Phát triển kinh tế gia đình từ nuôi ngao

 2980 lượt xem
 

        Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Kính thưa Đại hội.
 
Tôi xin báo cáo một số kết quả phát triển nuôi ngao của gia đình tôi trong những năm qua.
 
Quê tôi, huyện Giao Thủy, là một huyện ven biển có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản, với 32 km bờ biển, có cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Hà Lạn (Sông Sò). Có Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ với diện tích hàng chục nghìn ha. Có vùng bãi triều và đất ngập nước rất phù hợp và thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại động vật thủy sản có giá trị kinh tế, trong đó có các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: Con ngao, sò, móng tay, don, giắt…
 
Những năm trước đây ở vùng biển Giao Thủy, ngao được khai thác tự nhiên và chỉ là sản phẩm tiêu dùng tại địa phương, hàng ngày người dân quê tôi ra biển đào bắt về làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi hoặc bán ở chợ để có thu nhập thêm cho đời sống. Do chỉ khai thác tự nhiên nên sản lượng và hiệu quả kinh tế rất thấp.
 
Bản thân tôi, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi trở về địa phương. Gia đình đông người, chỉ có thu nhập từ ruộng khoán nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Làm gì để vượt qua đói nghèo trong khi chỉ có 2 bàn tay trắng. Cùng như nhiều thanh niên khác, tôi luôn suy nghĩ, nung nấu tìm cách khai thác các tiềm năng, nguồn lợi sẵn có trên vùng biển quê tôi.
 
Tôi đã phải bươn trải, làm thuê, thu mua hải sản ở quê mang đi bán ở nhiều nơi, kể cả sang thị trường Trung Quốc. Trong quá trình buôn bán hải sản sang Trung Quốc, tôi nhận thấy: Con ngao là mặt hàng có giá trị cao, được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường Trung Quốc. Tôi đã rất mừng, và nghĩ: Con ngao là một trong những mặt hàng hải sản có thể giúp bản thân tôi và người dân quê tôi thoát khỏi cảnh nghèo. Trở về quê, tôi bàn bạc với một số anh em tổ chức thu gom ngao của bà con các xã trong vùng khai thác được, mang sang Trung Quốc bán. Lợi nhuận thu được rất cao, song tôi nghĩ nếu chỉ khai thác tự nhiên, ngao cũng sẽ cạn kiệt dần, và nếu chỉ trông vào tự nhiên thì rất bấp bênh. Muốn có ngao để bán lâu dài cần phải nuôi thả, có nuôi thả, làm ăn mới ổn định. Từ đó tôi đã đề xuất với địa phương, thu gom ngao con, tổ chức cho bà con quay vây nuôi trên bãi triều của xã. Kết quả bước đầu cho thấy nuôi ngao là nghề không khó, có thể mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, tiêu thụ dễ dàng. Không dừng lại ở đó, tôi đã động viên mọi người mở rộng vùng nuôi, phát huy thế mạnh vùng bãi bồi và sức lao động dồi dào ở địa phương. Nguồn giống tự nhiên tại chỗ không đủ, tôi đã lặn lội sang Nghĩa Hưng và tìm đến các tỉnh có bãi bồi ven biển như: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi vào các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang…thu mua các loại ngao giống đưa về nuôi. Thời kỳ đầu, do thiếu kỹ thuật, kết quả không được như mong muốn. Ngao chết hàng loạt. Gia đình tôi không ít lần phải bán sạch tài sản vì cố theo đuổi việc nuôi thử nghiệm các loại ngao đưa từ các địa phương khác về. Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, được sự giúp đỡ, động viên của mọi người, với phẩm chất, ý chí đã được rèn luyện trong quân đội, lòng kiên định và quyết tâm đã giúp đỡ tôi có thêm nghị lực, từng bước vượt qua khó khăn thử thách.
 
Trong những năm qua, nhất là từ năm 1995 đến nay được các cơ quan khuyến ngư hướng dẫn và cung cấp các tài liệu, được dự các đợt tập huấn, được tham quan các mô hình nuôi ngao ở Bến Tre, Kiên Giang và Trung Quốc. Nhờ đó trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực quản lý của tôi được nâng lên. Không chỉ nuôi ngao dầu, ngao đá, tôi còn nghiên cứu, phát triển nuôi cả các con khác cùng dòng họ như Nghêu trắng Bến Tre, vào Kiên Giang lấy giống Sò huyết là một loại nhuyễn thể có giá trị kinh tế rất cao về nuôi thử và đã thành công. Góp phần đưa nghề nuôi ngao phát triển mạnh ở huyện Giao Thủy.
 
Nuôi ngao là một nghề mới, nó đã mở ra một hướng làm ăn có nhiều triển vọng tốt. Hàng năm, gia đình tôi sản xuất được 500-700 tấn. Tiền lãi nuôi ngao từ 1997-1999 là 300-500 triệu đồng/năm. Từ năm 2000 đến nay lãi 600-800 triệu đồng/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2005 lãi 800 triệu đồng. Điều làm tôi phấn khởi và hạnh phúc nhất là đã giúp các hộ nuôi về vốn, kỹ thuật và con giống, đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân lao động nhất là lúc nông nhàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở địa phương.
 
Hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao đã giúp tôi tăng tích lũy có thêm nguồn vốn đầu tư tái sản xuất. Diện tích đất thuê để nuôi ngao của gia đình tôi là 50ha trong đó diện tích nuôi ngao thương phẩm là 21ha.
 
