Cuộc sống của tôi có nhiều bước ngoặt, đến với kinh doanh cũng là chuyện tình cờ, đặc biệt là việc chọn kinh doanh của nghề này. Học hết lớp 6, tôi đã tham gia kháng chiến, 24 năm làm công tác phụ nữ tỉnh, 8 năm giữ cương vị quản lý ở Công ty Thủy sản Tiền Giang. Về hưu ở tuổi 52, tôi muốn cuộc sống của mình thực sự nhiều ý nghĩa, không chỉ với bản thân, với gia đình, mà tôi muốn được tiếp tục cống hiến cho quê hương Tiền Giang nới còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Những trăn trở ấy đã trở thành hiện thực từ một câu chuyện tình cờ.
Trong một chuyến đi Nhật, người ta mời tôi món bánh pizza đặc sản nhập khẩu từ Ý. Khi ăn tôi mới phát hiện ra nó đặc biệt ở chỗ nhân bánh làm từ nghêu, có lẽ vì vậy mà nó đắt hơn nhiều lần so với những bánh pizza nhân thịt khác.
Vậy mà ở quê tôi khi đó nghêu rất nhiều, bày bán đất chợ với giá rẻ như cho không. Chuyến thuyền nào khai thác về bến cũng chất đầy nghêu mà ngư dân thì vẫn đói, vẫn rách. Dân đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư nuôi nghêu trên hàng ngàn ha ven biển Tân Thành, Gò Công Đông, vì không có đầu ra nên nhiều hộ đã mang công mắc nợ. Tôi chợt nhận ra bấy lâu nay quê hương tôi ngồi trên đống vàng mà chịu nghèo chịu khổ, vì vậy, tôi quyết định bắt đầu nghiệp kinh doanh từ chính con nghêu ở đất Tiền Giang này.
Quê tôi lao động nhàn rỗi nhiều, đặc biệt là lao động nữ. Những năm còn làm công tác phụ nữ tỉnh, tìm việc làm và tạo nguồn thu nhập cho chị em làm tôi trăn trở rất nhiều. Bây giờ cùng với việc nghĩ đến làm con nghêu xuất khẩu là tôi nghĩ đến việc giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ quê tôi.
Với suy nghĩ như vậy, tôi đã động viên, tập hợp anh chị em cùng tham gia thành lập doanh nghiệp vào năm 1994. Khi mới thành lập Công ty TNHH Thương mại sông Tiền, có tên là Xí nghiệp Tư doanh Sông Tiền. Khi đó, do đồng vốn eo hẹp nên quy mô của công ty nhỏ gọn, thiết bị chế biến chỉ có những dụng cụ thô sơ, như nồi luộc, nồi hấp, phải khiêng qua khiêng lại rất bất tiện.
Dù đã có kinh nghiệm kinh doanh khi còn là Phó Giám đốc ở Công ty nhà nước, nhưng khi trở thành giám đốc doanh nghiệp của chính mình với việc kinh doanh mặt hàng mới là nghêu, tôi đã gặp không ít khó khăn.
Nghêu thì nhiều, nhưng bán ở đâu, các nước châu Á như Nhật họ chỉ nhập một lượng hàng nhỏ lẻ bán cho số ít người có nhu cầu. Vậy là phải khăn gói đi tìm thị trường. Lại bắt đầu từ cái bánh pizza nhân nghêu nhập khẩu từ châu Âu ấy, tôi đã tìm đến thị trường này, đi đến các nước Đức, Ý, Bỉ và nhiều nước khác trong khối EU.
