Người phụ nữ Ê đê miệng nói tay làm, phấn đấu làm giàu cho quê hương

 2813 lượt xem
 

       Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Bản thân mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi, không nơi nương tựa nên việc học hành không được bao nhiêu. Khi được Đảng và Nhà nước quan tâm cho đi học lớp bổ túc văn hóa, tôi đã tốt nghiệp 12/12, học xong lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước do tỉnh tổ chức và học xong trung cấp lý luận chính trị.

Đối với tôi là một cán bộ nữ dân tộc Ê Đê phong tục tập quán còn hết sức nặng nề. Theo phong tục phụ nữ Ê Đê chỉ biết công việc nội trợ, không dám mơ ước tham gia công tác xã hội. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội cộng với nghị lực của bản thân, tôi đã vận động chồng cho tôi được tham gia công tác xã hội. Ngoài công tác xã hội tôi còn trách nhiệm làm vợ và nuôi dạy con cái, thức khuya dậy sớm chăm lo việc gia đình.
 
Đầu tiên tôi tham gia công tác phụ nữ ở Buôn, sau đó làm Chủ tịch hội phụ nữ xã, phụ trách công tác dân tộc. Khi ấy 3 đứa con còn nhỏ, kinh tế còn khó khăn, tôi phải vừa làm nương rẫy, vừa chăn bò, heo để đảm bảo cuộc sống gia đình và có đủ điều kiện để nuôi con ăn học, đến nay 1 đứa con gái học xong trung cấp và đang công tác tại trạm y tế xã, còn 2 đứa con trai học tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ làm một người cán bộ ở một địa phương phải miệng nói, tay làm, chân đi, mắt thấy, giải quyết những vấn đề vướng mắc với nhân dân. Không quản ngại khó khăn xuống bám buôn, bám dân để triển khai nhiệm vụ. Trong khi đó người Êđê còn nặng nề phong tục tập quán tự ti, ỷ lại nhưng bản thân tôi nghĩ mình là người cán bộ phải có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và phải có quyết đoán cao để xử lý công việc.
 
Xã Ea Tiêu có địa bàn rộng, với 24 thôn buôn, trong đó 3 buôn thuộc khu vực III với tổng dân số 21.000 người, chủ yếu là dân tộc Ê Đê và người Kinh.
 
      Từ năm 1995 về trước, xã Ea Tiêu là một xã yếu kém của huyện Krông Ana. Tỷ lệ đói nghèo chiếm 30%, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, thu ngân sách nhà nước giao 30 triệu đồng/năm nhưng vẫn không đạt.
 
Khi tôi được cấp ủy và HĐND bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã và trực tiếp phụ trách công tác dân tộc, tôi hết sức lo lắng, trăn trở bởi vì mình là một phụ nữ lãnh đạo một chính quyền địa phương. Tôi cố gắng hết sức mình cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn buôn đoàn kết cao trong nội bộ Đảng; tại các cuộc họp Ban chấp hành Đảng ủy, HĐND, UBND tôi đã mạnh dạn tham mưu các ý kiến xây dựng nghị quyết, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. 
 
Tôi mạnh dạn giao đất, giao rừng cho bà con và vận động bà con trồng rừng. Đây là vấn đề mới, khó khăn nhất đối với đồng bào, kể cả bản thân tôi. Tôi đã đến từng nhà để giải thích lợi ích của việc trồng rừng cũng như tạo công ăn việc làm cho một số hộ đang thiếu đất sản xuất, có nguồn thu nhập cùng góp phần xóa đói giảm nghèo. Tôi phải leo lên núi để kiểm tra và hướng dẫn bà con cách trồng, cách làm, chăm sóc cây. Đến nay đã có 286 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ nhận 346 ha rừng bình quân mỗi hộ trồng từ 1-2 ha rừng. Tôi đề xuất với cấp ủy, HĐND tiến hành khảo sát phân loại giàu nghèo, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc tại chỗ để có biện pháp thiết thực phù hợp với điều kiện, khả năng của đồng bào dân tộc. Ngoài ra tôi đề xuất chuyển đổi cây trồng một số diện tích cà phê không đảm bảo nước tưới và những hộ nghèo không đủ khả năng đầu tư chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay đời sống  nhân dân có bước đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 10%, tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng lên. Có 15% là hộ giàu, 30% là hộ khá, 35% hộ trung bình. Có 95% hộ được nghe radio catset, 80% hộ được xem ti vi. Bình quân 5 hộ có 1 chiếc máy cày dùng trong sản xuất, 7 hộ có xe máy, 95% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 30 hộ/1 máy điện thoại. Trên địa bàn xã có gần 36km đường cấp phối liên xã, liên thôn trong đó gần 10km là đường nhựa, nhân dân đi lại thuận tiện. Đời sống nhân dân được khá giả nên việc thu ngân sách nhà nước có phần thuận lợi, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1995, huyện giao cho xã thu ngân sách 30 triệu đồng nhưng xã không hoàn thành. Qua quá trình phát triển kinh tế, đến nay thu ngân sách 30 triệu đồng nhưng xã không hoàn thành. Qua quá trình phát triển kinh tế, đến nay thu ngân sách xã của xã đạt 1 tỷ 600 triệu đồng. Ngân sách thu đạt và vượt một phần là do tập thể lãnh đạo, một phần do cá nhân tôi kiên quyết thu không phân biệt hộ người Kinh và hộ người dân tộc mà thu đúng, thu đủ đối với những hộ có điều kiện, miễn giảm thích đáng đối với những hộ nghèo đói. Trên địa bàn xã có 8 trường học, trong đó có 2 trường trung học cơ sở khang trang, có 4 trường tiểu học, có 2 trường mẫu giáo, có 6.230 học sinh. Những năm gần đây được Đảng và Nhà nước quan tâm cấp sách giáo khoa, cấp vở viết, hỗ trợ tiền cho học sinh nghèo có điều kiện ăn học và miễn tiền xây dựng trường học nên tỷ lệ học sinh bỏ học không đáng kể. Hiện nay toàn xã có 200 em đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước, có 150 em đã tốt nghiệp được bố trí làm việc trong đó có 78 em là đồng bào dân tộc tại chỗ, 11 em được đi học theo diện cử tuyển, có 7 em học đại học kinh tế, 45 em học cao đẳng, còn lại các ngành nghề khác. Có 11 em là người dân tộc làm việc tại các cơ quan huyện, tỉnh, 37 em giáo viên tại các trường phổ thông, có 3 em phục vụ tại trạm y tế, 50 em đang học lớp 9 và 12 em tại trường đào tạo dạy nghề dân tộc của tỉnh. Có 9 em được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là nhân tố và nòng cốt của buôn làng mà Đảng bộ chính quyền xã Ea Tiêu chăm lo xây dựng và phát triển tạo nguồn kế cận. Trong đó bản thân tôi trực tiếp giới thiệu chịu trách nhiệm dìu dắt, giúp đỡ 4 em.
 