Không thỏa mãn với kết quả đã đạt được, để nghề nuôi ngao phát triển ổn định, bền vững, tôi tiếp tục đầu tư và phát triển đa dạng các giống nuôi. Năm 2004, gia đình tôi đã đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó đầu tư mở rộng trang trại sản xuất giống 4,5 tỷ đồng với 1.400m2 nhà xưởng, 900m2 bể; đã sản xuất được 3,5 triệu ngao giống, đưa ra nuôi thành công trên bãi triều. Tôi tiếp tục đầu tư phát triển đa dạng các loại giống nuôi; đầu tư đắp và kè đã đường trục từ đê Quốc gia tới vùng nuôi ngao 1 tỷ đồng nhằm bảo vệ vùng nuôi ngao giống, đồng thời tạo điều kiện cho bà con đi lại sản xuất. Kết quả của việc đầu tư đã hạn chế rất nhiều thiệt hại do thiên nhiện gây ra, đặc biệt là cơn bão số 6, số 7 vừa qua.
 
Năm 2005, đưa vào sản xuất thêm giống tôm sú, cua biển và nghiên cứu sản xuất thử nghiệm cá Hồng Mỹ, cá Bớp…, thử nghiệm thành công mô hình “nuôi cá song trong đầm đáy bùn”. Cơ sở của tôi đã được đón nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế (Trung Quốc, Hàn Quốc) đến thăm quan, học tập, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm.
 
Đến nay, tôi đã trở thành một người nuôi ngao chuyên nghiệp ở Giao Thủy, cơ sở của tôi đã khép kín chu trình sản xuất ngao từ sản xuất giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ (cả thành phẩm lẫn con giống) trên thị trường trong, ngoài nước (chủ yếu là Trung Quốc).
 
Cùng với mở rộng sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường là công việc rất quan trọng. Những năm gần đây việc xuất bán ngao thương phẩm sang Trung Quốc thường gặp nhiều khó khăn do thương nhân Trung Quốc ép cấp, ép giá, muốn độc quyền tiêu thụ, để gỡ thế khó khăn này tôi phải đi nhiều nơi trong nước để tìm thị trường. Sau khi được tham gia chương trình “Người đương thời” của VTV3, nhiều địa phương đã biết đến con ngao quê tôi (chương trình VTV4 cũng đưa tin này sang các nước). Thế là từ chỗ người tiêu dùng trong nước làm quen, ăn thử đến nay ngao đã là món thực phẩm khá quen thuộc được ưa chuộng. Chỉ nói riêng thị trường thực phẩm Hà Nội, một ngày các khách sạn, nhà hàng, siêu thị… đã nhận ngao của riêng huyện Giao Thủy chúng tôi là từ 13-15 tấn, một năm 4.000 – 5.000 tấn, chưa kể các tỉnh, thành phố khác.
 
Cơ sở sản xuất của tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động trong xã với mức thu nhập ổn định 700.000 – 1 triệu đồng/người/tháng. Ở các thời kỳ sản xuất cao điểm có lúc cơ sở của tôi thuê đến 200 lao động với số tiền công 60-70.000 đồng/người/ngày, gia đình tôi đã giành 350 triệu đồng để thưởng cho 22 cá nhân có thành tích trong sản xuất. Không chỉ giúp đỡ bà con ở địa phương, trong những lần đi thu mua ngao giống và ngao thương phẩm tôi còn phổ biến kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con ngư dân ở Cửa Ghép, Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Cửa Sót, Cửa Nhượng, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Phà Giang (Quảng Bình) và nhiều địa phương khác như gia đình ông Trần Anh Tuấn ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; gia đình ông Nguyễn Xuân Đến, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; gia đình ông Sơn, gia đình bà Hòa ở thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cũng đều thành công và giàu có lên.
 
Cùng với tổ chức sản xuất, tôi còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2004 ngoài việc giao nộp tiền thuê khoán đất đai, các nghĩa vụ khác… tôi đã đóng góp thêm vào ngân sách xã 15 triệu đồng, ủng hộ các quỹ khác như quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc màu da cam…50 triệu đồng.
 
Không chỉ tập trung tổ chức sản xuất, tôi luôn gương mẫu chấp hành và nhắc nhở mọi người trong gia đình chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, của địa phương, làm tròn nghĩa vụ công dân.
 
Kính thưa Đại hội!

Đạt được các kết quả trên đây, bản thân tôi đã cố gắng tìm tòi học hỏi cách làm ăn, luôn rút kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, kể cả lúc thất bại không nản chí, từ đó lựa chọn những bước đi chắc chắn, hiệu quả. Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc, dám nghĩ, dám làm luôn tận dụng cơ hội trong sản xuất và thị trường, luôn coi trọng mối quan hệ cộng đồng, tin tưởng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh.
 
Trên đây là một số thành tích và kết quả nuôi ngao, sản xuất giống ngao của gia đình tôi trong những năm qua. Những kết quả trên đây mới là bước đầu và rất nhỏ bé. Nghề nuôi trồng thủy sản là một nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, khí hậu. Thời tiết tốt ngao sinh trưởng và phát triển nhanh. Ngược lại, thời tiết không tốt, mưa không thuận, gió không hòa, đặc biệt là bão lụt thì thiệt hại rất là lớn, nếu không nói là mất trắng. Cơn bão số 6, số 7 vừa qua đã gây thiệt hại và khó khăn không nhỏ cho người nuôi trồng thủy sản quê tôi. Gia đình tôi và những người nuôi trồng thủy sản quê tôi đã và đang khẩn trương khắc phục để nhanh chóng ổn định sản xuất, vượt qua những khó khăn do thiên tai gây ra. Chúng tôi, những người nuôi trồng thủy sản mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành để nghề nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, trong đó có tỉnh Nam Định quê tôi.
 
Kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!
 
NGUYỄN VĂN CỬU
Chủ hộ nông dân sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thương phẩm
 xã Xuân Giao, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
 
 
Ý kiến của bạn