Nói ra điều này có thể ít người tin, nhưng đó là sự thật. Tôi xuất thân từ nông thôn, lại tham gia kháng chiến từ khi còn nhỏ, nên không có điều kiện học hành nhiều, ngoại ngữ không biết, nhưng tôi vẫn quyết phải tự mình ra nước ngoài để tận mắt thấy được họ bán gì, mua gì, ăn thế nào? Suốt 12 ngày đi 10 nước trong khối EU, qua nhiều thời gian bán thực phẩm ở các siêu thị tôi thấy hàng thủy sản bày bán chiếm tới 70%. Nhiều khi không đói, chưa đến bữa, nhưng tôi vẫn ghé vào các nhà hàng chỉ để xem trên bàn ăn của khách họ gọi các món thủy sản, không phải vì tôi thích mà tôi muốn biết cách chế biến của từng nước khác nhau thế nào. Trong lúc ngồi ăn, tôi vẫn để ý liếc sang các bàn ăn bên cạnh xem họ chuộng ăn những món ăn thủy sản nào. Tôi để ý thấy nghêu cũng là một trong số các món ăn thủy sản mà khách hay dùng. Tôi cho rằng, nhu cầu dùng thủy sản ở Châu Âu khá mạnh, và con nghêu cũng có nhiều hy vọng thâm nhập vào thị trường này vào những dịp khác nhau, khi thì hè, khi thì mùa đông, vào dịp Tết, dịp Noel để cảm nhận được nhu cầu của khách trong mỗi mùa có gì khác nhau. Gặt hái được những kinh nghiệm qua các chuyến đi thị sát, tôi đã mạnh dạn đầu từ vào lĩnh vực sản xuất này.
Nhưng các nước trong khối EU cũng là thị trường khắt khe nhất trên thế giới về yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm xuất sang đó thường bị kiểm tra ngặt nghèo, nếu đáp ứng được yêu cầu thì mới được tiêu thụ, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì bị tiêu hủy hoặc trả về. Chỉ cần 3 lô hàng như thế, doanh nghiệp bị đình chỉ xuất khẩu sang EU. Thực tế ở nước ta đã có hàng chục đơn vị bị lâm vào cảnh này. Nhưng EU vẫn là thị trường hấp dẫn vì đơn đặt hàng từ thị trường này thường với số lượng lớn và có giá cả tốt. Do đó dù biết là khó, tôi vẫn xác định đây sẽ là thị trường chính, lâu dài của Công ty mình. Tôi mày mò cùng đội ngũ kỹ thuật làm ra những mẫu sản phẩm giống như tôi đã thấy ở châu Âu để gửi đi chào hàng. Công ty tôi đã nhận được những đơn đặt hàng của phía đối tác.
Sau 1-2 năm làm ăn, tôi xác định châu Âu là thị trường tốt, nên tôi quyết định đầu tư chiều sâu để hạn chế rủi ro trong việc kiểm soát tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, và mở rộng quy mô chế biến. Năm 1996, tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để trang bị dây chuyền chế biến, hệ thống hấp luộc…xây dựng phương pháp quản lý áp dụng sản xuất theo quy trình HaCCP – một quy trình sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh đẳng cấp quốc tế. Tôi đã đạt được Bộ Thủy sản và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Việt Nam tạo điều kiện đào tạo HACCP cho đội ngũ quản lý sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh cấp quốc tế. Tôi đã được Bộ Thủy sản và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Việt Nam tạo điều kiện tạo HACCP cho đội ngũ quản lý sản xuất thủ công thô sơ, ban đầu công suất chỉ vài trăm tấn mỗi năm đã lên quy mô công nghiệp với công suất chế biến hàng nghìn tấn. Đạt được những đòi hỏi đó của thị trường thế giới, tôi đã ký được nhiều hợp đồng lớn với khách hàng. Từ năm 2000 đến năm 2003, mỗi năm Công ty tôi xuất khẩu được từ 3.000 – 3.500 tấn thủy sản, trong đó nghêu chiếm 70% khối lượng.
Có máy móc mới đã giải phóng được sức lực cho công nhân, quy mô sản xuất mở rộng nên tôi tiếp nhận thêm nhiều lao động hơn. Năm 1994 tôi có 100 công nhân, đến nay đã tăng lên 650 người. Trước những kết quả đáng mừng ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty tôi đầu tư nhiều hơn cho sản xuất.
