàn đông dân cư và cả nơi hẻo lánh. Vì vậy nhiều khi chúng tôi phải làm việc ngày đêm căng thẳng. Nhiều khi phải đi công tác đột xuất xa hàng tuần, hàng tháng. Nếu gia đình không thông cảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và hạnh phúc gia đình. Cho nên trong công tác giáo dục, quản lý cán bộ, chiến sĩ về chính trị, tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật, nghiệp vụ, học tập 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, học tập gương “người tốt việc tốt” cũng như xử lý các tình huống đặc biệt khi thi hành nhiệm vụ. Phân công cụ thể để các đồng chí cũ giúp đỡ các đồng chí mới. Kết hợp động viên, khen thưởng kịp thời các cán bộ, chiến sĩ có thành tích. Tổ chức gặp mặt, tặng quà cho vợ cán bộ chiến sĩ nhân ngày 8/3, ngày 1/6, Tết Trung thu. Khi thân nhân bị ốm đau hoặc gia đình có việc vui, buồn, đơn vị đều tổ chức đến thăm hỏi và phân công cán bộ, chiến sỹ chăm nom giúp đỡ. Từ đó đã gắn bó thêm tình cảm giữu các gia đình CBCS với đơn vị và động viên được cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Vì vậy, các năm từ 1993 đến năm 1996, mỗi năm trên địa bàn thành phố xảy ra trên 800 vụ trọng án, nhưng đến năm 2003-2004 mỗi năm chỉ xảy ra trên dưới 400 vụ (giảm 50%). Mười năm qua, chúng tôi đã thụ lý, điều tra 418 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bắt 134 đối tượng truy nã, trong đó có 48 đối tượng truy nã đặc biệt. Toàn bộ quá trình điều tra, bắt giữ các đối tượng đều đảm bảo tuyệt đối an toàn, không có cán bộ, chiến sĩ nào bị thương vong. Đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, không có trường hợp nào oan sai, sót lọt.
 
Với thành tích đã đạt được, đội điều tra trọng án, Phòng CSDDT, nay là Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, nơi tôi làm chiến sĩ rồi làm chỉ huy, luôn phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, liên tục giữ vững danh hiệu “Đơn vị tiên tiến xuất sắc”, “Tập thể tốt” “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”. Sáu lần tập thể đội và 18 lượt cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công các loại. Tập thể CSĐT và phòng CSĐT tội phạm về TTXH nhiều năm được UBND TP Hà Nội tặng cờ thi đua. Cá nhân tôi được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng ba, 10 năm liền là chiến sũ thi đua chiến sĩ quyết thắng. Đặc biệt ngày 07/10/2004, tôi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới.
 
Kính thưa Đại hội!

Những thành tích, sự trưởng thành và vinh dự như hôm nay là nhờ có sự quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng của Đảng và của Ngành Công an, mà trực tiếp là chỉ huy cấp ủy nơi tôi công tác, đã tạo điều kiện để tôi phấn đấu rèn luyện. Trong quá trình công tác và trong cuộc sống của mình, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn tôi luôn nhận được sự quan tâm, vun đắp, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, của các ngành, các cấp và của nhân dân. Tôi và các đồng nghiệp có được những thành tích như hôm nay, không thể không kể đến công lao vất vả của những bà mẹ, những người vợ. Có những bà mẹ ở quê ra thăm con, nhưng một tuần rồi chưa được gặp mặt con, vì người con còn đang bận cùng đồng đội phải đi phá án và những người vợ luôn thông cảm với công việc của chồng và đồng đội, nên vẫn khắc phục mọi khó khăn, lo toan việc gia đình để nuôi con khỏe, dạy con ngoan, động viên chồng yên tâm công tác.
 
Tôi xin phép được báo cáo những cố gắng rèn luyện phấn đấu trong thời gian qua. Nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới còn rất nặng nề. Tôi xin hứa với các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục các khuyết điểm, khiêm tốn học tập, tiếp thu cái mới để cùng tập thể cán bộ chiến sĩ phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình để góp phần bảo vệ tốt an ninh trật tự của Thủ đô trong tình hình mới. Xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
 
Xin trân trọng cảm ơn!
 
Thượng tá NGUYỄN ĐỨC CHUNG
Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
 
Ý kiến của bạn