Ngoài những việc vận động tổ chức văn nghệ, thể dục, thể thao… tôi phải chú trọng giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện có 59 bộ chiêng lớn nhỏ để phục vụ, tổ chức các lễ hội của dân tộc như cúng mừng sức khỏe, cúng mừng lúa mới… và tôi quan tâm nhất là thế hệ nhỏ tuổi phải biết đánh chiêng, mời già làng tập cho từ 6-8 tuổi biết đánh chiêng Kram và thổi Đinhgtu…
 
Xã Ea Tiêu có 18 đội văn nghệ, 21 đội bóng đá, 16 đội bóng chuyền, 9 đội bóng đá đủ 3 thế hệ có nam, có nữ ở dưới thôn buôn. Xã tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền và biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng từ 1 đến 2 lần trong năm. Ngoài ra xã đã làm tốt quỹ khuyến học, xây dựng quỹ trẻ em nghèo từ 20-25 triệu đồng. Hàng năm đều tổ chức tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, nhân dịp 1/6, mỗi xuất quà từ 50-100 ngàn đồng. Xã đã xây dựng quy ước, hương ước 24/24 thôn buôn, có 2879 hộ là gia đình văn hóa và huyện đã công nhận 3 thôn buôn là thôn văn hóa và đang làm thủ tục 7 thôn buôn sẽ công nhận cuối năm 2005. Huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa đến nay có 300 triệu đồng và đã xây dựng 5 nhà tình nghĩa; mỗi năm xã đã tặng từ 10-15 sổ tiết kiệm tình nghĩa; mỗi sổ từ 200-300 ngàn đồng mua sắm bàn ghế cho những hộ khó khăn và thăm hỏi tặng quà cho 114 đối tượng nhân dịp ngày 27/7 hàng năm hoặc những ngày lễ Tết, mỗi suất quà giá trị từ 30-35 ngàn đồng; xã tặng quà cho các hộ gia đình có con đang làm nghĩa vụ quân sự.
 
Xã có 7 buôn dân tộc, tôi vận động đóng góp được 200 triệu, tỉnh hỗ trợ 100 triệu để xây dựng 2 nhà văn hóa cho 2 buôn.
 
Thực hiện Quyết định 132, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã tổ chức họp Ủy ban và các ngành của xã quán triệt nội dung và phân công trực tiếp đi triển khai, khảo sát hộ thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất hoặc không có đất ở và đất sản xuất. Nắm chắc những hộ gia đình có đất ở và đất sản xuất. Nắm chắc những hộ gia đình có thừa đất ở, đất sản xuất để tổ chức vận động hộ gia đình ông, bà, cha, mẹ san sẻ đất ở, đất sản xuất cho con cháu mình. Đây là việc khó khăn mà tôi đã thuyết phục được, cứ mỗi lần tôi vận động được 1-2 gia đình đồng ý san sẻ đất cho con cháu làm nhà là tôi tổ chức thông báo trên loa đài của xã để kịp thời động viên, hỗ trợ cho cuộc vận động này. Đến nay các hộ đã chia được đất ở là 348 hộ với diện tích 13,92 ha bình quân 400m2//hộ. Đây là một xã thắng lợi đầu tiên của huyện trong việc vận động ông và, cha mẹ san sẻ; tôi trực tiếp vận động với lãnh đạo Công ty Cà phê Ea Tiêu giao lại 3,6 ha để bố trí đất làm nhà cho 56 hộ. Tôi tiếp tục làm việc với 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã để tiến hành làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi 318 ha bố trí cho hộ đồng bào không có đất sản xuất hoặc đề nghị tuyển một số đồng bào dân tộc vào làm công nhân trong các doanh nghiệp để góp phần ổn định cuộc sống. Từ những thành tích trên xã đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt năm 2002 được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị xuất sắc 5 năm và năm 2003 được nhận huân bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Riêng bản thân tôi đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, trong đó năm 2003 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 6 huy cương của các Bộ, ngành Trung ương trao tặng.
 
Tuy có những thành tích trên, tôi không thỏa mãn, chủ quan cần phải cố gắng hơn nữa trong công tác, đặc biệt giáo dục nhân dân cảnh giác với những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta, lợi dụng phong tục tập quán, tôn giáo, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau bảo vệ thành quả cách mạng đã xây dựng cho đồng bào các dân tộc, đưa phong trào xã nhà ngày càng phát triển.
 
H-BLIAK-NIÊ
Chủ tịch xã Ea Tiêu, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk.
 
 
 
Ý kiến của bạn