Trong quá trình nghiên cứu thị trường, tôi nhận thấy nếu chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao như làm hàng tinh chế, vì vậy, riêng nghêu Công ty đã phát triển ra hàng chục loại sản phẩm như: nghêu tách nửa vỏ, nghêu ruột đóng gói, nghêu ruột xiên que, lẩu nghêu hay còn gọi là cocktail nghêu… tiện cho người sử dụng. Để giữ được thị trường và tăng giá trị sản phẩm, tôi đã luôn duy trì thực hiện đúng hợp đồng của khách, giao đúng hạn, đủ số lượng đi đôi với việc giữ vững chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 10 năm qua, Công ty tôi liên tục đoạt loại A trong thực hiện HACCP do Cục quản lý An toàn vệ sinh thủy sản kiểm tra định kỳ. Sự cố gắng này của tôi đã tạo được niềm tin cho các nhà nhập khẩu. Với thị trường khó tính như các nước châu Âu, thương hiệu Sotico của tôi vẫn trụ vững được trong suốt hơn 10 năm qua. Không những thế, công ty còn mở rộng tiêu thụ sang nhiều thị trường khác như Nga, Mỹ, Nhật, Hồng Kông…
Nhìn những sản phẩm phụ từ nghêu, tôi suy nghĩ nghêu thịt bán được rồi, còn nước nghêu? Mỗi ngày Công ty tôi chế biến 100 tấn nghêu tương đương 250.000 lít nước nhiều dinh dưỡng đổ ra môi trường. Nhớ lại lần ăn nghêu hấp sả ở Châu Âu, tôi thấy dù là nghêu đông lạnh nhưng vẫn có vị ngọt đậm đà trong nước, qua tìm hiểu thêm tôi được biết đó là họ dùng nước nghêu cô đặc. Vì vậy tôi quyết định đầu tư dây chuyền cô đặc nước nghêu trên 3 tỷ đồng. Từ nước thải, đến nay nước nghêu cô đặc đã mang lại hàng trăm nghìn USD mỗi năm cho doanh nghiệp. Công ty tôi mỗi ngày còn đổ đi tới trên 80 tấn vỏ nghêu. Tôi nghĩ vỏ nghêu có nhiều canxi sao không làm được việc gì? Tôi đã tìm đến một số đơn vị sản xuất thức ăn gia súc và trao đổi với họ, họ sẵn sàng mua bột vỏ nghêu để bổ sung canxi cho vật nuôi. Thấy có triển vọng, tôi đầu tư thiết bị nghiền vỏ nghêu, đến nay cũng đã thu lại hàng tỷ đồng. Con nghêu Sotico đã không bỏ phí một phần nào.
Qua quá trình tìm hiểu thị trường, tôi nhận thấy, không chỉ có con nghêu mà các hàng thủy sản đông lạnh khác cũng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Vì vậy, bên cạnh sản xuất các sản phẩm nghêu xuất khẩu, Công ty còn đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thủy sản khác theo hướng tinh chế mang giá trị kinh tế cao. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồ hộp khép kín, công suất 1 triệu lon/tháng, chuyên làm các sản phẩm nghêu đóng hộp, ghẹ đóng hộp, cá ngừ ngâm dầu, tôm ngâm dầu…
Nhờ định hướng đúng, nên tới nay thương hiệu Sotico của Công ty tôi đã có mặt ở 16 thị trường trên thế giới, giá trị xuất khẩu của Công ty ngày càng tăng, năm 2004 xuất khẩu đạt 8 triệu USD, ước tính năm nay xuất khẩu 11 triệu USD, tăng 83% so với năm 1995. Vốn của công ty luôn tăng và sản xuất có lãi. Chỉ tính trong 4 năm (2001-2004), Công ty đã đầu tư đổi mới một số thiết bị nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật với số vốn đầu tư trên 25,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền đã tạo việc làm ổn định cho 650 lao động nhàn rỗi của tỉnh Tiền Giang, với mức lương tăng dần theo sự đi lên của Công ty, đến nay lương trung bình của người lao động đạt được 1,2 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập đó đã đảm bảo tốt được cuộc sống ở khu vực nông thôn.
