Duy trì và phát triển gương điển hình tiên tiến

 9572 lượt xem
Trao đổi với đồng chí Đặng Thiều Lai, cán bộ Hội Nông dân huyện Đông Hưng trong quá trình tìm hiểu về sự duy trì và phát triển của các điển hình tiên tiến là hội viên Hội Nông dân, hội viên Hội Làm vườn, tôi được giới thiệu một điển hình tiêu biểu từng được Báo Thái Bình tuyên truyền. Đó là anh Vũ Mạnh Diệp, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đô Lương, Chủ trang trại tổng hợp và hiện là chủ cơ sở mây tre đan xuất khẩu. 

Anh Vũ Mạnh Diệp (người thứ hai bên trái) kiểm tra sản phẩm mây tre trước khi xuất hàng.

Về Đô Lương thăm lại điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng mà mình từng phát hiện, tuyên truyền cách đây ba năm với tiêu đề “Anh nông dân tiên phong nuôi con đặc sản mới, lạ”. 

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Vũ Mạnh Diệp vẫn phát triển tốt. Đàn nhím, đàn chim trĩ và các cây, con vật nuôi khác vẫn duy trì với số lượng lớn và cho thu nhập cao. Song có một điểm mới ai cũng nhìn thấy ngay khi bước vào ngõ, đó là khoảng sân hè nhà anh Diệp chật ních những nguyên liệu mây tre và sản phẩm mây tre xuất khẩu các loại đã hoàn thiện. Mọi người đông đúc nhưng ai cũng bận rộn với công việc đan lát và cùng vui vẻ nói cười.
 
Thắc mắc về việc trang trại tổng hợp đang phát triển tốt, lúc nào cũng bận rộn làm không hết việc, sao anh lại mở thêm cơ sở làm nghề mây tre đan? Anh Diệp chia sẻ: Bà con trong vùng không có việc làm thêm những lúc nông nhàn, không có thêm thu nhập. Trang trại của tôi phát triển tốt nhưng không giúp tạo được nhiều việc làm. Tôi tìm hiểu và thấy nghề mây tre đan dễ học, dễ làm, phù hợp với nhiều đối tượng lao động kể cả người cao tuổi, người hạn chế về sức khỏe. Hơn nữa trong xã và vùng lân cận chưa có ai mở cơ sở hay làm dịch vụ này.
 
Được sự giới thiệu và tạo điều kiện đào tạo nghề của Hội Nông dân, Hội Làm vườn huyện, anh Diệp liên hệ với doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu của anh Phan Thanh Tĩnh ở xã Đông Kinh, đồng thời tập hợp bà con về tại địa điểm nhà mình để tổ chức học nghề. 
 
Tuy mới hai tháng vừa học vừa làm, song hơn 200 lao động khá thành thạo công việc. Điều quan trọng là họ phấn khởi, vui vẻ và yên tâm vì từ nay có thêm một nghề để cải thiện cuộc sống. Cơ sở mây tre đan của anh Diệp đã xuất được hai đợt hàng, lao động đã có thu trung bình mỗi ngày từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng/người. Tuy tiền công còn thấp song anh Diệp và mọi người đều phấn khởi vì có việc làm phù hợp lúc nông nhàn. Người nọ giới thiệu người kia cùng đến học việc. Anh Diệp đang hy vọng tương lai cơ sở sẽ mở rộng hơn.
 
Hy vọng, những điển hình tiên tiến như anh Vũ Mạnh Diệp sẽ là hạt nhân tích cực thúc đẩy phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, làm giàu, làm đẹp quê hương.
 
 
Ý kiến của bạn