11 năm qua, xuất khẩu nghêu của Công ty tôi đã khơi dậy được phong trào làm nghêu xuất khẩu ở nhiều đơn vị khác và đã vực dậy cuộc sống của hàng ngàn ngư dân nuôi nghêu ở tỉnh Tiền Giang và nhiều tỉnh lân cận. Từ chỗ nghêu thừa bán không được, đến nay nhờ xuất khẩu, giá nghêu đã tăng ở mức 13.000 đồng/kg, diện tích nuôi đã tăng hơn nhiều những vẫn không đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Trong sự phát triển ổn định của Công ty, là một cán bộ đảng viên được đùm bọc và trưởng thành trong phong trào cách mạng nên tôi luôn tâm niệm sống ngày hôm nay phải biết ngày hôm qua, việc đền ơn đáp nghĩa với tôi không phải là việc làm ơn, mà tôi coi đó là trách nhiệm của mình. Từ nhiều năm nay, tôi đã nhận phụng dưỡng một mẹ liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm cho 4 mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa, tặng cho các gia đình chính sách, xây 2 phòng học, hỗ trợ chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân nghèo tỉnh Tiền Giang…
Dù là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng liên tục trong 11 năm qua, doanh nghiệp sông Tiền luôn gương mẫu chấp hành đầy đủ mọi nghĩa vụ với Nhà nước. Nhờ những nỗ lực ấy, tháng 3/2005, Sông Tiền vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng 3, phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng, cá nhân tôi cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm lăn lộn trong hoạt động thương trường, bản thân tôi có suy nghĩ đó là người lãnh đạo phải dồn tâm huyết cho công việc mình làm, và phải gần gũi gắn bó với công nhân, có chính sách thỏa đáng với công nhân trong vấn đề tiền lương và các quyền lợi khác. Đảm bảo mức lương ổn định và thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thăm hỏi khi ốm đau, thưởng trong các dịp lễ Tết… đã trở thành đòn bẩy tác động tới lòng nhiệt tình và sự gắn bó của 650 công nhân với công ty tôi. Ngành thủy sản là một ngành có nhiều cái khó, khó về thị trường, hết kiện cá, rồi kiện tôm, môi trường làm việc ẩm ướt, cực nhọc, nhiều khi kỹ sư mới ra trường cũng không muốn vào làm trong nhà máy… Đối diện với những khó khăn ấy, tôi nhận thấy nếu có ý chí quyết tâm sẽ vượt được qua tất cả. Ở một số nơi điều kiện làm việc tốt hơn những công nhân đình công, tôi cho rằng do chưa đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Đưa đến thành công ngày hôm nay, theo tôi đánh giá thì con người chính là nhân tố quyết định. Bên cạnh đó việc tìm thị trường, giữ vững thị trường bằng chính chất lượng, uy tín, và sự cải tiến không ngừng của doanh nghiệp tôi. Tôi luôn cung cấp đúng hợp đồng kể cả khi nguyên liệu đột ngột tăng giá, xuất lô hàng đi chỉ hòa vốn nhưng tôi vẫn làm vì mình đã ký hợp đồng với người ta rồi, việc giữ chữ tín này đã tạo được niềm tin với các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trong tương lai, Công ty tôi tiếp tục đa dạng sản phẩm, chú trọng các sản phẩm tinh chế vừa mang lại giá trị cao và để tiết kiệm nguồn nguyên liệu đang trở nên khan hiếm. Tôi hy vọng trong Đại hội thi đua toàn quốc lần sau sản phẩm xuất khẩu của Sotico cũng đa dạng hơn, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng nhiều so với báo cáo ngày hôm nay.
Xin chúc đại hội thành công tốt đẹp!
NGUYỄN THỊ ÁNH
Giám độc Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền
Tỉnh Tiền Giang